Bánh trôi ngũ sắc xứ Mường

Nguyễn Thế Lượng 07/09/2017 14:30

Từ món bánh trôi cổ truyền của người Việt trong tiết trời tháng 3, người Mường vùng Tây Bắc đã tô điểm, tạo màu làm cho đĩa bánh trôi ngũ sắc trở nên đẹp mắt và đa sắc màu.

Bánh trôi ngũ sắc là món bánh độc đáo của người Mường vùng Tây Bắc.

Đã từ lâu, đồng bào Mường vùng Tây Bắc đã có sự sáng tạo trong việc tạo ra những thứ bánh vừa ngon vừa độc đáo. Trong đó, món bánh trôi vốn là món ăn truyền thống của người Việt được làm vào dịp mùng 3 tháng 3 âm lịch đã được bàn tay khéo léo và trí tưởng tượng, sáng tạo của người Mường để làm ra thứ bánh trôi ngũ sắc vô cùng hấp dẫn.

Bánh trôi ngũ sắc được người Mường vùng Tây Bắc chế biến từ xa xưa. Sự sáng tạo này bắt nguồn từ địa bàn sinh sống gần núi, suối, cỏ cây hoa lá và quan niệm nhân sinh về sự hội tụ các sắc màu của tự nhiên, của cuộc sống, tượng trưng cho sự đoàn kết của con người, thuyết âm dương ngũ hành, sự hòa hợp giữa con người với thiên nhiên và mong muốn cuộc sống luôn tươi đẹp. Vì thế, trong khi chế biến bánh trôi màu, người Mường luôn kiếm tìm những loại cây lá có thể kết hợp với bột nếp để tạo nên chiếc bánh mang một màu sắc rất bắt mắt.

Để làm được món bánh trôi ngũ sắc, người Mường rất chú trọng đến khâu chuẩn bị nguyên liệu. Đầu tiên là gạo nếp, đó phải là thứ gạo nếp dẻo, thơm, tròn mẩy và trắng ngần. Loại gạo này ở mỗi vùng của người Mường có một vị ngon khác nhau, thường được người Mường trồng trên nương rẫy hoặc trong những thửa ruộng ở chân những triền núi. Gạo được ngâm và nghiền thành bột dùng để chế biến món bánh trôi.

Các loại lá, củ, quả để tạo màu được hái trong vườn nhà hay trên núi cao. Người Mường có bí quyết về những loại lá, củ này từ rất xa xưa nên dễ dàng kiếm được khi chế biến bánh. Dù hái ở đâu, nhưng các loại lá phải đảm bảo không độc, tốt cho sức khỏe của con người và mang lại màu sắc đậm đà. Thường để làm món bánh trôi ngũ sắc, người Mường vùng Tây Bắc thường dùng quả gấc để tạo màu đỏ, củ nghệ cho màu vàng, lá cơm nếp, lá dứa cho màu xanh, lá cơm tím cho màu đen, củ cà rốt cho màu hồng. Nhờ thế, một đĩa bánh trôi ngũ sắc hội tụ đủ các màu sắc của cỏ cây trong vườn nhà.

Khi chế biến, người ta giã riêng các loại lá, củ, quả trên rồi vắt lấy nước, dùng thứ nước vắt được nhào lẫn bột gạo nếp, để chừng 30 phút cho bột và màu hòa quyện rồi mới nặn thành bánh. Khâu nhào, nặn và luộc bánh khá quan trọng, mỗi loại màu phải làm riêng, không để lẫn hay luộc lẫn để tránh các màu hòa trộn lẫn nhau. Sau khi bánh chín, người chế biến xếp bánh các màu ra đĩa sau cho đều đặn năm màu hoặc hai, ba màu tùy vào sở thích. Việc xếp các màu được xen kẽ đều đặn để tạo sự hài hòa cho đĩa bánh.

Bánh trôi ngũ sắc được người Mường vùng Tây Bắc chế biến vào dịp mùng 3 tháng 3 âm lịch, vào dịp các ngày hội truyền thống của bản, ngày hội ẩm thực và ăn mừng lúa mới…Vào những dịp đó, những người phụ nữ Mường khéo léo thường tập trung để nhào nặn bánh. Món ăn này đã trở thành nét độc đáo trong vốn văn hóa ẩm thực của đồng bào Mường Tây Bắc.

Chính nhờ sự sáng tạo, trí tưởng tượng phong phú và sự khéo léo thơm thảo của người Mường đã làm nên những đĩa bánh trôi ngũ sắc thơm ngon, rực rỡ sắc màu. Món ăn này thưởng thức vào tiết trời se lạnh vừa ngon vừa bổ dưỡng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bánh trôi ngũ sắc xứ Mường