Khá nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng từ 2-5 tuổi là giai đoạn vàng để bé phát triển trí não. Ở độ tuổi này, trẻ có khả năng tiếp nhận thông tin dễ dàng và nhanh chóng nhất. Do đó, việc dạy tiếng Anh cho trẻ vào thời điểm này giúp tạo cơ sở quan trọng trong việc hình thành tư duy ngôn ngữ của trẻ sau này.Tuy nhiên, xung quanh vấn đề này còn khá nhiều ý kiến khác nhau.
Ảnh minh họa.
Góc nhìn của phụ huynh
Hiện có khá nhiều ý kiến khác nhau từ các ông bố bà mẹ trong việc dạy tiếng Anh cho trẻ mầm non. Anh Toàn Thắng có con học ở Trường mẫu giáo ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết: Ở tuổi này nhiều cháu nói tiếng Việt còn không sõi nói gì đến học ngoại ngữ. Cho con đến trường mẫu giáo với mục khuyến khích các cháu giao tiếp để có thể diễn đạt tốt và bớt nói ngọng. Tôi e rằng cho trẻ học ngoại ngữ ở lứa tuổi mầm non sẽ gây ảnh hưởng đến sự phát triển tiếng Việt của trẻ. Thời gian còn dài mà. Cứ để nó nói tốt tiếng Việt đã rồi học ngoại ngữ sau, vội gì.
Chị Thanh Mai (có con học mẫu giáo ở quận Hai Bà Trưng) cũng cho rằng các cô giáo ở trường thuyết trình khá nhiều về lợi ích của việc cho con học tiếng Anh sớm nhưng thực ra chúng tôi cũng không để tâm lắm, chương trình của nhà trường thế nào thì gia đình theo thế. Các cháu học ngoại ngữ ở tuổi này là cho vui chứ hiệu quả thì chẳng mong gì. Vẫn biết tiếng Anh sau này rất cần cho công việc nhưng nếu học từ quá nhỏ chỉ sợ tạo áp lực học tập cho trẻ, nếu con không hào hứng cũng chẳng nên ép.
Còn theo chị Thu Thanh (có con học mẫu giáo ở quận Đống Đa) thì mỗi khi đi học về con lại bi bô vài câu tiếng Anh học được ở trường, sai đúng chưa biết nhưng nghe cũng vui tai, phấn khởi. Cũng thấy con khá linh hoạt khi nhìn thấy những đồ vật trong nhà và đều đọc được bằng tiếng Anh.
Trước những băn khoăn này, chúng tôi đã khảo sát thực tế tại một tiết học tiếng Anh có thời lượng khoảng 40 phút ở Trường mầm non tư thục Bim Bon - Định Công. Giáo viên đứng lớp là người nước ngoài, giao tiếp với các em nhỏ hoàn toàn bằng tiếng Anh, còn trẻ em thì dường như có tài vượt qua rào cản ngôn ngữ nên rất hào hứng.
Trong buổi học, khi cô giáo dạy mỗi từ vựng đều có đồ vật cụ thể cho trẻ vừa nghe, vừa nhìn, hoặc mỗi bài dạy đều gắn với một hoạt động, một trò chơi, hay một bài hát vui nhộn. 40 phút, chỉ giới thiệu khoảng 3 đến 5 từ mới, khối lượng kiến thức vừa đủ để giúp trẻ cảm thụ ngôn ngữ một cách tự nhiên.
Cô Nguyễn Thanh Trà- Hiệu trưởng chia sẻ: Trẻ nhỏ có khả năng tự động thu nạp ngôn ngữ nên cho trẻ vừa học vừa chơi. Quan trọng là cần có giáo trình không áp lực cho học sinh và giáo viên phải đạt trình độ chuẩn, đủ vốn từ để giảng giải cho học sinh và phải có những hiểu biết nhất định về đặc điểm tâm sinh lý của trẻ, có phương pháp dạy học phù hợp với trẻ mầm non.
Tuy nhiên, trên thực tế cũng có một số phụ huynh lại kỳ vọng quá lớn, gửi con học thêm ở trung tâm ngoại ngữ khi con còn quá nhỏ, chưa có ý thức tự quản, gây khó cho giáo viên và cả những học sinh khác cùng lớp.
