Bánh tráng phơi sương thường được dùng để làm món cuốn với thịt luộc (như thịt heo hoặc bò) ăn kèm với rau sống chấm nước mắm tỏi ớt, gỏi, cá chiên, bún… hoặc có thể ăn kèm với muối Tây Ninh.
Bánh tráng phơi sương thường được dùng để làm món cuốn với thịt heo luộc.
Trong 3 ngày 27, 28, 29/9 vừa qua, tại khu vực tượng đài Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm), UBND tỉnh Tây Ninh phối hợp với UBND thành phố Hà Nội khai mạc sự kiện “Ngày Tây Ninh tại Hà Nội” năm 2019 với chủ đề “Hương sắc Tây Ninh”. Tại đây, du khách trong và ngoài nước được thưởng thức nhiều đặc sản Tây Ninh trong đó có món bánh tráng phơi sương nức tiếng…
Có thể nói không phải ngẫu nhiên mà bánh tráng phơi sương Trảng Bàng là món ăn đặc trưng mà khi đến Tây Ninh du khách nào cũng muốn dùng thử.
Để làm ra được bánh tráng phơi sương ngon thì quan trọng nhất là việc chọn nguyên liệu. Gạo làm bánh phải là gạo mới, gạo ngon và không được pha trộn. Sau khi xay gạo xong bỏ thêm một lượng muối vừa phải tạo vị mặn cho bánh chứ không thêm đường như các bánh tráng thường khác. Bánh tráng Trảng Bàng thường được tráng đến hai lớp. Bánh vừa chín còn ướt sẽ được đem ra ngoài nắng phơi cho khô để chuẩn bị cho công đoạn tiếp theo.
Nướng bánh là công đoạn quan trọng tạo nên màu sắc đặc trưng của bánh tráng phơi sương. Bánh tráng sau khi phơi khô đem vào nướng ở một chiếc lò nướng đặc biệt được sử dụng nhiên liệu đốt bằng “vỏ đậu phộng”, điểm đặc biệt lưu ý là bánh không được nướng quá chín và quá phồng nên chỉ nướng sơ trên mặt lửa cho đến khi thấy bánh tráng nổi những hạt bong bóng nhỏ trên mặt và ngã sang màu trắng đục thì dừng lại. Lò nướng bánh tráng làm khá đơn giản từ cái trã nhôm (cái nồi đáy tròn dùng để nấu rượu) đặt nghiêng, người thợ nhanh tay xoay cho cái bánh tráng chín phồng đều cả hai mặt mà vẫn trắng không bị cháy.
Bánh tráng sau khi nướng xong được xếp lên giàn và chờ đến sáng hôm sau chờ đến lúc sương xuống thì đem bánh ra phơi, và chỉ phơi bánh trong khoảng thời gian ngắn, nếu phơi lâu bánh sẽ bị mềm và ẩm ướt và không ngon. Đây là công đoạn quyết định thành công của bánh tráng, vì thế đòi hỏi người làm bánh phải có chút công phu và chịu khó. Người phơi bánh phải “thức” cùng bánh, đợi bánh vừa thấm sương đủ mềm là xếp lại ngay bỏ vào trong bao, lót lá chuối để giữ độ mềm, xốp. Bánh tráng phơi sương không giữ được lâu và phải dùng trong khoảng 1 tuần.
Bánh tráng phơi sương thường được dùng để làm món cuốn với thịt luộc (như thịt heo hoặc bò) ăn kèm với rau sống chấm nước mắm tỏi ớt, gỏi, cá chiên, bún,… hoặc có thể ăn kèm với muối Tây Ninh. Rau sống thì phải đủ 5 vị: chát, ngọt, chua, béo, thơm. Thành phần trên bao gồm rau diếp cá, tía tô, lá hẹ, lá cóc, lá săng mào, lá bứa, lá tràm ổi, húng quế, húng lủi, cần nước, lá mặt trăng, lá săng dẻ, quế vị, ngò tàu,lá xoài... ngoài ra còn có dưa leo xắt dài, dưa chua và giá sống. Các loại lá chỉ ở miền Nam mới có bao gồm lá cóc, săng dẻ, tràm ổi, lá bứa. Như các món Việt Nam khác, nước mắm pha không ngon thì món ăn cũng sẽ mất vị ngon. Thịt heo luộc để ăn bánh tráng phơi sương thường là thịt đùi được luộc nguyên, khi xắt ra trắng và mềm.
Năm 2017, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam-Vietkings sau quá trình tìm tòi, bình chọn trong vòng 5 năm (từ 2011-2016) đã công bố Top 100 món ăn, đặc sản tiêu biểu của Việt Nam (2011-2016), trong đó, Tây Ninh có 2 đại diện là Bánh tráng phơi sương và Bánh canh Trảng Bàng.