Ninh Thuận là địa phương có 2 vườn quốc gia là Núi Chúa và Phước Bình. Đây là nơi bảo tồn và phát hiện nhiều loài động, thực vật quý hiếm có tên trong Sách đỏ. Sự đa dạng sinh học nơi đây được đánh giá cao, trong đó Vườn quốc gia Núi Chúa là nơi có cả ba không gian biển - rừng - sa mạc với hệ động, thực vật phong phú. Song song với việc bảo tồn, nghiên cứu, trong những năm gần đây 2 vườn quốc gia này cũng phát triển các loại hình du lịch hấp dẫn.
Voọc chà vá chân đen.
1. Vườn quốc gia Phước Bình có vị trí tại xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận, cách trung tâm Thị xã Phan Rang hơn 60 km về phía Tây Bắc.
Ngoài cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, nơi đây còn nổi tiếng với những điểm tham quan du lịch sinh thái như: Vườn thực vật, thác Đá Bàn, thác Gia Non, thác Đá Đen, suối Gia Nhông, hầm Xe lửa…
Theo giới chuyên gia, Vườn quốc gia Phước Bình có sự đa dạng sinh học cao. Trong đó, có hơn 1.320 loài thực vật, nhiều loài trong số này thuộc dạng quý hiếm, và hơn 30 loài được ghi trong sách đỏ Việt Nam và gần 60 loài được ghi trong Danh lục đỏ thế giới (IUCN - Sách đỏ IUCN liệt kê tình trạng bảo tồn và đa dạng các loài động, thực vật trên thế giới. Gần đây, tại Vườn quốc gia Phước Bình đã phát hiện nhiều loại thực vật quý, trong đó mới ghi nhận 3 loài thuộc chi lan Nervilia vốn phân bố rộng tại vùng cận sa mạc Sahara, Úc và cả tại những quốc gia hải đảo Thái Bình Dương. Đặc điểm chung của loài lan Nervilia là cây mọc thành từng nhóm, rụng hết lá vào mùa Đông, chỉ còn lại những củ mầm ở duới mặt đất để tránh lạnh. Vào đầu mùa Xuân khi thời tiết ấm áp, và có những cơn mưa đầu mùa, củ nẩy mầm và mọc lên những phác hoa. Sau khi hoa rụng, phiến lá mới hình thành, và chỉ có một lá nên còn gọi Lan Một lá. Đây là đặc điểm khó khăn cho công tác định danh bởi khi có hoa thì không có lá và ngược lại. Lá thường có những lông nhỏ, có loài phiến lá màu xanh trong và có loài lá có đốm nâu đen. Hoa từ 2-15 chiếc tùy theo loài, thường có màu nâu, trắng, xanh hay có thể pha trộn như kiểu hoa lan Laelia. Tại Vườn quốc gia Phước Bình hoa nở trong khoảng từ tháng 3 đến đầu tháng 6 hàng năm.
Bên cạnh đó, vườn còn có hơn 300 loài động vật có xương sống trên cạn, trong đó 50 loài trong Sách đỏ Việt Nam và 29 loài ghi trong Danh lục đỏ IUCN.
Hiện tại, Vườn quốc gia Phước Bình được công nhận là 1 trong 63 vùng chim quan trọng của Việt Nam. Ngoài ra, Vườn quốc gia Phước Bình được đánh giá là nơi có số lượng quần thể bò tót, nai lớn nhất Việt Nam.
2. Trong khi đó, Vườn quốc gia Núi Chúa có diện tích tự nhiên 29.856 ha, với hệ sinh thái rừng và biển phong phú, đa dạng. Theo các nhà nghiên cứu, Vườn quốc gia Núi Chúa là nơi hội tụ cả ba không gian rừng, biển, bán sa mạc, do đó ở đây có hệ sinh thái phong phú, đa dạng với nhiều loài động vật, thực vật quý hiếm và đặc hữu ở trên cạn, dưới biển. Theo khảo sát mới của Vườn quốc gia Núi Chúa và Viện Sinh học nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh, hệ thực vật của Vườn quốc gia Núi Chúa đã ghi nhận 1.054 loài, trong đó có 340 loài cây cho gỗ, 520 loài thực vật làm thuốc và 127 loài cây làm cảnh, cho bóng mát. Hiện có 54 loài thực vật được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ - IUCN.
