Bảo tồn các loài lan quý hiếm

Phương Nhi - Khánh Hiển 17/12/2016 15:50

Việt Nam có nhiều loại lan rừng quý, nhưng bị khai thác theo lối tận diệt và không được bảo tồn tốt nên nhiều chủng loại đang dần biến mất. Trước nguy cơ này, một số dự án đã được triển khai, bên cạnh đó cũng phải ghi nhận một số nỗ lực mang tính cá nhân của những người yêu quý loài hoa này hiện sống ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Bản Sin Suối Hồ là đất lành của các loại địa lan.

1. Chúng ta hẳn không lạ cảnh tượng những chợ hoa lan được bày bán ở nhiều nơi, tại các khu đô thị, các thành phố lớn cũng có mà ngay trên các nẻo đường núi non cũng có. Tại nhiều phiên chợ vùng cao, nhiều khi chúng ta bắt gặp cảnh tượng bà con gùi những quẩy tấu đầy ắp các giò lan đi bán. Đó là những giò lan được khai thác trực tiếp trong rừng sâu.

Trước đây, nhiều cánh rừng là thiên đường của các loài hoa lan, nhưng do cách khai thác một cách quá mức nên bây giờ, phải vào rất sâu trong rừng mới có thể tìm thấy. Bên cạnh đó, việc khai thác không đúng cách, có khi chặt cả cây rừng để lấy một khóm hoa lan đã khiến cho hệ sinh thái rừng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Nhất là vào những tháng cuối năm, nhiều nhóm “săn” lan rừng để bán dịp Tết đã khiến nhiều cánh rừng bị đe dọa.

Tình trạng này đã xảy ra nhiều năm nay, và tại nhiều địa phương. Tuy nhiên, dường như chưa có những quy định hay xử phạt. Chính vì vậy hiện tượng này vẫn diễn ra khá phổ biến.

Bà con dân tộc sống ở những rẻo cao nhiều khi hồn nhiên mà bị lôi kéo vào việc khai thác các giống lan quý để kiếm chút tiền. Do vậy, để bảo tồn các loài lan quý sống trong tự nhiên, cần sự chung tay bảo vệ của nhiều ban ngành, của chính cộng đồng dân cư nơi có những loài hoa lan sinh sống.

Hoa lan trong Khu bảo tồn lan rừng vườn Troh Bư - Buôn Đôn.

2. Song song với điều này, là sự vào cuộc của các nhà khoa học để có thể bảo tồn được những loài lan quý hiếm. Trong các nỗ lực này, được biết, đề tài nghiên cứu khoa học “Điều tra tài nguyên di truyền các loài lan rừng Vườn Quốc gia Cát Tiên và nghiên cứu các biện pháp nhân nhanh để bảo tồn” do ông Phạm Văn Toàn (Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Nai) làm chủ nhiệm đã được Hội đồng Khoa học công nghệ chuyên ngành tỉnh Đồng Nai nghiệm thu.

Sau 3 năm thực hiện, đề tài đã thu thập được 35 loài lan rừng làm nguyên liệu ban đầu để bảo tồn và nghiên cứu; đã tiến hành vô mẫu các loài lan rừng bằng mẫu chồi, đốt thân và bằng hạt. Đề tài cũng đã tiến hành nhân nhanh invitro (nuôi cấy mô tế bào thực vật) các loài lan nghiên cứu để tìm môi trường thích hợp.

Chủ nhiệm đề tài cho biết, hiện đề tài đã tạo ra một số lượng lớn các cây con của các loài lan rừng có giá trị invitro. Để có thể duy trì và phát huy hiệu quả công tác bảo tồn, cần có biện pháp duy trì cũng như chăm sóc các cây con trong giai đoạn vườn ươm, triển khai nhân rộng các giống lan rừng để đáp ứng cho thị trường nhằm giảm thiểu việc khai thác trực tiếp trong tự nhiên.

Qua điều tra, khảo sát, Vườn Quốc gia Cát Tiên có nhiều loại lan rừng cho hoa đẹp, có hương thơm và lâu tàn, chùm hoa nở kéo dài từ 1 - 2 tháng mới hết hoa như Bò cạp, Lan giáng hương, Lô hội, Kim điệp, Báo hỉ, Thủy tiên tua… Nhiều loại lan rừng có tác dụng làm thuốc chữa bệnh như loài lan gấm, kim tuyến…

Bên cạnh đó, tại xã Lộc Thanh, TP.Bảo Lộc, Lâm Đồng có “Vườn lan rừng Văn Sỹ” của anh Trịnh Văn Sỹ. Tại đây đang trồng hơn 200 giống lan rừng, trong đó chủ yếu là lan rừng đặc hữu quý hiếm trong nước mà dân chơi hoa lan cả nước đều muốn có. Qua mô hình này, TP. Bảo Lộc đánh giá rất cao bởi hiệu quả kinh tế và hơn hết là bảo tồn được giống lan rừng quý hiếm của vùng đất Lâm Đồng.

Ở buôn Niêng 3, xã Ea Nuôl (Buôn Đôn - Đăk Lắk), anh Đỗ Tuấn Hưng cũng nổi tiếng là người gìn giữ được nhiều loài lan quý. Khu bảo tồn lan của anh nằm rải trên diện tích khu đất đến 2 ha. Cụ thể, ở đây, có khoảng 200 loại lan, trong đó nổi bật nhất là loài Giáng hương (nhạn sóc Lào) đặc trưng của rừng Buôn Đôn, Ea Súp; tập trung đầy đủ những giống lan quý vùng Tây Nguyên như Nghinh xuân, Thủy tiên trắng, Quế lan hương…

3. Việc gìn giữ, bảo tồn các giống lan rừng quý hiếm cũng đã được một số bà con sống trên non cao Tây Bắc ý thức được. Như tại bản Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ, Phong Thổ - Lai Châu), đây có thể nói là mảnh đất lành của những loài lan cư trú.

Sin Suối Hồ có hơn 100 hộ người Mông, lại nằm trên đỉnh núi ở độ cao 1.400 m, quanh năm mát mẻ, thường được bao phủ sương núi và mây mù. Mấy năm nay, bản của người Mông này đã trở thành điểm du lịch home stay của nhiều đoàn khách du lịch trong và ngoài nước. Đến đây, du khách như lạc trong một rừng hoa địa lan, phong lan bởi nhà nào cũng trồng lan, nhà ít vài chục chậu, nhà nhiều lên đến 300-500 chậu.

Có được điều này là nỗ lực của Trưởng bản Vàng A Chỉnh. A Chỉnh sinh năm 1975, lúc đầu chỉ là lấy mấy cây lan trong rừng về trồng trang trí nhà cửa, sau đó thấy hoa nở đẹp quá lại có nhiều người thích nên cứ nhân giống ra trồng. Rồi vận động bà con trong bản cùng trồng.

Cứ như thế, dần dần Sin Suối Hồ thành mảnh đất lành của hoa lan, được nhiều du khách và những người yêu thích hoa lan tìm đến. Theo Trưởng bản Vàng A Chỉnh do khí hậu quanh năm mát mẻ, chất đất tốt nên Sin Suối Hồ rất thuận lợi cho địa lan phát triển.

Nếu đến Sin Suối Hồ vào mùa xuân, du khách sẽ chiêm ngưỡng hàng trăm sắc hoa lan đua nở. Lan nở khắp đường vào bản, bên những hàng rào đá, dọc hai bên lối đi và dưới những gốc cây rửng cổ thụ…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bảo tồn các loài lan quý hiếm