Hàng loạt những vụ bạo lực học đường xuất phát từ sự mất bình tĩnh, nóng giận của thầy cô giáo khi chứng kiến học sinh vi phạm các quy định, nội quy trong nhà trường. Các hình thức kỷ luật đã được thực thi liệu có đủ sức ngăn ngừa, hạn chế những vụ việc tương tự xảy ra trong môi trường học đường, vốn phải là một trong những nơi an toàn nhất dành cho trẻ em?
Ai bảo vệ học sinh?
Mới đây, trên mạng xã hội Facebook lan truyền đoạn clip về một thầy giáo đánh học sinh (HS) tại Trường THCS Mường Cang (xã Mường Cang, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu). Sự việc được xác định diễn ra ngày 6/11/2021. 6 HS bị đánh thuộc lớp 8C. Thầy giáo trong đoạn clip là thầy Nguyễn Văn H., 41 tuổi, giáo viên dạy Thể dục của trường.
Cụ thể, do trời mưa, thầy H. cho HS vào khu nhà ăn bán trú để trú mưa. Thầy giáo đã nhắc các em không vào phòng của HS bán trú nghịch. Tuy nhiên, 6 HS lớp 8 đã vào phòng, chốt trái cửa, nằm trong đó. Giáo viên gọi nhiều lần, các em mới mở cửa dẫn đến thầy không kiềm chế được hành động. Hội đồng kỷ luật Trường THCS Mường Cang sau đó đã họp và thống nhất hình thức kỷ luật Khiển trách đối với thầy giáo này. Được biết, UBND huyện đang dự kiến phương án điều chuyển thầy H. đến một trường học khác.
Trước đó, hồi tháng 5/2021, clip thầy giáo tát, đá, có những lời nói và hành động không đúng chuẩn mực nhà giáo vào một số HS trong giờ sinh hoạt lớp xảy ra tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) khiến nhiều người bức xúc. Nguyên nhân của sự việc được cho là vì các em không chấp hành nội quy, quy định của trường. Hội đồng kỷ luật sau đó đã họp và mức kỷ luật được đưa ra là đình chỉ giảng dạy, sau đó là chấm dứt hợp đồng với thầy giáo này.
Bạo lực học đường, cụ thể là những hành vi thiếu chuẩn mực của giáo viên đối với HS có nguyên nhân ban đầu xuất phát chủ yếu là vì giáo viên muốn duy trì kỷ luật trong lớp học, trường học. Tuy nhiên, kỷ luật không đồng nghĩa với bạo lực, hay nói cách khác, để có được kỷ luật, không thể sử dụng bạo lực, nhất là trong trường học. Sử dụng bạo lực đối với các HS nghĩa là đã vi phạm tiêu chuẩn đạo đức nghề giáo, vi phạm điều đã được hiến định. Hình thức xử lý kỷ luật sau đó là tạm đình chỉ công tác và sau khi xem xét, họp bàn, hội đồng kỷ luật sẽ ra quyết định cảnh cáo, khiển trách hoặc chấm dứt hợp đồng làm việc… tùy từng vụ việc.
Điều đáng nói ở đây, sự việc diễn ra trong trường học nhưng hàng tháng sau, khi clip ghi lại sự việc được phát tán trên mạng xã hội thì cơ quan chức năng mới vào cuộc. Dư luận đặt câu hỏi về vai trò của ban giám hiệu, các đoàn thể trong nhà trường ở đâu khi vụ việc xảy ra? Liệu có tình trạng bao che ở đây? Hàng tháng trời đã trôi qua, vậy những HS bị đánh dã man như hình ảnh các clip này ghi lại đã trải qua những sang chấn về mặt tâm lý, thậm chí những tổn thương về mặt thể xác sẽ ra sao? Ai bảo vệ các em khi gia đình không biết sự việc, thầy cô trong trường đều im lặng, bạn bè im lặng?
