Tính chính luận luôn được coi là bản lĩnh của bất cứ tờ báo chính trị - xã hội nào. Đại Đoàn Kết cũng không nằm ngoài điều đó. Kể từ khi xuất bản số báo đầu tiên (Báo Cứu Quốc - tiền thân của Báo Đại Đoàn Kết), trải qua chặng đường dài 80 năm, tính chính luận luôn được các thế hệ làm báo Đại Đoàn Kết gìn giữ, vun xới và phát huy. Những bài chính luận được coi là “đặc sản” của tờ báo, là sản phẩm báo chí đặc biệt. Vì vậy, điều có thể nói đầu tiên là báo Đại Đoàn Kết luôn duy trì được tính chính luận trong những chuyên mục cụ thể cũng như “ẩn hiện” ở tất cả các bài báo. Đó chính là bản lĩnh của một tờ báo.
Giám sát và phản biện xã hội - một trong những yêu cầu đối với Báo Đại Đoàn Kết, Cơ quan Trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; tập thể lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên của Báo đã nỗ lực hết mình trong từng bài viết, từng số báo. Liên tục. Trong bất kể số báo nào, bài báo nào, tính chính luận lúc thì đậm đặc, lúc thì phảng phất đều hiện diện trên mặt báo.
Nhiều tờ báo có mục “Xã luận” mang tính bình luận. Nhưng trong số báo cũng chỉ có một bài mà thôi. Có nhiều tờ báo còn “né” chuyên mục này vì nó gai góc, viết không khéo, chuệch choạc một chút thì “không phải đầu cũng phải tai”. Và đôi khi người ta còn cho là nó “không ăn khách”, kén bạn đọc. Vì thế, việc Đại Đoàn Kết kiên trì tính chính luận là việc khó khăn. Việc đó nói lên điều gì nếu không phải là bản lĩnh và ý thức chính trị của tờ báo?
Trong lịch sử 80 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ làm báo Đại Đoàn Kết luôn giữ ngọn lửa trong tim. Tính chiến đấu của tờ báo rất cao, được xã hội thừa nhận và tin tưởng. Chiến đấu ở đây là chiến đấu với những gì sai trái, hủ bại để góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp, tiến bộ. Đó cũng chính là việc tìm tiếng nói đồng thuận, đồng lòng chung sức trong sứ mệnh cao cả của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Những năm gần đây, tinh thần ấy, ý chí ấy, khí phách ấy càng được phát huy. Với những vấn đề nóng, Báo không né tránh, không nửa vời mà mạnh dạn đặt vấn đề, mổ xẻ, phân tích và như nhận xét của bạn đọc, đồng nghiệp ở các cơ quan báo chí khác thì đó không phải là những bài báo “nhờ nhờ nước hến”, mà là những bài báo gan góc. Gan góc nhưng không quy chụp, không “chụp mũ”, không “đập chết ăn thịt”, không viết cho “sướng tay” mà mục tiêu duy nhất là phát huy tinh thần phản biện xã hội, đóng góp một tiếng nói trung thực với cách nhìn sắc sảo, thuyết phục, có lý có tình.
Trên tinh thần ấy, bản lĩnh ấy, Báo Đại Đoàn Kết xác định tinh thần dấn thân. Trước hết là trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực; chống lại những biểu hiện suy thoái của cán bộ, đảng viên, nhất là với những người có chức có quyền. Nếu chỉ “đao to búa lớn” thì không khó, nhưng cái khó ở đây là dũng cảm đấu tranh nhưng không “vơ đũa cả nắm”, không quy kết một cách cảm tính, cá nhân, cực đoan. Nhiều lúc phải đấu tranh trực diện nhưng không vùi dập, không để bài viết thổi bùng sự giận dữ rồi đi đến chỗ phủ nhận tất cả. Càng không được để suy diễn, không thể vàng thau lẫn lộn.
Công tác cán bộ chưa từng dễ dàng, vậy viết về điều này thế nào để “đâu ra đấy”? Rất khó! Có đề tài rồi nhưng thể hiện thế nào sẽ quyết định sự thành bại của bài báo. Viết theo kiểu “đá vờn”, tỉa tót, không dám đi vào bản chất sự việc, chỉ cốt yên ổn thì không khó. Nhưng nếu thế thì không thuyết phục được bạn đọc, mà nói chung đó là một bài báo thất bại, có cũng như không. Chỉ ra những lỗ hổng trong công tác cán bộ đã quý; chỉ ra những ngụy biện dựa vào quy trình đã quý, nhưng rốt lại phải làm sao đưa ra được những kiến giải với mong mỏi những điều tốt đẹp, thì lại càng quý hơn. Và tất nhiên, cũng thật khó đối với lãnh đạo báo cũng như đối với người viết. Nhưng Đại Đoàn Kết đã không né tránh.
Có thể khẳng định, trong hai năm trở lại đây, nhiều bài viết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cũng như công tác cán bộ trên Đại Đoàn Kết được đánh giá cao. Tính chính luận, phản biện rất rõ nét. Lý giải đâu ra đấy, “nói phải củ cải cũng phải nghe”.
Ở lĩnh vực khác, cũng nằm trong công tác cán bộ: đó là đấu tranh với vấn nạn bằng cấp rất hình thức đã tồn tại như một điều “tất nhiên”. Không, không thể có sự “tất nhiên” vô lý như thế. Với mảng đề tài này, Đại Đoàn Kết đã đóng góp được nhiều bài viết với tiếng nói đĩnh đạc, trách nhiệm. Vấn nạn bằng cấp, chứng chỉ được mổ xẻ ở nhiều góc cạnh cho thấy đó chính là rào cản ngáng trở sự tiến bộ xã hội và cũng là mảnh đất màu mỡ cho nạn chạy đua bằng cấp, mua bằng bán điểm cốt để “đủ điều kiện” xét tuyển, nâng bậc, chuyển ngạch, bổ nhiệm. Đó là cuộc đấu tranh không đơn giản vì “nếp cũ” đã in hằn, tạo ra điều gì đó như thể tất yếu, và nhất là không ít người trục lợi từ những quy định đó.
Tới nay, Chính phủ đã quyết định loại bỏ một số chứng chỉ, chứng nhận không cần thiết, mà hướng tới thực học, thực việc, hướng tới năng lực thực sự cũng như thái độ làm việc trung thực vì nước vì dân của từng cá nhân. Báo Đại Đoàn Kết tự hào đóng góp một phần vào sự đổi mới ấy.
Dịch Covid-19 kéo dài đã hai năm. Trong hai năm đó, cùng các thông tin cập nhật, lãnh đạo Báo Đại Đoàn Kết chủ trương tuyên truyền chính sách, những quy định của Chính phủ, của ngành Y tế về chống dịch. Song song với đó là phê phán, lên án những hành vi xấu, nguy hại đối với công tác phòng, chống dịch. Đặc biệt nhất là kể từ ngày 27/4/2021, khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, lây lan rất nhanh, rất mạnh với những hậu quả khốc liệt, thì lãnh đạo báo xác định đây chính là lúc phải vào cuộc quyết liệt nhất, vừa cổ vũ những lực lượng ở tuyến đầu chống dịch, vừa đấu tranh với những biểu hiện sai trái. Tất cả vì mục tiêu bảo vệ sức khỏe của nhân dân, để cuộc sống sớm trở lại bình yên.
Những địa phương “ngăn sông cấm chợ” với lý do phòng, chống dịch được chỉ rõ và phê phán. Những đối tượng hành hung, xúc phạm người ở chốt phòng dịch được báo đưa lên, để đấu tranh, phê bình. Trong sự “tức giận” ấy, sâu thẳm hơn, đó chính là những bài báo, những con chữ khắc khoải lo cho đồng bào mình, lo cho đất nước mình.
