Con người có thể nhịn ăn suốt nhiều tuần nhưng chỉ sống sót nếu không được bổ sung nước; các loại cây sẽ chết khô khi không được tưới nước. Nước làm cho Trái đất xanh tươi với hệ sinh thái đa dạng. Tuy nhiên, hiện nay ở nhiều nơi, đặc biệt là ở vùng cao, nguồn nước đang bị cạn kiệt. Bảo vệ nguồn tài nguyên nước là vấn đề cấp bách hiện nay, cần sự chung tay của cả cộng đồng.
Nguồn nước phục vụ sinh hoạt ở vùng cao đang cạn kiệt.Ảnh: Ngọc Triển.
Ưu tiên phát triển rừng phòng hộ
Biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, các hiện tượng thiên tai, thời tiết cực đoan như lũ quét, sạt lở đất, băng giá, sương muối, rét đậm rét hại và hạn hán kéo dài có xu hướng gia tăng cả về tần số và cường độ gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và đời sống nhân dân.
Theo thống kê, những năm gần đây, lượng mưa trung bình năm của tỉnh Lào Cai có xu hướng giảm, trong đó, giảm mạnh từ tháng 1 đến tháng 3, giảm nhẹ vào tháng 4 và có sự chênh lệch lớn giữa vùng thấp và vùng cao. Đặc biệt, sự sụt giảm lượng mưa khiến các nhà khoa học cảnh báo một số địa phương có nguy cơ bị sa mạc hóa cao như: Bát Xát, Mường Khương, Si Ma Cai, Bắc Hà.
Để ứng phó với tình trạng trên, Lào Cai đã triển khai giải pháp mang tính bền vững đó là tạo nguồn sinh thủy, điều tiết nguồn nước. Cụ thể, tỉnh Lào Cai xác định hiện nay, tỷ lệ che phủ rừng tại các huyện vùng cao còn thấp, để đảm bảo nguồn sinh thủy, cần nâng cao công tác trồng rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ đầu nguồn để điều tiết nguồn nước, điều hòa dòng chảy.
Trong quy hoạch phát triển rừng, tỉnh xác định tại những huyện vùng cao sẽ hạn chế trồng rừng sản xuất và ưu tiên phát triển rừng phòng hộ để nâng cao tỷ lệ che phủ. Trước đây, rừng phòng hộ thường trồng cây sa mộc, nhưng đất trồng sa mộc thường khô, cây có tán hẹp, thảm thực vật ít, bởi vậy, các loài phù hợp để phòng hộ, sinh thủy là vối thuốc, tống quá sủ, trẩu, sơn tra. Đây là những loài cây phát triển nhanh, sớm tạo rừng, trong đó, quả trẩu còn đem lại nguồn thu nhập cho người dân.
Trong khi đó, theo Phòng Quản lý Tài nguyên nước và Khí tượng thủy văn (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai), dự án quy hoạch tài nguyên nước giai đoạn 2014 - 2020 đã đánh giá chất lượng, trữ lượng nước mặt, nước ngầm, nhằm điều tra khảo sát, đánh giá chất lượng, trữ lượng nước và quy hoạch phân bổ tài nguyên nước phục vụ phát triển kinh tế, xã hội một cách hợp lý, khoa học, phát triển bền vững nguồn nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Đồng thời, các cấp, ngành, địa phương cũng đã đẩy mạnh công tác truyền thông cho đồng bào các dân tộc vùng ven, vùng lõi về vai trò của rừng, bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học.
Theo ông Phạm Trung Kiên - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai, trong thời gian qua, hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai ngày càng được quản lý chặt chẽ; hoạt động xuất khẩu khoáng sản cũng được quản lý chặt chẽ. Tình trạng khai thác vàng trái phép đã được chính quyền địa phương và Sở, ngành liên quan tổ chức truy quét.
Công tác bảo vệ môi trường được quan tâm, triển khai thực hiện đồng bộ. Đến năm 2016, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý khoảng 80%; tỷ lệ che phủ rừng tăng lên khoảng 53,8%; dân số nông thôn được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh tăng lên 85,7%; hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh tăng lên 61%; tỷ lệ hộ gia đình có chuồng trại chăn nuôi gia súc hợp vệ sinh đạt 66,1%.
Về cơ sở hạ tầng về bảo vệ môi trường tại các khu, cụm công nghiệp và các đô thị loại IV trở lên trên địa bàn tỉnh đang dần được đồng bộ. Hiện nay Khu công nghiệp Tằng Loỏng đã đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý nước thải giai đoạn 1 với công suất 3.000 m3/ngày đêm (hiện đang vận hành chạy thử, dự kiến Quý I/2017 đi vào hoạt động chính thức); UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án hệ thống xử lý nước thải khu công nghiệp Tằng Loỏng (giai đoạn 2) với công suất 4.950 m3/ngày, dự kiến khởi công trong năm 2017...
Đảm chất lượng nước từ đầu nguồn
Nhiều bể chứa nước sạch khô cạn, trở thành chỗ vui chơi của trẻ em. Ảnh: Tuấn Anh.
Còn ở tỉnh Hòa Bình, người dân ở một số thôn, bản trong thời gian qua vẫn đang chịu cảnh thiếu thốn nước sinh hoạt với nhiều lý do, trong đó có cả ảnh hưởng tiêu cực từ môi trường.
Ở một số xã vùng cao của huyện Đà Bắc, nhiều công trình nước sạch đã xuống cấp, hư hỏng, không còn hiệu quả. Nguyên nhân các công trình cấp nước sạch, nước sinh hoạt hợp vệ sinh bị xuống cấp, bỏ hoang là do không có nước nguồn, hệ thống bai dâng, bể lọc, bể chứa bị hư hỏng, hệ thống đường ống dẫn nước bị vỡ, đất đá vùi lấp...
Một ví dụ khác, tại xã Phúc Sạn (Mai Châu). Đây là xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Hòa Bình. Hơn chục năm trước, xã Phúc Sạn được đầu tư xây dựng hàng chục công trình bể chứa nước sinh hoạt cộng đồng tại 8 xóm và tổ dân cư Bãi Sang. Công trình sau khi hoàn thành, đưa vào sử dụng, hàng trăm hộ dân trong xã đã được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Tuy nhiên đến nay, nhiều công trình xuống cấp. Chính quyền xã tích cực vào cuộc nhằm đảm chất lượng nước từ đầu nguồn. Song song với đó duy trì, sửa chữa thường xuyên hệ thống cung cấp nước tự chảy.
Để khắc phục những khó khăn về nước sạch sinh hoạt, UBND tỉnh Hòa Bình yêu cầu các sở, ngành, địa phương từng bước nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ nguồn nước, phòng - chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; phát hiện, ngăn chặn và có biện pháp xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật tài nguyên nước.