Du khách đến với Vườn quốc gia Núi Chúa.
Bên cạnh đó, hệ động vật cũng đa dạng, bao gồm 345 loài động vật với 83 loài thú, 181 loài chim và 81 loài bò sát - lưỡng cư, trong đó 46 loài quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ - IUCN. Nhiều loài đang được ưu tiên bảo tồn như gấu ngựa, gấu chó, beo lửa, khỉ đuôi dài, khỉ đuôi lợn, sơn dương, nai, gà tiền mặt đỏ, rùa núi vàng... Đặc biệt, Vườn quốc gia Núi Chúa có quần thể voọc chà vá chân đen quý hiếm có tên trong sách đỏ đang được bảo tồn, phát triển.
Đặc biệt, vùng biển của Vườn quốc gia Núi Chúa có rạn san hô rất phong phú, với 334 loài san hô thuộc 15 họ, 59 giống san hô tạo rạn, trong đó có 46 loài mới được ghi nhận và bổ sung vào danh mục loài san hô Việt Nam. Đây cũng là nơi đang duy trì hoạt động bảo tồn, cứu hộ rùa biển. Hằng năm, có 3 loài rùa biển đến sinh sản gồm: Đồi mồi, rùa xanh, đồi mồi dứa. Vùng biển của Vườn quốc gia Núi Chúa còn là nơi hiếm hoi trên đất liền, là khu vực thứ hai ở Việt Nam (sau Vườn quốc gia Côn Đảo) có rùa biển lên đẻ trứng. Hồi tháng 6 vừa qua, Vườn quốc gia Núi Chúa đã tiến hành thả cá thể rùa biển nặng tới 90 kg về với môi trường tự nhiên tại khu vực biển Hang Rái, thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Đây là cá thể rùa biển có tên Việt Nam là rùa xanh (tên khoa học là Chelonia mydas)…
3. Song song với việc bảo tồn và phát hiện thêm những loài động, thực vật mới, 2 vườn quốc gia trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận cũng triển khai nhiều hình thức để thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Cụ thể, Vườn quốc gia Núi Chúa đã xây dựng và đưa vào khai thác các tour, tuyến du lịch sinh thái hấp dẫn gồm: Vịnh Vĩnh Hy, Hang Rái, suối Lồ Ồ, suối Nước ngọt, các bãi biển có cảnh quan thơ mộng, nguyên sơ như Bình Tiên, Vĩnh Hy, Bãi Chà Là, Bãi Hỏm, Bãi Thịt, Thái An thích hợp tắm biển, lặn ngắm san hô. Bên cạnh đó, vùng đệm Vườn quốc gia Núi Chúa là nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc Raglay, Chăm, Kinh có nhiều lễ hội văn hóa đặc sắc thích hợp cho du khách ưa thích khám phá, tìm hiểu văn hóa của cư dân bản địa. Tại đây cũng thường tổ chức những buổi tuyền truyền về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên cho học sinh trên địa bàn…
Còn Vườn quốc gia Phước Bình hiện tổ chức nhiều hoạt động du lịch sinh thái – cộng đồng thu hút du khách như: Tham quan rừng nguyên sinh, tắm nước suối trong xanh; du thuyền trên suối ngắm cảnh; đi bộ trong rừng quan sát một số loài linh trưởng, bướm và tìm hiểu nhiều cây thuốc quý, đặc biệt là mật nhân, cao khai, lan rừng với sự hướng dẫn của người dân bản địa. Sau khi tham quan, du khách có thể lưu trú, nghỉ dưỡng ngay tại cơ sở lưu trú của Vườn quốc gia hoặc có thể ngủ qua đêm tại nhà sàn của đồng bào; thưởng thức các món ăn địa phương đặc sắc như: Heo đen ống tre, các món mướp đắng rừng, gà nướng, cơm lam, nho Phan Rang nổi tiếng…; đồng thời tìm hiểu các hoạt động sản xuất, đời sống văn hóa của hai tộc người Churu và Raglay.