Chính vì thế, là phản biện xã hội, là chính luận nhưng những bài viết về đề tài này trên Đại Đoàn Kết đã nhận được sự đồng cảm của bạn đọc.
Cùng với phòng, chống dịch, cuộc sống của người nghèo trong đại dịch cũng là mảng đề tài được Báo Đại Đoàn Kết quan tâm sâu sắc. Cuộc sống người dân trong khu cách ly, trong những bệnh viện dã chiến, bệnh viện chữa trị Covid-19... và cuộc sống của biết bao con người trong những hẻm phố chăng dây phong tỏa, đã được Đại Đoàn Kết đề cập với tất cả sự sẻ chia. Không ít lần những người viết về vấn đề này thấy lòng nặng trĩu...
Khi dịch Covid-19 đã dần được kiểm soát, giãn cách xã hội được nới lỏng, cuộc sống “bình thường mới” dần trở lại thì trên báo Đại Đoàn Kết xuất hiện ngay những bài báo ủng hộ “mở cửa”. Đó cũng không phải là điều dễ dàng vì Covid-19 vẫn rình rập. Không khéo sẽ “lạc quan tếu”, chủ quan. Tuy nhiên, xác định dịch còn diễn biến phức tạp và có thể còn kéo dài, thì phải “sống chung” an toàn với dịch mà không để nỗi sợ hãi đè bẹp. Phải “mở cửa” để cuộc sống không bị ngưng trệ. Phải “mở cửa bầu trời” để bay vào thế giới rộng lớn, để thế giới đến với Việt Nam. Trong vấn đề này, thái độ của Báo Đại Đoàn Kết là rất rõ ràng, thể hiện từ chọn lựa một mẩu tin cho đến những bài viết bộc lộ rõ ràng quan điểm, chính kiến.
Chọn vấn đề đúng và trúng, là chính luận nhưng không lên gân lên cốt, viết sao cho “có giọng” thực sự là điều khó khăn. Nó không chỉ đòi hỏi bản lĩnh, kinh nghiệm sống, kinh nghiệm làm nghề mà người viết còn phải “tự đào xới” mình, phải có cái tâm trong sáng, làm sao trong một quy định ngắn của dung lượng bài viết phải nói được rõ ý, để bạn đọc sẻ chia và đồng cảm.
Cũng thật may mắn là những bài viết mang tính chính luận “đặc sản” của Báo Đại Đoàn Kết đã được bạn đọc đón nhận, với nhiều động viên, khích lệ. Trong chương trình Điểm báo hàng ngày và Báo chí toàn cảnh của Đài truyền hình Việt Nam (VTV1), cũng như các chương trình của Đài tiếng nói Việt Nam (VOV) và các cơ quan báo chí khác, nhiều bài chính luận của Đại Đoàn Kết thường xuyên được điểm, được trích dẫn. Quan điểm và bản lĩnh của Báo Đại Đoàn Kết từ đó càng được lan tỏa. Vị trí Báo Đại Đoàn Kết - Cơ quan Trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày càng được khẳng định. Đó là một cơ quan truyền thông lớn luôn tắm mình trong dòng chảy sự kiện, luôn tỏ rõ bản lĩnh trong những sự kiện nóng, với sứ mệnh đấu tranh với những sai trái, tiêu cực, nhiệt thành ủng hộ tiến bộ xã hội, từ đó góp phần vun đắp khối đại đoàn kết toàn dân.
Báo Đại Đoàn Kết trân trọng cảm ơn các đơn vị đồng hành:
1/Tập Đoàn Novaland
2/ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam
3/ Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam
4/ Ngân hàng Bưu Điện Liên Việt
5/ Ngân hàng NN và Phát triển Nông thôn Việt Nam Agribank
6/ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam Vietinbank
7/ Ngân hàng Đầu tư và PT Việt Nam BIDV
8/ Tập đoàn Điện lực Việt Nam
9/ Cty TNHH TM Dịch Vụ Tân Hiệp Phát.
10/ Cty Bất Động sản Thắng Lợi