Tại các huyện miền núi ở Thanh Hóa hiện có 12 cầu treo bị hư hỏng, xuống cấp và 6 cầu treo bị lũ cuốn trôi nhưng chưa được sửa chữa. Hàng ngày, người dân ở đây vẫn phải qua sông trên những cây cầu đã xuống cấp, xiêu vẹo với những mối hiểm nguy thường trực.
Trên địa bàn 11 huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa có khoảng 48 cầu treo dân sinh bắc qua các con sông, suối. Các huyện có số lượng cầu treo lớn như Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Bá Thước, Lang Chánh...
Những cây cầu này chủ yếu được thiết kế xây dựng có bề mặt cầu rộng từ 2 - 2,5m. Mặt cầu dùng tấm lát bằng gỗ hoặc bằng sắt. Do được đầu tư và sử dụng từ hơn 10 năm trước nên đến nay, trong số 48 cầu thì đã có 12 cây cầu bị hư hỏng, 6 cây cầu bị mưa lũ cuốn trôi.
Điển hình trong số những cây cầu xuống cấp là cầu treo Bến Lậm bắc qua sông Âm thuộc xã Giao Thiện (huyện Lang Chánh) được xây dựng bằng nguồn ngân sách của địa phương và đưa vào sử dụng năm 2006. Cầu này nối xã Giao An và Giao Thiện nên mỗi ngày có hàng trăm lượt người lưu thông, trong đó, chủ yếu là các em học sinh các cấp.
Theo ghi nhận của phóng viên, cầu treo Bến Lậm có chiều dài hơn 100m, rộng 2,2m và được thiết kế cầu treo dây văng, khung sắt, ván... Hiện nay, mặt cầu, trụ, thanh mặt cầu, gờ chắn bánh, nẹp bị hỏng, ván gỗ mục nát, cầu bị rung khi có người đi qua, ảnh hưởng tới việc qua lại của người dân khi mùa mưa lũ về. Trước thực trạng trên, UBND huyện Lang Chánh đang phải hạn chế xe trọng tải lớn đi qua cây cầu này.
Tại huyện Quan Sơn, có cây cầu treo bản Hậu (thuộc xã Tam Lư) đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Cây cầu này nối 3 bản (bản Muống, bản Hậu và bản Sại) bên kia sông Lò với trung tâm xã Tam Lư, nên hàng ngày, hàng trăm lượt người dân vẫn phải qua lại trong nỗi bất an, lo lắng.
Trên mặt cầu, ván sàn, lan can cầu nhiều chỗ đã bị bung mối nối. Thậm chí, có 1 đoạn dầm dọc đã bị nứt gãy, chưa được xử lý, chỉ cần vài chiếc xe máy chạy qua, cây cầu này đã rung lắc mạnh.
Tại huyện Bá Thước có cầu Na Tảng ở xã Ban Công dài 48m, rộng 2m, kết cấu dầm thép, mặt cầu bằng tre luồng, lan can dây thép và cáp. Đây là cây cầu có con đường độc đạo duy nhất để 50 hộ dân thôn Chiềng Lau đi vào trung tâm xã và để các cháu học sinh đến trường.
Do được xây dựng từ lâu và hiện đã xuống cấp nên mỗi khi các phương tiện đi qua, cây cầu chao đảo, rung lắc mạnh. Mặt cầu được làm bằng tre, luồng gia cố, các mố gia cố đã lỏng lẻo. Tre luồng mặt cầu bị dồn cục bộ tại một số vị trí, tạo nên những lỗ hổng lớn, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cho người và phương tiện khi đi qua cầu. Trong khi đó, 2 bên lan can cầu được kết bằng những dây thép đã hoen gỉ, các điểm nối, buộc tạm sơ sài. Năm 2017, cầu Na Tảng bị lũ quét từ thượng nguồn đổ về cuốn trôi khiến hàng chục hộ dân với hàng trăm nhân khẩu bị cô lập...
Huyện Quan Hóa là địa phương có 11 cây cầu treo, nhiều nhất trong tỉnh Thanh Hóa. Trước thực trạng một số cây cầu xuống cấp, hư hỏng gây nguy hiểm đến việc đi lại của người dân, ông Trần Văn Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa cho biết, trong thời gian tới, huyện sẽ đề nghị nhà máy thủy điện Hồi Xuân xây trả 2 cầu treo bị ảnh hưởng. Đồng thời, UBND huyện sẽ kiến nghị các cấp có thẩm quyền hỗ trợ kinh phí sữa chữa, nâng cấp các cầu treo bị hư hỏng, xuống cấp và trợ cấp kinh phí xây dựng cầu tại 4 bến đò chưa có cầu treo, cầu cứng để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Theo đại diện Sở Giao thông vận tải tỉnh Thanh Hóa: Qua khảo sát, đánh giá phương án vận hành cầu treo, cầu dân sinh trên địa bàn thì đa phần những cây cầu này đều đã xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của bà con nhân dân. Về phương án làm cầu cứng, đơn vị sẽ khảo sát cụ thể bởi nguồn kinh phí rất lớn. Trước mắt, Sở Giao thông vận tải đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét, hỗ trợ UBND các huyện kinh phí sửa chữa 12 cầu treo bị hư hỏng, xuống cấp với tổng kinh phí khoảng 8 tỷ đồng; xây dựng 8 cầu cứng thay thế cầu treo với kinh phí khoảng 120 tỷ đồng.