Chất lượng môi trường nước tại các lưu vực sông trên toàn quốc đang diễn biến phức tạp. Nhiều đoạn sông đã và đang bị suy thoái và ô nhiễm nặng. Nếu không có những giải pháp kịp thời, chẳng mấy lúc nhiều con sông sẽ “ngừng chảy”.
Nhiều dòng sông đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. (Ảnh: Lê Huy Bích).
Tốc độ phát triển nhanh về kinh tế và xã hội đang khiến các lưu vực sông ô nhiễm và suy thoái, tập trung ở các vùng trung lưu và hạ lưu, đặc biệt là các đoạn chảy qua khu đô thị, khu công nghiệp, làng nghề. Có thể kể đến sự ô nhiễm tạo lưu vực sông Cầu, sông Nhuệ-sông Đáy và hệ thống sông Đồng Nai. Nước tại các sông này đang bị ô nhiễm nghiêm trọng ở mức báo động đỏ do các chất hữu cơ và vi sinh vật đã vượt ngưỡng cho phép. Ngoài ra, nhiều đoạn sông chất rắn lơ lửng, mùi hôi, màu đục thối, vi khuẩn, kim loại nặng, thuốc trừ sâu…
Bộ TN&MT đã chỉ ra, lưu vực sông Cầu (trên 6.000km2, chảy từ Bắc Kạn tới Phả Lại, Hải Dương), nhiều điểm nóng về ô nhiễm đã xuất hiện trong 5 năm qua, như khu vực Suối Cái (Thái Nguyên) do khai thác khoáng sản, khu vực Tân Long (Thái Nguyên) do nước thải sinh hoạt và sản xuất, khu vực sông Ngũ Huyện Khê (Hà Nội và Bắc Ninh) do chất thải làng nghề… Theo đó, các chỉ số Nitrit, Fe, Coliform, Amoni, TSS đều đã cao và vượt chuẩn.
Tương tự như vậy, lưu vực sông Nhuệ-sông Đáy (trên 7.665km2 từ Hòa Bình tới Ninh Bình), do chảy qua Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, những địa phương có sự phát triển mạnh mẽ, chính vì vậy luôn phải “hứng chịu” một lượng nước thải sinh hoạt đô thị và sản xuất khổng lồ, khiến chất lượng nước sông ô nhiễm nặng. Riêng đoạn qua địa phận Hà Nội, Hà Nam nước sông chỉ sử dụng cho mục đích giao thông. Chỉ số WQI luôn duy trì ở mức thấp.
Đặc biệt nhất là lưu vực sông Đồng Nai (diện tích 36.530km2, trải dài qua 11 tỉnh, thành), sự ảnh hưởng tới kinh tế xã hội là vô cùng lớn.Theo báo cáo của Tổng cục Môi trường, chỉ số TSS ở nhiều đoạn sông, con sông thuộc lưu vực đã ở mức vượt chuẩn. Ngoài ra, nguồn thải từ các khu công nghiệp, dân cư. Có thể điểm tên như đoạn sông Sài Gòn qua thị xã Thủ Dầu Một, đoạn sông Vàm Cỏ qua phân bón Bình Điền hay cảng Phú Định, đoạn sông Đồng Nai qua TP Biên Hòa…
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho biết, không chỉ 3 lưu vực sông Cầu, sông Nhuệ-sông Đáy, sông Đồng Nai, nhiều hệ thống lưu vực sông khác như sông Mã, sông Hồng, sông Cả - sông La, sông Vu Gia – Thu Bồn, sông Mê Kông… sẽ trở thành điểm nóng ô nhiễm khi chính ý thức và trách nhiệm của con người là nguyên nhân chủ thể. Ô nhiễm nguồn nước sông, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân, môi trường sống trong khu vực. Về lâu dài, sẽ có tính chất “hủy diệt” nếu không có giải pháp ngay từ bây giờ. “Bảo vệ môi trường nguồn nước sông là sự sống cònkhông chỉ đối với Việt Nam, mà là vấn đề trọng yếu mang tính toàn cầu.
Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành các Đề án bảo vệ môi trường tại 3 lưu vực sông Cầu, Nhuệ - Đáy và Đồng Nai đồng thời thành lập 3 ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông cho thấy sức nóng đã tăng như thế nào. Xã hội phải ý thức hơn nữa trách nhiệm với môi trường sông, là sống”, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh.
Để thúc đẩy công tác bảo vệ môi trường lưu vực sông, mới đây Bộ TN&MT đã phối hợp với CHLB Đức đi tìm các nguyên nhân, những bất cập đang tồn tại để đưa ra các giải pháp hữu hiệu hơn nữa trong công tác bảo vệ môi trường lưu vực sông.
Theo đó, sẽ tiếp tục lắp thêm các hệ thống quan trắc nước thải tự động tại các khu công nghiệp, dân cư và làng nghề. Sử dụng công nghệ để xử lý các thông số như Amoni, Clo dư, Coliform… đảm bảo đạt theo chuẩn. Quản lý, điều hành hệ thống các lưu vực sông theo hướng công nghệ hiện đại. “CHLB Đức đã có kinh nghiệm làm sống các con sông chết về mặt sinh học. Ở Việt Nam chưa đến mức độ vậy nhưng cũng là những kinh nghiệm và công nghệ quý giá để bảo vệ môi trường nước sông hiện nay. Tuy nhiên, không phải vì thế ngay từ lúc này các địa phương không vào cuộc. Các con sông đang thực sự kêu cứu”, Thứ trưởng Nhân nói.