UBND TP Đà Nẵng vừa phê duyệt thí điểm cấm xe máy dùng hộp số tự động (xe tay ga) và áp dụng đeo thẻ cho người lên Sơn Trà trong 3 tháng, bắt đầu từ ngày 15/11/2019 đến ngày 15/2/2020. Dư luận và các nhà chuyên môn cho rằng cả 2 hình thức này (cấm xe tay ga và đeo thẻ) chưa phải là giải pháp tốt nhất nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông cũng như quản lý người ra vào Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà.
Chốt trực cấp phát thẻ và dừng xe, trung chuyển khách lên Sơn Trà được đặt ở một dốc cao, nguy hiểm, đầu tuyến đường Yết Kiêu. Ảnh: Thanh Tùng.
Cấm để quản?
Sáng 18/11 tại con dốc cao ở cổng Khu du lịch Intercontinental Danang Sun Peninsula, gần ngã ba Bãi Bắc, chúng tôi gặp ô tô tuần tra của Công an phường Thọ Quang chở chiếc xe máy tay ga về trụ sở. Sau nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra ở Sơn Trà từ giữa năm 2019, cơ quan có trách nhiệm của TP Đà Nẵng tham mưu cho UBND TP này, cấm xe máy tay ga lên Sơn Trà. Liền sau quyết định cấm xe máy tay ga, là thí điểm đeo thẻ cho người có đất sản xuất và khách du lịch lên Sơn Trà. Chỉ trong thời gian ngắn, chốt trực và barie ở điểm đầu của các tuyến đường Yết Kiêu đi Suối ôm, Yết Kiêu đi Đỉnh Bàn Cờ - Bãi Bắc, ngã ba đường Hoàng Sa đi Cây Đa di sản và Khu du lịch Intercontinental Danang Sun Peninsula, được hoàn thành. Tại các chốt trực, ngoài nhân viên Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng còn có nhân viên của một công ty vệ sỹ.
Trước thắc mắc của du khách về sự can thiệp của nhân viên một công ty vệ sỹ vào quá trình di chuyển, tham quan ở Sơn Trà, chúng tôi đã liên hệ với ông Nguyễn Đức Vũ, Trưởng Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng. Ông Vũ cho biết, nhân viên công ty vệ sỹ được thuê theo giờ trong suốt thời gian thí điểm nhằm hỗ trợ nhân viên Ban Quản lý. Theo thí điểm của UBND TP Đà Nẵng, có 2 loại thẻ màu vàng và màu xanh, được nhân viên chốt trực tại điểm đầu các tuyến đường chính lên Sơn Trà phát cho khách đeo trong suốt thời gian lên núi. Thẻ màu vàng (có giá trị dài ngày) dành cho người có đất sản xuất đất rừng; nhiếp ảnh gia; sinh viên thực tập; nghiên cứu sinh. Thẻ màu xanh (giá trị trong ngày) dành cho khách du lịch và người đến liên hệ công tác, có nhu cầu lên Sơn Trà. Thẻ màu vàng và thẻ màu xanh không áp dụng đối với công an, quân đội, kiểm lâm và người được cơ quan chức năng phân công nhiệm vụ thường xuyên ở Sơn Trà. Thí điểm đeo thẻ nhằm nắm bắt số lượng người lên Sơn Trà mỗi ngày. Ông Nguyễn Đức Vũ cho biết, sẽ chỉ đạo cán bộ dưới quyền cung cấp ngay số lượt người ra vào Sơn Trà thông qua đeo thẻ, tuy nhiên đến cuối buổi chiều 18/11 (3 ngày sau khi áp dụng thí điểm có hiệu lực), chúng tôi vẫn chưa nhận được thông tin từ Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng liên quan đến nội dung nêu trên .
Dù đang là thí điểm nhưng việc lên Sơn Trà phải đeo thẻ cũng nhận được nhiều ý kiến không đồng tình. Nhà khoa học Vũ Ngọc Thành, một trong những chuyên gia hàng đầu về linh trưởng, đến từ Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ rằng, ông đã đến rất nhiều Vườn quốc gia (VQG), Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) của thế giới nhưng không có nơi nào áp dụng đeo thẻ vào rừng cho du khách. Hầu hết VQG và KBTTN trên thế giới chỉ áp dụng hình thức duy nhất là bán vé tham quan đi kèm với các biện pháp bảo vệ, giám sát thông minh. Ông Trinh Lê Nguyên. Giám đốc Trung tâm con người và thiên nhiên (Panature) cho rằng Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà với diện tích dưới 5.000 ha, chiếu theo luật thì không cần phải tổ chức bộ máy Ban quản lý hoàn chỉnh nhưng Sơn Trà cũng rất cần được cấp, ngành có trách nhiệm của địa phương quản lý bằng các giải pháp tối ưu nhất. Cả nước hiện có 43 vườn quốc gia và 62 khu bảo tồn nhưng các VQG, KBTTN đều chỉ bán vé tham quan, chưa thấy nơi nào áp dụng đeo thẻ.
Mô hình quản lý của VQG Bạch Mã
Trao đổi với khách tham quan Sơn Trà trong ngày 18/11, chúng tôi ghi nhận nhiều ý kiến cho rằng họ rất ngạc nhiên khi phải đeo thẻ khi đến du lịch tại đây. Việc cấm xe máy tay ga cũng được nhiều người cho là bất cập bởi nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông là do ý thức chủ quan của người điều khiển phương tiện. Về mặt kỹ thuật, xe máy tay ga đã được nhà sản xuất thiết kế đảm bảo an toàn nhất trên các loại địa hình đèo dốc. Liên quan đến thí điểm cấm xe máy tay ga và đeo thẻ cho khách lên Sơn Trà, một số chuyên gia cho rằng Đà Nẵng nên tham khảo mô hình quản lý của VQG Bạch Mã. Cách Sơn Trà chỉ khoảng hơn 20 km đường chim bay, Bạch Mã không chỉ được biết đến là VQG nổi tiếng mà còn là địa chỉ du lịch sinh thái hoàn hảo. Gần 30 năm trước, VQG Bạch Mã đã cấm tuyệt đối xe máy lưu thông. Vượt qua chiếc barie án ngữ cửa rừng, du khách được kiểm lâm viên VQG hướng dẫn tham quan, dã ngoại, vui chơi ở những nơi quy định. Sau hàng chục năm thực hiện bán vé tham quan và giáo dục trực quan bảo vệ thiên nhiên tại điểm dừng chân đầu tiên là cửa rừng; VQG Bạch Mã trở thành địa chỉ quen thuộc của bất cứ ai muốn tận hưởng không gian xanh với suối reo, chim hót – trái ngược hẳn với cảnh từng đoàn nam nữ thanh niên mang theo bia, rượu, loa thùng công suất lớn...
Theo ông Nguyễn Đức Vũ, Trưởng Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng: Khó so sánh Sơn Trà của Đà Nẵng với Bạch Mã của Thừa Thiên – Huế, tuy nhiên trước khi có được giải pháp thông minh thì mô hình quản lý của VQG Bạch Mã vẫn đang được các VQG, KBTTN khác học tập.