Cần những giải pháp rốt ráo, không chỉ là xử lý kỷ luật
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), nơi nổi tiếng với việc tiếp nhận những HS không nơi nào… dám nhận cho biết, trong cuộc đời làm thầy, ông đã tiếp xúc với hàng nghìn HS “đặc biệt” hay “cá biệt” như cách nói của nhiều người. Những hành vi ngỗ ngược, chống đối, vi phạm nội quy… là “như cơm bữa” bởi ngay từ đầu, nhà trường xác định tâm thế “không chọn lọc đầu vào”. Ông luôn yêu cầu mỗi giáo viên trong trường đều xác định nhiệm vụ của mình là giáo dục, chăm lo việc dạy người. Mọi HS đều được cảm hóa bằng sự tin yêu của các thầy cô giáo, của bạn bè. Đây cũng là ngôi trường đầu tiên ở Hà Nội có bộ phân chuyên trách về tư vấn tâm lý cho HS, giúp các em giải tỏa những khúc mắc tâm lý trong cuộc sống và học tập.
“Không để giáo viên đơn độc trong việc giáo dục HS trong bất cứ hoàn cảnh nào mà tổ chuyên môn, ban giám hiệu, tổ tư vấn tâm lý… luôn sẵn sàng đồng hành cùng các thầy cô” - TS Nguyễn Tùng Lâm khẳng định và cho biết thêm, việc xử lý kỷ luật những hành vi bạo lực học đường xuất phát từ phía thầy cô cần được xem xét trong hoàn cảnh cụ thể, hành vi vi phạm cụ thể và căn cứ vào đánh giá cả quá trình công tác, thông tin các phía để có hình thức phù hợp.
Ông Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục cho rằng, xử lý giáo viên có hành vi bạo lực HS là việc đương nhiên phải làm nhưng đó chỉ là xử lý phần ngọn, bề nổi. Để ngăn ngừa những vi phạm tương tự xảy ra trong môi trường học đường, ngành giáo dục cần quan tâm đến đầu vào của sinh viên sư phạm. Nhiều nền giáo dục nước ngoài đã thành lập một bộ phận an ninh kiểm tra tiền sử của những người làm việc với trẻ em, những người trong ngành sư phạm, xem họ đã từng lạm dụng trẻ em hay chưa, có vấn đề gì về rối loạn tâm thần hay không…
Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), bà Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ GDĐT nhận định: Thời gian qua, có những thầy cô có những hành vi lệch chuẩn, điều đó gây tác động nguy hiểm đến HS, gây ra những bức xúc trong dư luận xã hội… Thực trạng ấy không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường học đường, làm giảm sút niềm tin của xã hội đối với ngành giáo dục. Vì vậy, phải xử lý nghiêm những vi phạm và công khai hình thức xử lý để mọi người đều nắm được.
Để phòng ngừa và đẩy lùi tình trạng bạo lực học đường nói chung, hiện Bộ GDĐT đã thực hiện 6 giải pháp bao gồm từ việc quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, có kiểm tra và đánh giá các quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025”; các văn bản quy phạm pháp luật, các chỉ thị, kế hoạch của ngành Giáo dục; tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em và các văn hóa khác có liên quan… Chỉ đạo các cơ quan quản lý giáo dục các cấp, các cơ sở giáo dục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng trường học dân chủ, an toàn, lành mạnh, thân thiện. Xây dựng và triển khai bộ Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục…
PGS. TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội): Kỹ năng làm thầy phải học và rèn luyện mỗi ngày
Đã là giáo viên đứng trên bục giảng thì phải có kỹ năng làm thầy. Việc xử lý tình huống sư phạm luôn được đào tạo cùng chuyên môn giảng dạy. Vì vậy rất khó chấp nhận một giáo viên thiếu kỹ năng kiểm soát cảm xúc.
