Xã hội

Báo chí đồng hành với ngành giáo dục

LAM NHI 01/07/2024 08:28

Những chính sách mới ra đời của ngành giáo dục có ảnh hưởng lớn tới mọi người dân khi mỗi gia đình đều có con em, người thân đang theo học tại các cơ sở đào tạo. Để tạo được đồng thuận xã hội và thực sự đi vào cuộc sống, ngay từ khi xây dựng, các dự thảo chính sách này phải được truyền thông từ sớm, kịp thời và chính xác thông qua các kênh khác nhau, trong đó không thể thiếu vai trò của báo chí.

img_0022.jpg
Cô và trò.

Phản biện để xây dựng và hoàn thiện chính sách

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhìn nhận thời gian qua, báo chí không chỉ phản ánh những thông tin thời sự theo dòng sự kiện của ngành giáo dục như khai giảng, thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông, thi vào lớp 10, tuyển sinh đầu cấp… mà còn tập trung tuyên truyền các chủ trương, chính sách đổi mới giáo dục thu hút sự quan tâm đặc biệt của đông đảo công chúng.

Truyền thông chính sách từ sớm, từ xa
Để nâng cao chất lượng chính sách, tạo đồng thuận xã hội thì việc quan trọng là truyền thông chính sách từ sớm, từ xa. Tức là truyền thông từ khi dự thảo chính sách, huy động nguồn lực xã hội tham gia vào quá trình xây dựng dự thảo.

“Truyền thông chính sách không phải là minh họa chính sách mà còn là phản biện để xây dựng và hoàn thiện chính sách. Hàng loạt các quyết sách quan trọng của Chính phủ, của các bộ ngành, trong đó có Bộ Giáo dục và Đào tạo có sự đóng góp không nhỏ của các cơ quan báo chí truyền thông từ khi còn là các dự thảo đang được xây dựng” - PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nói.

Gần đây nhất, tại buổi tọa đàm lấy ý kiến các cơ quan báo chí về dự thảo Luật Nhà giáo do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, lương giáo viên và chứng chỉ hành nghề với nhà giáo là hai vấn đề nhận được sự quan tâm nhiều nhất của các phóng viên, nhà báo. Trước đó, đề tài này cũng đã được các cơ quan báo chí khai thác với đa dạng góc nhìn thông qua những số phận thực tế, số liệu tổng kết từ các cơ quan chức năng về số giáo viên nghỉ việc trong thời gian gần đây. Câu chuyện này không mới khi nhiều năm qua, trăn trở về chế độ đãi ngộ, lương thưởng, phụ cấp cho nhà giáo còn chưa tương xứng khiến giáo viên khó dành toàn tâm toàn ý cho công việc giảng dạy, trau dồi kiến thức, kỹ năng phục vụ cho phát triển công việc. Thậm chí không ít giáo viên bỏ việc vì lương thấp, phải tìm công việc khác và nghề giáo trở nên thiếu hấp dẫn với người giỏi.

Luật Nhà giáo đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao vị thế người thầy trong xã hội hiện nay. Tuy nhiên, từ nay đến khi dự thảo Luật Nhà giáo được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ VIII (tháng 10 năm 2024) và thông qua tại kỳ họp thứ IX (tháng 5/2025) còn nhiều việc phải làm. Trong đó, báo chí tiếp tục được coi là một kênh tuyên truyền mạnh mẽ, là diễn đàn trao đổi tích cực ghi nhận ý kiến góp ý, phản biện của tầng lớp nhân dân, các chuyên gia, nhà giáo dục…

Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Vũ Minh Đức cho biết, từ nay đến thời điểm đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục tổ chức lấy ý kiến rộng rãi dư luận xã hội bằng nhiều kênh, hình thức khác nhau, trong đó sự tham gia của các kênh báo chí truyền thông là không thể thiếu. Cục trưởng cũng nhấn mạnh sẽ đặc biệt chú trọng lấy ý kiến của toàn thể nhà giáo - đối tượng tác động trực tiếp của dự án Luật.

