Bangladesh nhập 1 triệu tấn gạo/năm từ Việt Nam

PV 23/05/2017 18:05

Từ năm 2017 đến 2022, mỗi năm tùy theo nhu cầu và giá cả thị trường thế giới, Việt Nam sẽ cung cấp cho Bangladesh số lượng gạo các loại lên đến 1 triệu tấn. Hai nước cũng đã chỉ định các đầu mối của mình để giao dịch, đàm phán, ký kết và thực hiện hợp đồng. Đây là điểm nhấn quan trọng nhân dịp Bộ trưởng Lương thực Advocate Md Qamrul Islam sang thăm và làm việc tại Việt Nam từ ngày 22-25/5/2017.

Bangladesh bày tỏ mong muốn mua khoảng 500.000 tấn gạo của Việt Nam từ nay đến hết năm 2017.

Chiều ngày 23/5, tại Hà Nội, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thay mặt Chính phủ Việt Nam và Bộ trưởng Advocate Qamrul Islam thay mặt Chính phủ Bangladesh đã chính thức ký gia hạn Bản ghi nhớ (MOU) về Thương mại gạo giữa hai nước Việt Nam và Bangladesh.

MOU về Thương mại gạo ở cấp Chính phủ giữa Việt Nam và Bangladesh được ký lần đầu vào năm 2011 tại Hà Nội và có thời hạn đến ngày 31/12/2013. Sau đó, ngày 2/1/2014, hai bên đã ký lại để gia hạn Bản ghi nhớ có hiệu lực tới ngày 31/12/2016.

Trong 2 năm 2011 và 2012, phía Việt Nam đã xuất khẩu được trên 300.000 tấn gạo sang Bangladesh để phục vụ nhu cầu trong nước cho phía bạn. Trong những năm tiếp theo, Băng-la-đét đã tự túc và sản lượng lúa gạo đã đủ cung cấp cho tiêu thụ nội địa nên phía Bạn chưa đặt thêm vấn đề mua gạo của Việt Nam.

Tuy nhiên, trong 2 năm gần đây, Bangladesh liên tục phải đối mặt với nhiều thiên tai, mất mùa, dẫn tới việc thiếu gạo để cung cấp đủ cho người dân trong nước.

Nắm bắt được nhu cầu của phía Bangladesh, nhằm tranh thủ tận dụng được cơ hội mở thị trường xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương đã khẩn trương tiến hành các công việc liên quan và trao đổi với phía Bangladesh để xác định cơ hội cụ thể, chủ trì và phối hợp với các Bộ, ngành liên quan lấy ý kiến tham gia về nội dung dự thảo và sau đó báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để chính thức ký MOU mới gia hạn hiệu lực 5 năm kể từ ngày ký (2017-2022). Mỗi năm tùy theo nhu cầu và giá cả thị trường thế giới, Việt Nam sẽ cung cấp cho Bangladesh số lượng gạo các loại lên đến 1 triệu tấn gạo.

Ngay sau khi ký kết Bản ghi nhớ chiều 23/5, phía Bangladesh đã thông báo Băng-la-đét mong muốn mua ngay của Việt Nam khoảng 250.000 – 300.000 tấn gạo trắng 5%. Phía bạn chính thức mời đầu mối của phía Việt Nam sang Bangladesh trong thời gian sớm nhất để làm việc, đàm phán về giá cả và khối lượng, phương thức giao hàng… với đầu mối của phía Băng-la-đét về đơn hàng này. Đồng thời, phía bạn cũng cho biết mong muốn mua tổng số lượng khoảng 500.000 tấn gạo của Việt Nam từ nay đến hết năm 2017.

Việc ký kết MOU về Thương mại gạo ở cấp Chính phủ lần này là dấu ấn quan trọng trong quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và Băng-la-đét, giúp tăng cường và thúc đẩy hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước. Bên cạnh đó, việc ký MOU này sẽ tiếp tục duy trì khung pháp lý ổn định lâu dài về thương mại gạo giữa hai nước. Qua đó, Việt Nam sẽ đảm bảo an ninh lương thực cho Bangladesh trong bối cảnh phía Bạn đang gặp khó khăn trong nước.

Về phía Bộ Công Thương, việc ký MOU lần này là tiếp tục hiện thực hóa ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cũng như những định hướng của Đảng và Nhà nước trong thời gian gần đây, kết quả này thực sự là hành động thiết thực, nhanh chóng, hiệu quả và sự chỉ đạo sâu sát của Chính phủ nói chung và triển khai kịp thời của Bộ Công Thương nói riêng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tìm kiếm đối tác, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường đầu ra mới và tiềm năng, đặc biệt là tạo dựng những kênh tiêu thụ nông sản mang tính dài hạn và ổn định cho người nông dân trong nước.

Trong thời gian tới, nhằm tăng cường và thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Lương thực Bangladesh đã thống nhất một số các biện pháp, lĩnh vực mà hai Bên có thể cùng hợp tác, phát triển như: hai Bên cần tăng cường và tích cực phối hợp, cung cấp thông tin, tham vấn giữa các cơ quan liên quan; trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là đoàn doanh nghiệp tham dự các Hội chợ, triển lãm được tổ chức tại mỗi nước; hai Bên sớm thống nhất thời gian tổ chức Kỳ họp Ủy ban Hỗn hợp lần thứ 3 và Kỳ họp Tiểu ban Thương mại Hỗn hợp lần thứ 2 để rà soát, đưa ra các biện pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh hợp tác cho từng lĩnh vực; hai Bên cần đẩy mạnh, mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực mà hai Bên có thế mạnh như hóa chất, cơ khí chế tạo, chế biến thực phẩm, nông thổ sản…

Bangladesh là thị trường có dân số rất đông, trên 170 triệu người, sức tiêu thụ cao trong khi khả năng cung ứng lương thực còn thấp, thường xuyên phải đối mặt với mất mùa, thiên tai. Trong bối cảnh ngành sản xuất lúa gạo của Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm đầu ra của sản phẩm, việc Chính phủ hai nước ký kết gia hạn được Bản ghi nhớ này trong thời gian 5 năm sẽ giúp ngành sản xuất lúa gạo trong nước giải được một phần bài toán đầu ra, giúp các doanh nghiệp và bà con nông dân yên tâm canh tác.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bangladesh nhập 1 triệu tấn gạo/năm từ Việt Nam