“Tiếng nói của cộng đồng đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo tồn di sản”- đó ý kiến của TS. Nguyễn Thị Hậu- nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM khi trao đổi với phóng viên (PV) báo Đại Đoàn Kết.
TS. Nguyễn Thị Hậu.
PV: Là chuyên gia gắn bó với lĩnh vực bảo tồn từ nhiều năm nay, bà có nhận xét gì về công tác bảo tồn di sản vật thể, cụ thể là di sản kiến trúc đô thị hiện nay?
TS. Nguyễn Thị Hậu: Gần đây phải ghi nhận những cố gắng rất lớn của ngành bảo tồn di sản kể cả từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan khoa học khi xây dựng những quy chế về bảo vệ cảnh quan đô thị... Tuy nhiên, những nỗ lực đó chưa mang lại hiệu quả như mong muốn khi rất nhiều công trình di sản đô thị đã và đang bị thay thế, hủy hoại một cách đáng tiếc. Ở khu trung tâm cũ của Sài Gòn xưa (TP HCM nay) nhiều cảnh quan từng tồn tại hơn 100 năm bị phá hủy, chen vào đó là những công trình mới, nói thật là không đẹp, như trên tuyến đường Đồng Khởi chẳng hạn… Gần đây nhất là việc “biến mất” của cụm di tích Ba Son khiến nhiều người tiếc nuối vô cùng. Ngoài giá trị của di tích có lịch sử 300 năm từ thời Chúa Nguyễn, cảng Ba Son còn là di tích hiếm hoi ghi dấu lại sự phát triển của về công nghiệp đóng tàu của nước ta một thời. Lẽ ra, toàn bộ cảnh quan sông nước và di tích cần được trả về phục vụ lợi ích cộng đồng cư dân đô thị nhưng hiện nay nó lại trở thành dự án để đáp ứng nhu cầu của một nhóm người.
Không riêng gì ở TP HCM, Hà Nội, Nam Định, Huế cũng đang phải chứng kiến nhiều sự thay thế đáng tiếc giữa di sản kiến trúc đô thị với các công trình mới. Nhà máy dệt Nam Định - Nhà máy dệt lớn nhất Đông Dương một thời cũng vừa bị phá bỏ để thay thế bằng một khu đô thị mới… Điều đáng nói là quan niệm về vùng lõi đô thị nơi có nhiều di tích lịch sử văn hóa vẫn chỉ là vùng “đất vàng”, xét về mặt kinh tế, chưa được chính quyền quan niệm là “vùng di sản”. Xuất phát từ những suy nghĩ như thế nên tình trạng xâm hại di sản vẫn diễn ra dai dẳng và càng thêm trầm trọng hiện nay.
Bảo tồn di sản kiến trúc đô thị (ảnh minh họa).
PV: Có một vấn đề được nhắc đến lâu nay, đó là bài toán giữa bảo tồn di sản và phát triển đô thị vẫn chưa tìm được lời giải thỏa đáng, bà nghĩ sao về vấn đề này?
TS. Nguyễn Thị Hậu: Từ đầu những năm 2000 đến nay, mâu thuẫn giữa phát triển hay bảo tồn di sản, giữa lợi ích trước mắt của nhà đầu tư hay giá trị tinh thần lâu bền của cộng đồng, về vai trò “làm chủ” đô thị - của chính quyền hay cộng đồng được thể hiện rất rõ.
Bảo tồn di sản đô thị về bản chất là xác lập phương thức dung hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Di sản đô thị thường là những cấu trúc sống động với sự tích tụ đầy đủ nhịp điệu sinh hoạt và phát triển của nó trong quá khứ và hiện tại, nên phương thức bảo tồn phức tạp và đa dạng hơn so với di tích khảo cổ đơn thuần.
Dựa trên kinh nghiệm của các nước, nhiều nhà chuyên môn đã đề xuất cảng Ba Son có thể sử dụng một phần để xây dựng và phát triển, đáp ứng nhu cầu của thành phố, nhưng phần quan trọng nhất của cảng Ba Son là di tích và cảnh quan bờ sông có thể biến đổi công năng để bảo tồn: Dãy nhà xưởng rất đẹp, hai ụ tàu cổ xưa… chúng ta có thể lưu giữ làm bảo tàng hoặc làm khu nghệ thuật cho người trẻ; thậm chí là khu thương mại. Mô hình bảo tồn như vậy trên thế giới có rất nhiều. Tuy nhiên, ở nước ta nói chung và khu vực cảng Ba Son nói riêng hay Nhà máy dệt Nam Định lại không thể làm được như vậy.
Bà nhìn nhận sao về vai trò của cộng đồng trong việc bảo tồn di sản?
- Tiếng nói của cộng đồng, trong một số trường hợp tạo sức nặng, khiến cơ quan quản lý nhà nước phải nhìn nhận lại. Ý thức của cộng đồng càng lớn thì nhà quản lý đô thị càng phải có trách nhiệm với di sản.
Thực tế từ năm 2010 tới nay, tiếng nói và vai trò của cộng đồng ngày càng có sức mạnh trong việc đồng thuận hay phản đối những dự án liên quan đến di sản văn hóa.
Phong trào bảo vệ di sản từ phía cộng đồng cư dân có ảnh hưởng gần như mang tính quyết định tới các nhà quản lý trong các trường hợp như: Thương xá Tax hay quần thể di tích ở khu vực Chợ Lớn, và vì vậy sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn di sản đô thị.
Một điển hình khác, đó là trường hợp di sản đô thị tại Hội An, Quảng Nam. Chính người dân, cộng đồng là yếu tố quyết định đến bảo tồn di sản.
Tuy nhiên, muốn có tiếng nói giá trị, mang lại hiệu quả cao thì cộng đồng cần có sự hiểu biết. Yêu cầu này buộc những thành viên tiêu biểu trong cộng đồng dân cư, những người quan tâm đến việc bảo tồn di sản phải không ngừng học tập, nâng cao hiểu biết về lĩnh vực này.
Cũng với đó, các chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn di sản sẽ cùng góp tiếng nói có giá trị vào việc gìn giữ, phát huy giá trị của di sản.
Dĩ nhiên, trách nhiệm cuối cùng vẫn là nhà quản lý. Khi họ không có một thái độ, quan điểm rõ ràng với di sản, việc bảo tồn di sản sẽ rất khó khăn.
Trân trọng cảm ơn bà!