Tinh hoa Việt

Bảo vệ ‘cây di sản’ giữa rừng sâu

ĐOÀN XÁ 20/01/2025 13:15

Nằm ở thượng nguồn sông Đồng Nai, rừng phòng hộ Thác Mơ (xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắc Nông) có vai trò quan trọng trong việc gìn giữ hệ sinh thái rừng đầu nguồn cũng như bảo vệ tài nguyên rừng phong phú ở vùng chuyển tiếp Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Trong đó có nhiều cây di sản quý hiếm với tuổi đời hàng trăm năm có giá trị kinh tế rất cao, được coi là báu vật và luôn là mục tiêu nhòm ngó của lâm tặc khiến cho công cuộc bảo vệ, gìn giữ rừng luôn khó khăn, gian khổ.

Ảnh 1-Bảo vệ “cây di sản” giữa rừng sâu
Một cây di sản quý hiếm ở rừng phòng hộ Thác Mơ.

Đặc sản dược liệu vùng biên ải

Với diện tích hơn 6.300 héc ta, rừng phòng hộ rừng Thác Mơ gắn liền với hồ thuỷ điện Thác Mơ (tỉnh Bình Phước) và nằm kề bên thượng nguồn sông Đồng Nai. Khu vực này có vị trí địa lý đặc thù chuyển tiếp từ vùng Tây Nguyên xuống đồng bằng Đông Nam bộ nên dải rừng thoai thoải, trũng thấp, hệ sinh thái đa dạng gần như đủ chủng loại. Xin nói thêm, độ cao trung bình của khu vực Tây Nguyên là 1.000 mét so với mực nước biển nên những cánh rừng ở khu vực này dàn trải trên một diện tích rộng lớn, thay đổi liên tục về hệ sinh thái. Ngoài rừng phòng hộ Thác Mơ thì rừng Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước) nằm liền kề cũng có vị trí địa lý tương tự. Ngoài ra, đây cũng là khu vực gần với biên giới Campuchia với đặc thù có nhiều thảm rừng nguyên sinh động thực vật phong phú. Trong đó đặc biệt nhất là những loài sâm quý hiếm, nguồn dược liệu được coi như đặc sản ở rừng phòng hộ Thác Mơ.

Theo ông Nguyễn Xuân Khương, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ thì bên cạnh những cánh rừng già tự nhiên được coi là kho gỗ quý hiếm vô giá, rừng phòng hộ Thác Mơ còn có một đặc sản là sâm cau, sâm đất, sâm dây… tự nhiên cũng rất quý hiếm và có giá trị cao. Dù không thể sánh bằng những loại sâm quý hiếm trên thị trường nhưng sâm ở rừng phòng hộ Thác Mơ cũng được coi là nguồn dược liệu quý giá, đặc trưng. Hiện nay, cũng như nhiều khu rừng phòng hộ, rừng quốc gia khác, ở rừng Thác Mơ cũng kết hợp bảo vệ rừng với khai thác kinh tế bền vững từ rừng. Trong đó hai ưu tiên chính là khai thác du lịch bền vững nhờ vào cảnh quan thiên nhiên, các sông ngòi, suối thác và dược liệu của rừng, cùng với việc kết hợp với cộng đồng cư dân địa phương (chủ yếu là đồng bao dân tộc M’nông) sinh sống lâu năm để trồng, bảo vệ rừng. Việc kết hợp này giúp cho hệ sinh thái tự nhiên của rừng và người dân sinh sống trong khu vực có sự hài hoà lợi ích, vừa có thể khai thác lợi ích của rừng một cách bền vững tái tạo, vừa gìn giữ những giá trị quý báu của rừng.

Ngoài hệ sinh thái sâm mọc rải rác ở khắp nơi, điều đặc biệt nhất trong rừng phòng hộ Thác Mơ chính là các cây gỗ cổ thụ lâu năm với tuổi đời hàng trăm năm. Trong khi nhiều nơi, những cây gỗ quý hiếm có giá trị kinh tế hàng tỷ đồng đã bị mất mát theo nhiều cách khác nhau thì ở rừng Thác Mơ, chúng vẫn được bao vệ, gìn giữ một cách nguyên vẹn, bền vững. Cách đây hai năm, hàng loạt cây gỗ có tuổi đời trên 200 năm ở rừng phòng hộ Thác Mơ đã được công nhận là Cây Di sản Việt Nam để giúp cho việc bảo tồn được trú trọng hơn nữa. Cụ thể, Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã công nhận 20 cây ở rừng Thác Mơ là cây di sản, trong đó có 6 cây thông nàng, 11 cây thông ba lá và 2 cây muồng ngủ và 1 cây giáng hương cực kỳ quý hiếm. Việc công nhận những cây di sản này vừa tạo thương hiệu cho rừng nhưng cũng vừa vô tình tạo thêm áp lực nặng nề cho việc gìn giữ, bảo vệ chúng. Bởi các cây này nằm rải rác ở nhiều tiểu khu trong khi đường đi lại khó khăn, khiến công việc tuần tra, kiểm tra, bảo vệ thêm vất vả.

