Chỉ trong hơn 10 ngày, nước Mỹ đã phải chống chọi với hai siêu bão là Helene và Milton, với lượng mưa lớn “ngàn năm có một” cùng những trận gió giật điên cuồng.
Nhận xét về việc nước Mỹ liên tiếp bị siêu bão tấn công, ngày 13/10, nhóm các nhà khoa học của World Weather Attribution (WWA) - tổ chức chuyên đánh giá về các hình thái thời tiết, cho rằng biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng các hiện tượng “khác thường”, trong đó có những trận bão cực đoan.
WWA dẫn lời Thị trưởng thành phố Tampa (tiểu bang Florida, Mỹ) Jane Castor (ngày 9/10) trước khi bão Milton tràn tới: "Nếu bạn ở trong ngôi nhà một tầng và có một đợt sóng cao 4,5 mét ập đến, nghĩa là nước sẽ tràn vào ngay lập tức và bạn sẽ không có nơi nào để đi. Ngôi nhà mà bạn đang ở cuối cùng sẽ trở thành một chiếc quan tài".
Tuy nhiên, tai họa vẫn chưa hết. Ngày 13/10, Trung tâm Dự báo thời tiết không gian (SWPC) Mỹ tiếp tục phát đi cảnh báo về một cơn bão từ nghiêm trọng có thể gây gián đoạn các hệ thống liên lạc vệ tinh, lưới điện và định vị toàn cầu (GPS), làm phức tạp thêm nỗ lực khắc phục hậu quả của các cơn bão Helene và Milton. Cơn bão từ có khả năng "vô hiệu hóa" các hệ thống GPS và còn nguy hại hơn khi cực quang rực lửa xuất hiện.
Trong khi đó, Cơ quan Quản lý tình trạng khẩn cấp liên bang Mỹ (FEMA) cho rằng để thích ứng với các cơn bão có sức tàn phá ngày một lớn hơn, cần gấp rút đưa ra giải pháp phù hợp để kéo giảm thiệt hại.
Ông James Kossin, nhà khoa học về khí hậu Mỹ cho rằng bão sẽ ngày một cực đoan và khó lường hơn. Còn theo bà Suzana Camargo (Đại học Columbia) thì hiện tượng cực đoan đến từ những trận bão dữ dội không chỉ hình thành ở Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, mà còn khắp hành tinh.
Theo tiến sĩ Hugh Willoughby (Đại học Quốc tế Florida), việc các cơn bão tăng cấp nhanh chóng và đạt đến cường độ tối đa là bởi nhiệt độ bề mặt đại dương ấm lên. Dẫn công bố của Ủy ban Quốc tế về biến đổi khí hậu (IPCC), ông Hugh cho rằng bão tố cực đoan đã tăng lên.
“Thật đáng lo ngại khi chuyển động của bão dọc theo đường đi của chúng trên đại dương và đất liền đang chậm lại. Có nghĩa là siêu bão “luẩn quẩn” trong đất liền lâu hơn, sức tàn phá sẽ khủng khiếp hơn. Khi di chuyển chậm nó có nhiều thời gian hơn để gây mưa rất lớn trong đất liền” - ông Hugh nhận xét.
Cùng chung nỗi lo, tiến sĩ Kossin phát hiện ra rằng các cơn bão đã di chuyển chậm lại khoảng 17% - 20% kể từ đầu thế kỷ 21. Việc “chững lại” của nó khiến gió càng mạnh và mưa càng lớn. Khi các siêu bão di chuyển chậm, hay chững lại, thì nhiều khu vực mà nó quét qua sẽ bị nước nhấn chìm trong nhiều ngày.
Các nhà khoa học thời tiết cho rằng, biến đổi khí hậu làm tăng nhiệt độ, độ ẩm cũng sẽ tăng lên và tạo ra sự khác biệt thể hiện qua những trận bão biển trước khi chúng đổ bộ vào đất liền. Các cơn bão đang thay đổi. Mức độ cực đoan của nó ngày một rõ ràng hơn và nguy hiểm hơn.
Vẫn theo tiến sĩ Kossin, đó thực sự là vấn đề lớn đe dọa trực tiếp cuộc sống con người. “Những siêu bão “như quái vật” tàn phá các thành phố, cướp đi mạng sống của nhiều người. Cho dù chúng ta có tăng cường các biện pháp tự vệ đến mức nào chăng nữa, nhưng nếu không quyết tâm chặn bước tiến của biến đổi khí hậu làm Trái đất nóng lên, thì mọi nỗ lực cũng sẽ bằng không” - ông Kossin cảnh báo.
Còn theo nhà khoa học thời tiết Hugh Willoughby, không chỉ các siêu bão cực đoan nhắm tới châu Mỹ mà các dấu hiệu trong vòng 10 năm qua cho thấy châu Á “cũng là nạn nhân”.
“Trong lúc bão xảy ra xung quanh Philippines không giảm nhẹ, thì nguy cơ lại tăng lên về phía Bắc gần Nhật Bản. Giờ đây các quốc gia Đông Bắc Á và có thể cả Nam Á phải đối diện với những cơn bão mạnh hơn đổ bộ vào đất liền. Những trận bão cực đoan ngày càng nguy hiểm hơn khi làm nước biển dâng. Tính từ năm 1979 tới mùa bão năm nay, sóng biển do bão tố đã dâng cao hơn 60% đối với khu vực này. Cho dù tiến bộ về công nghệ, kỹ thuật nhưng cũng khó có thể hạn chế mất mát về người và tài sản nơi các trận siêu bão đổ bộ và quần thảo” - tiến sĩ Hugh nói và cho rằng, thích nghi là rất quan trọng bởi “chúng ta không thể đột nhiên dập tắt biến đổi khí hậu để khiến mọi thứ trở lại như cũ”.
Tiến sĩ Izidine Pinto (Viện Khí tượng Hoàng gia Hà Lan) nhấn mạnh, các siêu bão gần đây cho thấy chúng không thể khủng khiếp đến vậy nếu không do tác động của biến đổi khí hậu. Trong khi đó, tiến sĩ Friederike Otto (Viện Nghiên cứu về biến đổi khí hậu Grantham, Vương quốc Anh) cho rằng những cơn bão cực đoan sẽ còn xảy ra nhiều hơn nếu con người tiếp tục đốt nhiên liệu hóa thạch. Đối với những cộng đồng sống trên đường đi của bão, việc thực hiện các biện pháp thích ứng rộng rãi có thể giúp bảo tồn nhà cửa và cơ sở hạ tầng. Mặt khác, cần tăng cường các hệ thống cảnh báo sớm đáng tin cậy có thể cung cấp một khởi đầu cứu mạng cho người dân. Các quốc gia cũng cần đưa ra các giải pháp tự nhiên giúp gia cố các khu vực đảo và ven biển, từ trồng cỏ liên kết các sườn dốc, cho đến bổ sung các bãi hàu đã mất.