Để truyền thông đúng và trúng

Trong dòng chảy thông tin hiện nay, báo chí không chỉ đồng hành cùng với ngành giáo dục trong việc thông tin tới mọi tầng lớp nhân dân về những chủ trương, chính sách mới mà còn góp phần nêu gương, phát hiện những tấm gương nhà giáo, học sinh, sinh viên điển hình tiên tiến trong lĩnh vực giáo dục. Đồng thời còn tập trung phản ánh, phát hiện những vụ việc tiêu cực… Ghi nhận sự ủng hộ, đồng hành từ các cơ quan báo chí, truyền thông, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn khẳng định: Báo chí thời gian qua đã góp phần quan trọng giúp chủ trương, chính sách của ngành giáo dục đi vào cuộc sống, mang lại những giá trị tốt đẹp cho học sinh, phụ huynh và rộng hơn là toàn xã hội.

Nhiều tác phẩm báo chí đã đi sâu phân tích những vấn đề “nóng” của ngành giáo dục; ghi nhận thực tế triển khai hoặc phản biện xã hội về những chủ trương, quyết sách của ngành; ghi nhận tâm tư, nguyện vọng của phụ huynh, người học.

Nhiều tác phẩm lan tỏa câu chuyện đẹp của ngành giáo dục; những tấm gương người tốt, việc tốt; tấm lòng cao cả, sự cống hiến hết mình của người thầy… Trong đó có các thầy, cô giáo cắm bản, bám trường, bám lớp, tình nguyện “gieo chữ” ở những nơi xa xôi của Tổ quốc.

“Thông qua các tác phẩm báo chí, chúng ta thấy được sự dấn thân của phóng viên để những tấm gương về nhà giáo, những giá trị tốt đẹp mà giáo dục mang lại được lan tỏa sâu rộng trong xã hội” - Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nêu quan điểm.

Chuyên đề: Báo chí và truyền thông chính sách
Khái niệm chính sách trong truyền thông chính sách là các chính sách công bao gồm các biện pháp của Đảng, Chính phủ thể chế hóa và bảo đảm thực thi để giải quyết các vấn đề xã hội hoặc phát triển xã hội.

Truyền thông chính sách là quá trình chuyển tải thông tin về chính sách của Đảng, Nhà nước về những lĩnh vực cụ thể thông qua các kênh truyền dẫn khác nhau, trong đó báo chí chính thống giữ vai trò chính, để đưa chính sách đến với công chúng. Nhằm đảm bảo sự thông suốt giữa chủ thể ban hành chính sách và các nhóm thụ hưởng, điều chỉnh bởi chính sách đó trong xã hội.

Từ đó góp phần thay đổi nhận thức, tiến tới điều chỉnh hành vi và thái độ của người thụ hưởng chính sách phù hợp với lợi ích của mỗi cá nhân, của cộng đồng và của toàn xã hội không nằm ngoài lợi ích chung của quốc gia, dân tộc và của toàn thể nhân dân.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, truyền thông chính sách không phải chỉ có báo chí chính thống, vai trò truyền thông chính sách của mạng xã hội đang tác động khá rõ nét.
Không thể phủ nhận mạng xã hội có những đóng góp tích cực vào truyền thông chính sách, đặc biệt là tham gia vào quá trình phản biện từ khâu dự thảo chính sách góp phần làm cho chính sách ra đời sát thực hơn với đời sống nhân dân. Nhưng đồng thời mạng xã hội cũng khiến quá trình truyền thông chính sách xuất hiện những thông tin sai lệch, thiếu kiểm chứng hoặc suy diễn không đúng với quan điểm của những người soạn thảo chính sách.

Cho nên tính chính thống, chính xác của báo chí vẫn là sự đảm bảo cho vai trò chủ lực của báo chí trong truyền thông chính sách. Điều này được thể hiện rõ trong Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ "Về việc tăng cường truyền thông chính sách" ban hành tháng 3/2023, đã xác định "báo chí là dòng chảy chính".
Vậy làm thế nào để báo chí “giữ nhịp” là “dòng chảy chính” trong truyền thông chính sách?

Đó là những điều chúng tôi trăn trở đặt ra trong số báo kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam năm nay với một mong muốn rằng: Báo chí cần phải được tiếp thêm nguồn lực để làm tốt việc truyền thông chính sách góp phần để chính sách ra đời phù hợp với lòng dân, giúp tạo ra đồng thuận xã hội.
Đ.Đ.K

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Báo chí đồng hành với ngành giáo dục