Ảnh 3-Bảo vệ “cây di sản” giữa rừng sâu
Những cây gỗ quý hiếm ở rừng Thác Mơ.

Gian nan công tác bảo vệ

Kể chuyện về việc gìn giữ những báu vật quý giá này, một kiểm lâm ở rừng phòng hộ Thác Mơ cho biết giáng hương là loại cây gỗ quý, có giá trị kinh tế rất cao trên thị trường. Trong khi đó, cây giáng hương ở rừng phòng hộ Thác Mơ được coi là một trong những cây gỗ quý hiếm nhất ở Việt Nam hiện nay. Cây có tuổi đời khoảng 440 tuổi, cao 40 mét, đường kính phần thân từ 5-6 mét. Nếu giao dịch trên thị trường, cây có giá trị khoảng 4 tỷ đồng trữ lượng gỗ nên luôn là mục tiêu của các nhóm lâm tặc nhóm ngó. Ngoài ra, cây cũng nằm gần với sông Đồng Nai, con sông ngăn cách tỉnh Đắc Nông và Bình Phước khiến việc bảo vệ thêm khó khăn. Nếu chỉ cần sơ sẩy một thời gian ngắn, lâm tặc có thể cưa cây và thả trôi theo dòng sông nên vô cùng khó kiểm soát.

Thậm chí, theo ông Nguyễn Xuân Khương thì lâm tặc đã từng lên kế hoạch và tấn công cây giáng hương hồi năm 2020 khi cả xã hội đang bị dịch Covid-19 hoành hành. Một đêm mùa mưa khoảng tháng 8/2020, nhóm lâm tặc lợi dụng đêm tối tiếp cận cây giáng hương và sử dụng cưa máy để đốn hạ. Tuy nhiên lực lượng kiểm lâm đi tuần ban đêm đã nghe thấy tiếng cưa máy ở khu vực và nhanh chóng cảnh báo tiếp cận hiện trường. Khi thấy kiểm lâm tiếp cận thì nhóm lâm tặc đã bỏ chạy. “Lúc kiểm tra thì thân cây giáng hương đã bị cưa vào chừng 40cm theo chiều ngang dài hơn một mét. Nhiều anh em lúc đó lo sợ cây sẽ không sống nổi vì vết thương nặng nề như vậy. Thế nhưng dần dần cây hồi phục và vẫn sống sừng sững xanh tốt cho tới ngày nay. Sau đợt đó anh em chúng tôi canh gác cây một cách nghiêm ngặt hơn”, ông Khương cho biết. Cũng theo ông Khương, mặc dù đã từng thoát khỏi lưỡi cưa của lâm tặc nhưng với giá trị kinh tế cao cũng như việc nằm ven sông Đồng Nai, cây gỗ này chắc chắn vẫn là mục tiêu của không ít kẻ bất lương. Việc bảo vệ cây giáng hương cũng như những cây khác là nhiệm vụ luôn được những người kiểm lâm quan tâm và xem xét kỹ lưỡng.

Ngoài những cây gỗ có giá trị tế cao thì đặc thù rừng phòng hộ nằm đan xen với các khu dân cư của người dân, chủ yếu là người dân tộc thiểu số. Với thói quen canh tác và sinh sống dựa vào rừng một cách thuần túy, việc ngăn chặn cũng như tuyên truyền để cộng đồng hiểu và khai thác rừng một cách bền vững là một việc làm đầy khó khăn, cần một thời gian khá dài. Theo đó, để rừng mang lại lợi ích cho cộng đồng thì việc khuyến khích bà con cư dân địa phương tham gia công tác bảo vệ, trồng và khai thác bền vững là điều không thể thiếu. Việc này cũng giúp giảm áp lực cho vùng lõi rừng phòng hộ và dần dần giúp người dân địa phương hiểu rõ hơn công cuộc bảo vệ rừng. Ngoài ra, vì rừng nằm gần khu vực biên giới nên nơi đây cũng có sự kết hợp tham gia của một số chiến sỹ biên phòng ở khu vực lân cận cùng bảo vệ rừng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bảo vệ ‘cây di sản’ giữa rừng sâu