Quan điểm của chuyên gia giáo dục
Là người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này, TS Christine Chen - Chủ tịch Hiệp hội mầm non thế giới cho rằng khi trẻ được học thêm một ngoại ngữ, một thế giới khác sẽ mở ra trước mắt trẻ. Trẻ hiểu được cách mọi người nói, mọi người làm ở thế giới đó và được tư duy ban đầu về thế giới, giúp các em có tầm nhìn rộng mở hơn.
“Ngôn ngữ được tiếp nhận chứ không được dạy, vì vậy học tiếng Anh là một việc vui vẻ, thú vị. Trẻ cần có môi trường tương tác với ngôn ngữ. Mong ước của tôi là tiếng Anh được mọi người sử dụng mỗi ngày khi chúng ta học cùng trẻ, biến việc sử dụng tiếng Anh thành công cụ quen thuộc mỗi ngày”- TS Christine Chen nói.
Chuyên gia Neil Roberts- Phó Giám đốc Trung tâm Giảng dạy Hội đồng Anh chia sẻ: Trong xu thế hội nhập thì việc cho trẻ làm quen với tiếng Anh là yêu cầu cần thiết, nhưng không nên bằng mọi giá và ngay từ khi còn nhỏ. Chúng ta cũng đừng quá quan tâm nhiều đến độ tuổi học tiếng Anh, quan trọng là có một phương pháp dạy cho trẻ mầm non tốt và hiệu quả. Trẻ học qua chơi, qua bài hát, bài thơ, điều này sẽ giúp cho trẻ cảm thấy thoải mái.
Đồng quan điểm, TS Đặng Lộc Thọ- Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Trung ương, cho biết: Các nghiên cứu trên thế giới đều chỉ ra rằng lĩnh hội ngôn ngữ là quá trình tự nhiên ở lứa tuổi nhỏ. Trẻ mẫu giáo được coi là giai đoạn thuận lợi nhất để tiếp thu ngoại ngữ do sự hình thành các quá trình nhận thức và ghi nhớ tài liệu ngôn ngữ một cách nhanh chóng, dễ dàng hơn những giai đoạn tiếp theo; trẻ có sự tự nhiên của các động cơ giao tiếp và không có các rào cản ngôn ngữ.
“Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương đã thử nghiệm cho trẻ làm quen với tiếng Anh tại ba trường mầm non thực hành. Kết quả cho thấy trẻ hào hứng, tích cực tham gia các hoạt động với tiếng Anh và muốn được làm quen với tiếng Anh”- TS Thọ cho biết.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Hùng- chuyên gia về giảng dạy tiếng Anh lại chia sẻ: Nhiều phụ huynh rất quan tâm và đầu tư tiền bạc cho trẻ học tiếng Anh từ lứa tuổi mầm non. Nhưng đa số phàn nàn rằng con mình vẫn không nói được tiếng Anh. Điều này cho thấy việc dạy học tiếng Anh cho trẻ mầm non chưa thật sự hiệu quả, liên quan tới điều kiện, chất lượng giáo viên, nhưng chủ yếu là do hình thức, nội dung dạy học chưa phù hợp với lứa tuổi.
ThS Lê Thị Luận (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) cũng cho biết: Ở Việt Nam hiện nay, việc trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh chưa có giáo trình chính thức từ Bộ GDĐT nên các cơ sở giáo dục mầm non hầu hết đều là tự phát. Đội ngũ giáo viên tham gia dạy tiếng Anh cho trẻ mầm non hầu như nhưng chưa có chứng chỉ về sư phạm mầm non. Điều này dẫn đến sự kém hiệu quả - điều mà các bậc phụ huynh lo lắng.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thị Nghĩa cũng băn khoăn bởi trên thực tế việc triển khai dạy tiếng Anh ở bậc mầm non còn có khoảng trống giữa việc làm quen ở mẫu giáo với thời điểm học ngoại ngữ chính thức ở tiểu học (lớp 3, mới chính thức học tiếng Anh).
Vì vậy, để trẻ học tiếng Anh hiệu quả, theo GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội thì khi Bộ GDĐT chưa xây dựng một giáo trình mầm non chuẩn thì không nên dạy ở lứa tuổi này, cần nghiên cứu, xây dựng giáo trình thích hợp cho từng lứa tuổi để trẻ có bước đệm tốt cho những bậc học tiếp theo.