Để ngăn chặn những hành vi bạo lực đa phần xuất phát từ việc thầy cô nóng giận, mất bình tĩnh gây tổn thương về nhận thức và tâm lý cho học sinh, cần triển khai các giải pháp tầm vĩ mô. Thứ nhất, việc rèn luyện xử lý tình huống, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp là yếu tố cần nhấn mạnh hơn nữa trong đào tạo giáo viên nhà trường. Thứ hai, bản thân giáo viên đang giảng dạy cần thay đổi quan niệm trừng phạt kỷ luật HS trong nhà trường. Cách kỷ luật tích cực, “không mất mát”, “không nước mắt” hiện nay là giúp HS hiểu hệ quả của những hành động sai trái của mình. Đó là làm thầy cô buồn, thất vọng, là tách biệt mình ra khỏi bạn bè, hoạt động chung, là phải làm những nhiệm vụ mà mình không muốn như: dọn vệ sinh, lao động công ích… Cách kỷ luật như vậy sẽ nhân văn và tích cực hơn. Thứ ba, ở những điểm “sôi” của cảm xúc, đa phần giáo viên đều có 1 suy nghĩ sai lầm quy chụp rằng “đứa này láo”, “muốn làm mất mặt mình”. Đây chính là suy nghĩ gây ra những hành động cáu giận của giáo viên. Với kinh nghiệm của mình, tôi khuyên các thầy cô đừng vội phản ứng mà hãy suy xét xem nguyên nhân ẩn sau hành vi của HS là gì? Chỉ cần tìm được lí do sau cùng, ắt giáo viên sẽ cách hành xử phù hợp. Thứ tư, ý thức được thực trạng như vậy, bản thân giáo viên trong cuộc sống hàng ngày hãy tự rèn luyện, nâng cao phẩm chất, nhân cách của mình. Đứng trước những tình huống sợ hãi, mình sẽ nghĩ xem có những cách thức nào vượt qua điểm “sôi” của cảm xúc. Ví dụ như tập trung vào hơi thở…
PGS.TS Nguyễn Hồi Loan, nguyên Trưởng khoa Tâm lý học (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội): Phạt học sinh là để giáo dục, không phải để trút giận
Trong quá trình dạy học, mỗi giáo viên ít nhiều sẽ gặp phải những HS “cá biệt”. Thậm chí, trong những tình huống sư phạm nhất định, những HS ngày thường vẫn hiền lành, chăm học cũng có thể có những hành vi nghịch ngợm, chống đối, làm phiền lòng thầy cô. Xử lý đương nhiên là việc cần làm nhưng sự trừng phạt trong lúc tức giận nhất thời có thể gây ra những hệ lụy không tốt. Vì vậy, trước hết, thầy cô phải giáo dục ý thức, yêu cầu HS thực hiện theo nội quy, quy định trong nhà trường. Những hình phạt cần được cân nhắc phù hợp với lứa tuổi, mức độ vi phạm, hoàn cảnh… Trong đó, không nên sử dụng các hình phạt đánh đập, gây tổn thương về thể xác, những lời nói gây tổn thương tâm hồn HS sẽ gây tác dụng ngược trong giáo dục. Đặc biệt với HS đang ở lứa tuổi thiếu niên, tâm sinh lý đang có những thay đổi phải hết sức kiên nhẫn, không thể nóng vội.
Muốn làm được điều đó, người thầy cần biết kiểm soát cảm xúc của chính mình bởi vì bất kỳ hành vi sai trái nào cũng tạo nên những cảm xúc tiêu cực, dẫn đến sự tức giận, mất kiểm soát hành vi… Từ đó trút giận lên đầu HS. Phải hết sức kiềm chế, tìm ra nguyên nhân tại sao HS có hành vi như vậy, từ đó tìm biện pháp giáo dục HS phù hợp để không lặp lại lỗi vi phạm này nữa, đó mới là mục đích chính của việc giáo dục chứ không phải phạt để thỏa mãn sự tức giận cá nhân người thầy.
Hàn Minh(ghi)