Tết Nguyên đán đến gần khiến nhu cầu về thực phẩm của người dân ngày một tăng cao. Hiện nay nhiều sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), không rõ nguồn gốc, không đúng quy định về ghi nhãn hoặc có các vi phạm khác lưu đã và đang trôi nổi trên thị trường làm gia tăng nguy cơ mất ATTP, đe dọa tới sức khỏe của người dân.
Thời điểm cận Tết, tình trạng bày bán tràn lan các thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ trên địa bàn Hà Nội diễn ra một cách phổ biến, những mặt hàng này chủ yếu xuất hiện ở các chợ dân sinh, nơi cung cấp chủ lực các nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân và người lao động.
Do nhu cầu tiêu dùng lớn, thêm đó là việc buôn bán thực phẩm nhập lậu thường mang lại siêu lợi nhuận, nên nhiều thương lái bất chấp pháp luật, coi rẻ sức khỏe của người tiêu dùng, sử dụng thủ đoạn để vận chuyển vào nội địa rồi đem đi tiêu thụ, nhất là quanh các khu công nghiệp - nơi có đông đảo công nhân lao động sinh sống. Chính vì thế nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) dịp Tết tiếp tục trở thành mối lo ngại lớn.
Cũng tại thời điểm này, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm thịt gia súc, gia cầm tăng cao, nên các cơ sở giết mổ trên địa bàn Hà Nội hoạt động hết công suất. Tuy nhiên, phần lớn các cơ sở đều nhỏ lẻ, giết mổ thủ công, nguy cơ không bảo đảm ATVSTP khá cao...
Thậm chí, nhiều gia đình chung lợn để gói bánh chưng, làm giò, chả trong dịp Tết Nguyên đán cũng giết mổ ngay tại nhà. Các điểm giết mổ gia cầm tại chợ dân sinh thường chỉ có một nồi nước nhỏ, vài chiếc chậu và máy vặt lông. Toàn bộ khâu giết mổ thực hiện dưới nền gạch đã cáu bẩn, mất ATVSTP.
Theo thống kê từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, hiện nay, toàn thành phố Hà Nội có 738 cơ sở giết mổ, nhưng có tới 673 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Đa số các điểm giết mổ nhỏ lẻ đều không được chính quyền địa phương cấp phép hoạt động, không được cơ quan thú y kiểm tra, kiểm soát theo quy định. Đây là nguồn nguy cơ lây lan dịch bệnh, gây ô nhiễm môi trường, mất ATVSTP.
Các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, thủ công thường không có địa điểm cố định mà nằm ở hầu hết các chợ, các khu dân cư (hiện tại chỉ riêng huyện Thanh Trì không còn giết mổ nhỏ lẻ) và không bảo đảm các điều kiện về vệ sinh thú y, ATTP. Mặt khác, nguồn nước thải, chất thải từ các cơ sở giết mổ thải trực tiếp ra môi trường, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe.
Bên cạnh đó, theo PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế, tình trạng cá nhân, tổ chức vì lợi nhuận cố tình vi phạm như sản xuất mà không công bố sản phẩm, đưa thêm các chất không được phép sử dụng trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe, quảng cáo quá mức,… vẫn diễn ra thường xuyên.
Tình trạng bán hàng thực phẩm online, hàng xách tay, quảng cáo qua mạng xã hội, đặt hàng qua điện thoại… đang là hình thức khá phổ biến gây rất nhiều khó khăn trong công tác đấu tranh, phòng ngừa nếu họ cố tình sản xuất, kinh doanh sản phẩm không đảm bảo an toàn. Ngoài ra, việc giả danh bác sĩ, dược sĩ để tư vấn bán hàng qua điện thoại với những thông tin không đúng về sản phẩm vẫn chưa có cơ chế để kiểm soát.
Ông Phong thông tin, hai đoàn kiểm tra thực phẩm Tết đã bắt đầu đi các địa phương từ ngày 1/1/2021. Đợt kiểm tra sẽ kéo dài đến hết mùa lễ hội Xuân. “Dịp tết là thời gian tiêu thụ thực phẩm lớn nhất trong năm, đặc biệt là thịt cá, hạt có dầu, rượu bia, nước giải khát, bánh mứt kẹo... Thời tiết thời điểm này ở phía Bắc thường lạnh và ẩm, phía Nam lại nóng, đều ảnh hưởng đến chất lượng an toàn thực phẩm”- ông Phong cho biết.
Cục An toàn thực phẩm cho biết thanh tra viên chủ động kiểm tra trước, trong và sau Tết, tại các lễ hội, chú ý các thực phẩm có số lượng sử dụng lớn, đặc biệt sẽ thanh tra nguồn gốc xuất xứ, xử lý nghiêm các vụ sử dụng phụ gia trái phép, tẩy xóa hạn sử dụng để in hạn dùng mới, thực phẩm nhập lậu, không nguồn gốc xuất xứ...
Ông Phong cho rằng, công tác chống thực phẩm bẩn chưa bao giờ hết “nóng”, song thực tế cho thấy, để hạn chế và từng bước đẩy lùi được nguy cơ mất vệ sinh ATTP ngoài nâng cao ý thức của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về ATTP, yêu cầu đặt ra là phải có sự vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành, các tổ chức, các cơ quan truyền thông cùng chính quyền địa phương trong việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về ATTP. Về phía người dân, cũng cần kiên quyết nói không với thực phẩm bẩn, đồng thời nâng cao ý thức đấu tranh, dũng cảm tố giác các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm về ATTP.