Chính sách đất đai hiện nay đang hạn chế khả năng tích tụ ruộng đất cũng như không tạo động lực thu hút nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Đó là vấn đề được đưa ra tại Diễn đàn Nông nghiệp mùa Thu 2019 với chủ đề “Chính sách đất đai và sự phát triển nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế”, diễn ra ngày 24/10, tại Hà Nội.
Người dân không thể dựa vào cây lúa để có cuộc sống ổn định. Ảnh: Minh Đức.
Nông nghiệp chủ yếu dựa vào 10 triệu nông hộ nhỏ lẻ
Các DN lớn đang có xu hướng đầu tư vốn vào nông nghiệp bằng cách chuyển một phần vốn từ kinh doanh công nghiệp, bất động sản, dịch vụ sang nông nghiệp. Theo đó, các DN này phải mua hoặc cho thuê lại quyền sử dụng đất của các nông hộ nhỏ lẻ. Vì vậy, trong thời gian qua, thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp đã phát triển nhanh với tỷ lệ diện tích đất nông nghiệp được thuê, mua ngày càng tăng.
Đặc biệt, kể từ khi Luật Đất đai có hiệu lực từ năm 2013 đã khuyến khích các hộ gia đình, cá nhân, DN thực hiện dồn điền đổi thửa, nhận chuyển nhượng hoặc thuê lại quyền sử dụng đất để phát triển trang trại; hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn, tạo ra chuyển biến lớn trong việc sử dụng hiệu quả đất nông nghiệp, tập trung sản xuất quy mô hàng hóa lớn.
Tuy nhiên, tại Diễn đàn, nhiều ý kiến cho rằng, còn nhiều rào cản chính sách trong tích tụ đất nông nghiệp. Theo ông Nguyễn Đức Thành, đại diện cơ quan điều phối Liên minh Nông nghiệp, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), chủ đề về chính sách đất đai, nhất là trong nông nghiệp rất quan trọng bởi liên quan thiết thực tới các vấn đề an sinh xã hội, liên quan tới quyền lợi và vấn đề phân phối cho người nông dân. Tuy nhiên, chính sách đất đai trong nông nghiệp lâu nay thể hiện nhiều bất cập và hầu như chưa được giải quyết được triệt để.
Ông Thành cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia có mức bình quân ruộng đất theo đầu người thấp nhất thế giới. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân đầu người ở Việt Nam là 0,25 ha, trong khi đó trên thế giới là 0,52 ha và trong khu vực là 0,36 ha. Nền nông nghiệp Việt Nam được phát triển chủ yếu dựa vào khoảng 10 triệu hộ nông dân cá thể với trên 76 triệu thửa và mảnh ruộng nhỏ lẻ, phân tán. Đây chính là một trong những trở ngại lớn nhất cho việc phát triển nền nông nghiệp hữu cơ, hiện đại và bền vững trên cơ sở hợp tác, liên kết giữa DN, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế, với các hộ nông dân xây dựng cánh đồng lớn, vùng sản xuất tập trung công nghệ cao dưới tác động của thị trường, công nghiệp, hội nhập quốc tế và biến đổi khí hậu.
Đồng quan điểm, TS. Trần Công Thắng, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp - nông thôn cũng cho rằng, chính sách đất đai trong nông nghiệp hiện nay đang là rào cản lớn đối với chính sách nông nghiệp hàng hoá. Dù quá trình đô thị hoá diễn ra mạnh mẽ, nhưng diện tích đất nông nghiệp vẫn còn rất lớn, nhất là đất lúa, nhưng thu nhập từ canh tác trên đất nông nghiệp ngày càng thấp khiến nhiều nông dân không thiết tha với ruộng đất.
Trong khi đó theo nhiều nghiên cứu khác nhau, những hộ có diện tích đất nông nghiệp trồng lúa tối thiểu từ 2,5- 3ha thì thu nhập mới đủ sống, diện tích đất nông nghiệp có canh tác lúa dưới 2,5ha thì cuộc sống hầu như bấp bênh và chắc chắn người dân không thể dựa vào cây lúa để có cuộc sống ổn định.
Cần đội ngũ nông dân “thế hệ mới”
Ở một khía cạnh khác, PGS.TS Vũ Trọng Khải, nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn II TP.Hồ Chí Minh nêu quan điểm, muốn phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững, câu chuyện đất đai là một phần, mặt khác cần một đội ngũ nông dân “thế hệ mới” tay nghề cao có thể sử dụng được các dây chuyền sản xuất công nghệ cao mới có thể thúc đẩy được nền nông nghiệp hội nhập. Yếu tố này đang rất thiếu ở nền nông nghiệp Việt Nam.
Các ý kiến chuyên gia ngành nông nghiệp cũng nêu quan điểm, cần phải giải tỏa những rào cản bất cập trong chính sách đất đai hiện nay mới có thể tạo đà cho ngành nông nghiệp phát triển ổn định. Đơn cử những bất cập về hạn mức nhận chuyển nhượng sử dụng đất nông nghiệp; quy định về DN trong nước không được giao đất có thu tiền sử dụng đất nông nghiệp mà chỉ được thuê đất để đầu tư sản xuất nông nghiệp; DN nước ngoài không được phép nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất…
“Tôi lấy ví dụ, Luật Đất đai không cho phép xây dựng các công trình kiên cố phục vụ sản xuất trên đất lúa, trong khi sản xuất nông nghiệp quy mô lớn rất cần xây dựng những kho bãi diện tích lớn, khu nông nghiệp công nghệ cao cũng cần phải có quỹ đất lớn… Quy định như vậy rõ ràng đang cản trở mục tiêu mở rộng quy mô sản xuất của DN. Và như vậy, DN họ không mặn mà” – TS Nguyễn Hữu Thọ, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh.