Văn hóa

Bất cập bản quyền âm nhạc

Minh Quân 22/01/2024 08:31

Bản quyền không chỉ đảm bảo được quyền lợi cho các nhạc sĩ, người sáng tác mà còn tạo ra môi trường âm nhạc trong sạch, lành mạnh. Tuy nhiên, việc bảo vệ quyền tác giả âm nhạc vẫn còn những bất cập chưa được tháo gỡ.

anhbaitren(2).jpg
Chương trình “Lululola” vướng vào lùm xùm thu phí bản quyền. Ảnh: Ngọc Anh.

Điểm tựa cho giới nhạc sĩ

Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) vừa tổ chức lễ tổng kết hoạt động năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Theo báo cáo, trong năm qua, đơn vị vẫn nỗ lực bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định cho các tác giả, thu trên 344 tỷ đồng tiền sử dụng quyền tác giả trong năm 2023, chưa tính nguồn thu quốc tế, tăng khoảng 29% so với năm 2022, vượt 10% so với chỉ tiêu đề ra. Bên cạnh đó, VCPMC đã thực hiện 4 kỳ phân phối, chi trả đến các chủ sở hữu quyền tác giả với số tiền phân phối gần 306 tỷ đồng, tăng 90% so với năm 2022.

Ông Đinh Trung Cẩn - Tổng Giám đốc VCPMC cho biết, số tiền bản quyền trên thu được từ nhiều lĩnh vực như hoạt động biểu diễn, hòa nhạc trực tiếp; websites, ứng dụng nhạc; nhạc chờ, nhạc chuông điện thoại; sao chép đĩa CD, DVD; sao chép trong phim ảnh, chương trình truyền hình, trong quảng cáo; sao chép demo, trực tuyến; bản quyền từ các chương trình phát thanh - truyền hình; nhà hàng, quán cafe, karaoke, quán rượu, phòng trà cấp phép tại các tỉnh, tiền bản quyền từ CMOs quốc tế… “VCPMC cũng ký kết hợp tác với các nền tảng: Youtube, Facebook, Tiktok, Apple, Spotify… nhằm xây dựng kênh âm nhạc dành riêng cho từng nhạc sĩ, không chỉ tối đa hóa nguồn thu từ việc khai thác tác phẩm, mà còn thu được tiền thù lao từ việc khai thác bản ghi do chính nhạc sĩ đầu tư sản xuất” - ông Cẩn chia sẻ.

Không chỉ đảm bảo quyền lợi cho các nhạc sĩ, người sáng tác âm nhạc, VCPMC còn hỗ trợ, tư vấn pháp lý, giải quyết khiếu nại của các tác giả thành viên, nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp theo quy định; tăng cường rà soát, xử lý vi phạm về quyền tác giả, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các tác giả thành viên, đặc biệt ở lĩnh vực biểu diễn và trực tuyến. Trung tâm hỗ trợ công tác chăm sóc, phát triển hội viên, giải quyết khiếu nại, hỗ trợ tư vấn pháp lý cho các tác giả thành viên, tổ chức hòa giải khi có tranh chấp, kiến nghị; củng cố cơ sở pháp lý nhằm quản lý khai thác, bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của tác giả thành viên. Đến nay, Bộ phận pháp chế hai miền đã thực hiện 34 vụ kiện xâm phạm quyền tác giả, tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ, tranh chấp hợp đồng; đã giải quyết xong 20 vụ trên tổng số 40 vụ việc, đồng thời tiếp tục đẩy nhanh việc cảnh báo vi phạm và lập hồ sơ khởi kiện các vụ việc vi phạm tiếp theo.

Vi phạm tràn lan

Tuy nhiên, câu chuyện bản quyền âm nhạc vẫn rất phức tạp. Nhiều đơn vị tổ chức biểu diễn vẫn có tình trạng trì hoãn trả tiền bản quyền, lạm dụng cơ chế thỏa thuận để cố ý làm mờ nhạt đi quyền “độc quyền” của tác giả đã được pháp luật quy định cũng như né tránh nghĩa vụ thuộc về bên sử dụng, gây khó khăn, tốn kém về chi phí xử lý, cũng như thời gian và nhân lực. Đơn cử như vụ việc như ở show Mây Sài Gòn, Mây Lang Thang (Đà Lạt, Hà Nội), Lululola… Các show này không thiện chí trả tiền bản quyền, hiện bộ phận pháp lý đang lập hồ sơ khởi kiện. Mặc dù tình hình biểu diễn trên cả nước vẫn khá sôi động, nhưng nguồn thu ở lĩnh vực biểu diễn vẫn thấp, tỷ trọng chỉ vào khoảng 4% trong tổng nguồn thu của VCPMC.

Nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền ngao ngán khi bài hát “Nếu một mai tôi bay lên trời” kết hợp cùng Trúc Nhân bỗng dưng bị đánh bản quyền bởi một đơn vị “nhận vơ” ca khúc này trên YouTube. Hay câu chuyện tranh chấp, tố nhau giữa các nghệ sĩ cũng gây ồn ào dư luận, có thể kể đến các vụ việc như: nhạc sĩ Kai Đinh tố Nam Em tự tiện hát ca khúc “Mình yêu đến đây thôi” mà anh đang dành độc quyền cho ca sĩ Tóc Tiên; tác giả Xesi tố Ngọc Mai không xin phép khi hát Túy âm; Kay Trần và Nguyễn Khoa tranh chấp xung quanh “Tết đong đầy”…

Cũng theo thống kê của VCPMC, ở Việt Nam hiện có khoảng hơn 200 website có tính năng nghe nhạc trực tuyến, con số này chưa tính đến số website sử dụng tên miền quốc tế. Tuy nhiên chỉ có số ít các đơn vị thực hiện nghĩa vụ trả tiền bản quyền, gây thiệt hại lớn cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, tạo hình ảnh xấu về thị trường trong nước.

Nhạc sĩ Giáng Son bày tỏ, vấn nạn xâm phạm bản quyền âm nhạc ở Việt Nam làm ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến người sáng tác. Thói quen nghe, chia sẻ một cách miễn phí ảnh hưởng rất lớn đến sự lao động sáng tạo của những người nghệ sĩ, những người sáng tác.

Có thể nói, câu chuyện vi phạm bản quyền đang diễn ra nhưng việc xử lý bằng các công cụ pháp luật còn hạn chế. Cơ chế bảo hộ quyền tác giả còn phức tạp trong quá trình chứng minh quyền càng dẫn đến việc khó thực hiện trên thực tế.

“Thời gian tới, chúng tôi sẽ kiến nghị với các cơ quan quản lý nhà nước về một số bất cập liên quan đến lĩnh vực bản quyền tác giả âm nhạc, nhằm hướng đến mục tiêu vừa bảo đảm cho doanh nghiệp hoạt động tổ chức biểu diễn, vừa bảo đảm cho việc thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ cho các tổ chức bảo vệ quyền lợi tập thể như Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam” - Giám đốc VCPMC cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bất cập bản quyền âm nhạc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO