Văn hóa

Vi phạm bản quyền: Chưa bao giờ hết nóng!

Minh Quân 21/12/2023 07:24

Mặc dù đã có chế tài xử phạt, tuy nhiên vấn nạn vi phạm bản quyền trong lĩnh vực văn hóa vẫn luôn nóng trong nhiều năm quá. Thậm chí những vi phạm giờ đây còn diễn ra ngày càng tinh vi, phức tạp.

anh-1-bai-tren.jpg
Một chương trình bị tố lấy cắp ý tưởng của nghệ thuật thực cảnh “Ký ức Hội An”. Ảnh cắt từ clip.

Quá nhiều vi phạm

Theo kết quả khảo sát của Dự án tăng cường thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam, có 43% chủ thể sáng tạo đã từng bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Việt Nam hiện là một trong 10 quốc gia vi phạm bản quyền lớn nhất trên thế giới. Hệ lụy của việc vi phạm bản quyền rất lớn, có thể làm giảm giá trị của thị trường nghệ thuật, đánh mất niềm tin của các nghệ sĩ, các nhà sưu tập và công chúng.

Mới đây, trên trang cá nhân, nhạc sĩ Đỗ Hiếu thông tin, ca sĩ Noo Phước Thịnh không được phép biểu diễn ca khúc “Gạt đi nước mắt” và gần chục sản phẩm khác. Đây là những bài hát do ca sĩ Noo Phước Thịnh trình bày, nay đã hết độc quyền sau 2 năm, và suốt thời gian dài hai bên chưa hoàn tất việc thương lượng các vấn đề liên quan tới chi phí tác quyền, cũng không tiến hành gia hạn hợp đồng. Hay ông bầu Hoàng Tuấn, quản lý của ca sĩ Đan Trường đệ đơn khởi kiện ba ca sĩ gồm Thái Trinh, Bằng Cường và Dương Edward vì dùng nhạc độc quyền của HT Productions...

Không chỉ lĩnh vực âm nhạc, tình trạng xâm phạm quyền tác giả tác phẩm điện ảnh dưới dạng các bản sao chép không được phép của chủ thể quyền đối với phim chiếu rạp hoặc phim truyền hình hiện nay vẫn đang diễn ra vô cùng nghiêm trọng, đặc biệt là vi phạm trong môi trường số. Đơn cử như việc phim chiếu rạp bị khán giả livestream phát trực tiếp trên mạng, gây thiệt hại cho nhà sản xuất hoặc phim chiếu rạp, chiếu trên truyền hình bị khán giả ghi lại và phát tán trên mạng internet. Nghiêm trọng hơn, một số cá nhân, tổ chức đã sao chép, khai thác, sử dụng, trình chiếu, truyền đạt các tác phẩm điện ảnh ra công chúng không được phép của chủ thể quyền và kinh doanh quảng cáo sản phẩm, dịch vụ trái phép trên các bộ phim có bản quyền, nhằm thu lợi bất chính. Không những vậy hiện nay có hàng trăm website có khai thác, sử dụng phim tại Việt Nam, trong đó phần lớn tác phẩm được sử dụng trái phép thì có thể thấy số lượng tác phẩm điện ảnh bị vi phạm quyền tác giả sẽ rất lớn.

Dẫn chứng, bà Ngô Thị Bích Hạnh (BHD Vietnam Media Corp) cho biết, BHD từng phát hành phim “Cô Ba Sài Gòn” ở rạp phim, một khán giả vào xem, quay lại phim và khiến bộ phim được đầu tư rất lớn này bị rò rỉ ngay sau ngày đầu tiên ra mắt. BHD đã tìm ra người phát tán lậu này và báo công an. Cuối cùng khán giả này chỉ bị phạt 3 triệu đồng, khóc nói không biết việc làm đó là sai pháp luật.

Bà Hạnh cũng cho rằng, một bất cập nữa là hiện nay pháp luật Việt Nam chưa giúp định giá tài sản trí tuệ. Các doanh nghiệp mang tài sản trí tuệ đi cầm cố vay ngân hàng thì không được chấp nhận. “Chúng ta phải coi sản phẩm công nghiệp văn hóa là một tài sản trí tuệ, được định giá” - bà Hạnh nói.

Mới đây, những cáo buộc vi phạm bản quyền từ đơn vị sở hữu chương trình nghệ thuật thực cảnh “Ký ức Hội An” lại làm nóng dư luận. Hình ảnh diễn viên múa mặc áo dài, đội nón lá gắn đèn led trong chương trình Rap Việt All Star Concert 2023 do công ty Vie Chanel ghi hình bị đơn vị sở hữu cáo buộc vi phạm bản quyền. Theo đại diện chương trình thực cảnh, hình ảnh này đã được bảo hộ theo giấy chứng nhận đăng ký bản quyền bởi Cục Bản quyền tác giả từ năm 2021.

anh-2-bai-tren.jpg
Ca khúc “Gạt đi nước mắt” do ca sĩ Noo Phước Thịnh thể hiện bị tố sử dụng mà chưa có sự thống nhất về bản quyền. Ảnh cắt từ cLip.

Hài hòa trong việc bảo vệ và khai thác sản phẩm văn hóa

Với một môi trường mở, thì thực tế đây là điều dễ hiểu khi các nền tảng số, mạng xã hội giúp mọi người đều có thể tham gia vào hoạt động âm nhạc trên không gian mạng, bao gồm từ việc sáng tạo, trình diễn đến công bố tác phẩm. Song cũng vì thế mà những vấn đề liên quan tới bản quyền âm nhạc trên không gian mạng lại càng trở nên phức tạp hơn.

Theo Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) Phạm Thị Kim Oanh, để xử lý các hành vi vi phạm, đảm bảo sự công bằng đối với những người sáng tạo nội dung, chủ sở hữu quyền, cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về nội dung này. Đồng thời nâng cao trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp, cảnh báo họ không nên mua quảng cáo ở các website/mạng xã hội vi phạm bản quyền. Các chủ thể quyền cần chủ động áp dụng các biện pháp công nghệ để bảo vệ quyền tác giả trong môi trường kỹ thuật số theo quy định của pháp luật, cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc xử lý các hành vi xâm phạm quyền tác giả. Tất cả mọi tiến bộ công nghệ đều mang đến những cơ hội lẫn thách thức mới. Việc bảo vệ bản quyền tác phẩm, hệ sinh thái của tác phẩm trên không gian mạng là điều cần quan tâm từ đầu. Vừa cởi mở với mạng xã hội, các nền tảng số cần thận trọng các vấn đề pháp lý… là bước đi quan trọng, hài hòa trong việc bảo vệ và khai thác sản phẩm văn hóa - một trong những yếu tố thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam.

Ngăn chặn vi phạm bản quyền trong lĩnh vực văn hóa trên không gian mạng chính là bảo vệ quyền tác giả, giá trị, công sức của việc sáng tạo giá trị tri thức và cũng chính là bảo vệ những người thụ hưởng là công chúng. Để đẩy lùi vấn nạn này cần các giải pháp đồng bộ, từ hoàn thiện hệ thống pháp luật đến thực thi nghiêm các quy định liên quan đến nâng cao nhận thức trong cộng đồng về vấn đề bảo vệ bản quyền.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vi phạm bản quyền: Chưa bao giờ hết nóng!

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO