Bây giờ trách ai

Võ Hồng Thu 17/11/2017 21:36

Chồng chị bị trầm cảm rất nặng. Công việc căng thẳng cộng với rượu và ăn uống thất thường khiến bệnh càng trầm trọng hơn. Anh đã có những hành động của một người bị tâm thần phân liệt. Bệnh này cần có sự phối hợp với gia đình. Thi ù cả tai nghe những lời giải thích của bác sĩ. Trong cô, nứt toác một vực thẳm của sự ân hận. Trách ai ai trách bây giờ trách ai?

- Tha lỗi cho em. Tha lỗi cho em

Thi chụp lấy bàn tay của Tô, vuốt ve. Bàn tay bên kia của anh bất động, chằng chịt những băng dính. Dưới lớp băng dính là các mũi kim xuyên vào bàn tay đã liên tục bị chọc truyền thuốc đến vỡ cả ven. Hôm qua Thi đã phát hiện anh nổi cục dưới da nơi truyền, hỏi thì bác sĩ cho biết là vỡ mạch. Cô không dám rời anh một lúc nào. Tô đang rất yếu. Đã có lúc đang truyền, anh lên cơn khó thở, rét run, vã mồ hôi, sắc mặt tái nhợt, mạch nhanh, huyết áp tụt. Cuống lên gọi bác sĩ, Thi biết đó là một biểu hiện của sốc do cơ thể anh không đáp ứng được tốc độ truyền quá nhanh.

Tại sao anh bi đát đến thế mà em không hề hay biết. Thi lẩm bẩm tự trách mình. Cô không thể bấu víu vào bất cứ một lý do nào để chạy tội. Cô, người đàn bà ăn cùng bàn ngủ cùng giường với anh đã hơn 10 năm. Dẫu rằng ý nghĩ ly dị đã xuất hiện và ngày càng thôi thúc nhưng thực tế là họ vẫn chung tên trong một bản hôn thú. Hai người vẫn là người một nhà, theo nghĩa đen luôn. Họ không cách xa nhau về địa lý nhưng khoảng cách tâm hồn mới là kinh khủng. Cô hoàn toàn không biết Tô đang nghĩ gì? Anh đang vui hay đang buồn? Hay đang giận dữ? Ngược lại cũng vậy thôi. Có lúc cô giật mình nhớ ra cả tháng trời cô hoàn toàn không nhìn mặt chồng, dù rằng cả hai vẫn có những bữa cơm chung. Do Thi vô tâm? Không hẳn, cô biết, cái cảm giác ngấy nhau nó xui khiến như vậy. Nó hoàn toàn không giống sự vô tâm bẩm sinh của Thi. Năm thứ ba sau đám cưới, trong một lần ăn cỗ ở nhà bố mẹ chồng, cô thảng thốt kêu lên: Ơ, chồng có lúm đồng tiền này. Mẹ chồng lườm: Con sắp vào lớp 1 mới biết chồng có lúm đồng tiền là sao. Thi đáp: Chứng tỏ về nhà anh ấy chả mấy khi cười. Câu bào chữa vụng về của cô khiến cả nhà cùng cười và rồi không ai nhắc đến chuyện đó nữa. Thi cũng quên. Bây giờ, khi một mình đối diện với chính mình giữa những bức tường bệnh viện trắng toát, cô tự dưng bị nhớ lại những chuyện đó.

***

Kibune là một ngôi làng cổ kính nằm ngay ngoại ô thành phố Kyoto. Tại đây có nhà hàng Kawadoko trên thác nước cực độc đáo. Men theo những bậc thang bằng đá lên đến nhà hàng, cảm giác thơ thới dễ chịu vụt đến. Cái nóng oi của tiết trời tháng Sáu Nhật Bản chả hề quét qua nơi đây. Bữa ăn trưa được dọn trên cái bàn thấp kiểu Nhật, chống chỉ định với người bụng to, vì việc ngồi bệt xuống đất sẽ vô cùng khó chịu.

Trên bàn ngồn ngộn những đĩa những bát toàn món ăn đặc trưng của đất nước hoa anh đào. Đĩa shusi được cắt từng khoanh, nhìn rõ thấy màu nâu của lá rong biển, màu hồng nhạt hay trắng nõn của cá ngừ/ mực/ tôm, màu xanh của dưa leo, màu vàng hổ phách của củ cải muối và thêm cả trứng ngọt tráng mỏng. Người phục vụ hướng dẫn thực khách dùng ngay sau khi vừa được dọn ra, món này ngon hơn khi ăn kèm với nước tương, wasabi và gừng ngâm chua. Khi ăn nên cho cả miếng vào miệng, không cắn làm đôi làm ba vì nó sẽ bị vỡ vả lại sẽ không cảm nhận được trọn vẹn hương vị của món ăn. Cái vị là lạ của cơm Nhật dẻo quánh trộn dấm, vị ngầy ngậy và mát của cá sống cùng vị cay nồng của wasabi xông lên mũi. Tê và cay và xuýt xoa, cái cảm giác buốt nhói lan từ họng sang mũi lên tận óc. Nhưng sau đó là cảm giác dễ chịu, nhẹ bẫng.

Một đĩa to Sashimi đặt chính giữa bàn, gồm toàn những hải sản tươi óng lên dưới ánh nắng mặt trời xuyên qua mái lợp bằng tre: Cá hồi, bụng cá hồi, cá ngừ, trứng cá trích ép, bạch tuộc, cá saba. Mỗi một miếng tươi rói đó lại được đặt trên một phần củ cải nạo trắng tinh, nom cực mát mắt và một lá tía tô óng ánh xanh tím. Người phục vụ giải thích hải sản dùng để làm Sashimi phải có “tiêu chuẩn sashimi”, được đánh bắt bằng các dụng cụ riêng biệt, sau đó được xử lý ngay theo quy trình đặc biệt để đảm bảo sự tươi ngon. Shasimi có thể ăn kiểu sex - tức là không cuốn trong lá rong biển, chấm ngập vào nước tương loại chuyên dụng pha với già già mù tạt một tí, sẽ ngon hơn. Người phục vụ cũng hướng dẫn món gừng muối hồng hồng của Nhật để kế bên là dùng để chuyển món, tức là sau khi thưởng thức một miếng Shasimi thì nhấm nháp một miếng gừng, chứ không phải để ăn kèm như nhiều người vẫn lầm tưởng. Món cá nướng một lúc sau được mang ra có tên là Yellowtail .

Cá được ướp trong nước xốt tương ngọt và sau đó đem nướng. Các món cá nướng của Nhật thực ra đơn giản, không có nước sốt nặng mùi hoặc vô số gia vị. Thông thường họ ướp với một chút muối để làm nổi bật vị ngon ngọt ứa ra từ từng thớ thịt. Vừa ăn vừa được nghe người phục vụ giải thích kỹ càng, cảm giác ngon miệng cũng tăng lên. Nhất là khi người ta ngồi ăn giữa thiên nhiên, da thịt được vuốt ve trong những cơn gió mát lành hiếm hoi của mùa hè cõng theo hơi nước dòng sông Kibune mát rượi. Món cuối là mì lạnh Soba. Trong lúc chờ món mì độc đáo này, người phục vụ giới thiệu rằng mì Soba được làm bằng cách trộn bột kiều mạch và bột mì, thêm nước tạo thành bột sệt, rồi nhào và lăn cho mỏng ra, rồi cắt thành những sợi nhỏ. Món mì lạnh gọi là Mori- Soba còn mì nóng là Kake- Soba. Mori- Soba được rửa qua nước lạnh sau khi luộc, rồi đặt trên một tấm nan tre, trộn cùng với rất nhiều đá viên con con trong vắt như pha lê. Nước sốt để nhúng mì quyết định độ ngon của món ăn này, nhưng thực khách nên cho thêm quả trứng cút sống, rong biển thái mỏng, một ít lá hành xanh thái, ớt tươi cắt lát mỏng và dĩ nhiên là cả mù tạt Nhật. Nghe giới thiệu mà dịch vị ai nấy tiết liên tục dù rằng mới được thưởng thức bao nhiêu đồ ăn ngon lành. Hồi lâu không thấy món mì Soba lạnh được bưng lên.

Thực kỳ lạ với một nhà hàng vô cùng chuyên nghiệp như thế này. Thời gian trôi qua lặng lẽ. Hình như đã nửa giờ đồng hồ trôi qua… Cảm giác chờ đợi bị thay thế bằng sự bực mình. Hình như có ai đó đã to tiếng với người phục vụ khi anh ta cho biết nguyên nhân là do thiếu mấy tấm nan tre nên nhà bếp không biết đổ mì đã luộc vào đâu.

- Ôi sao hết cả lọ truyền rồi mà chị không gọi y tá?

Thi ngơ ngác nhìn lên, chưa hiểu ngay chuyện gì xảy ra. Y tá trực mặt đầy vẻ lo lắng. Trên giường, Tô vẫn thiêm thiếp ngủ. Thì ra Thi vừa trải qua một giấc mơ. Nhà hàng bên thác nước đó là nơi mà Tô đã từng hứa đưa Thi đến. Tô đi Nhật nhiều lần. Anh đã miên man kể cho Thi không biết bao điều về đất nước này và cô rất mong đến một ngày sẽ được cùng chồng đặt chân đến những khung cảnh như trong mơ đó. Cô ấn tượng mạnh khi nghe anh kể về nhà hàng trên thác nước, đã tra mạng nhiều lần chỉ để ngây người ngắm cái thế giới diệu kỳ nằm ngoài khả năng tưởng tượng của người ít được đi đây đi đó. Tô đã xé toang giấc mơ đẹp của cô.

Tình cờ phát hiện những bức ảnh Tô cùng người đàn bà khác, đầu mày cuối mắt, tại đó, Thi hận. Và rồi cô kiên quyết từ chối chuyến đi mà cô đã mong chờ biết chừng nào, cho dù Tô hết lời thanh minh rằng đó chỉ là diễn, giữa họ hoàn toàn không có chuyện gì, kể cả là say nắng nhẹ. Không hiểu bằng cách nào mà nó lại hiện lên trong giấc mơ ban ngày của cô. Thi chợt nhận ra bụng mình đói cồn cào. Từ hôm Tô nằm viện, cô không ăn một bữa nào đúng với nghĩa hưởng thụ. Luôn là cơm nhà bếp bệnh viện, đểnh đoảng và lễnh loãng, kiểu nhét cho dạ dày khỏi sôi. Thi không hiểu cơn thèm ăn hay là sự khát khao của ước mơ không đến bao giờ đã khiến cô mộng mị như vậy.

Từ bao giờ nhỉ, mình đã thôi không mơ ước? Thi không còn nhớ nữa. Ngày với cô chỉ là con đường đến cơ quan, đến trường học của hai đứa con, vòng qua chợ. Là bữa cơm tối không mấy khi đủ cả 4 người. Tô luôn phải đi trực. Thưở mặn nồng bao giờ Thi cũng để chuông đồng hồ. Chồng về giữa đêm, cô bật dậy hâm nóng lại đồ ăn, rồi dù không ăn cũng vẫn ngồi cạnh chồng nhấm nháp. Những chi tiết đó dần trở thành cổ tích trong ngôi nhà của họ. Tô đi nhiều hơn. Có những đêm anh không về nhà. Có lần, người trong cơ quan phát hiện anh ngủ gục trong ô tô, ngay giữa đường. Hóa ra là anh trực xong còn đi uống rượu cùng anh em. Tàn cuộc, mệt quá, anh đã ngủ gục trên tay lái. Rượu triền miên và triền miên mất ngủ, Tô thường lái xe lang thang trên đường không về nhà. Vì là ngoài giờ trực nên cơ quan cho là anh ở nhà. Còn Thi không thấy chồng về thì nghĩ là đang ở cơ quan. Hoặc đang ở đâu đó, với con nào đó. Sự hờn giận khiến Thi không bao giờ hỏi chồng về những khoảng thời gian trống.

Thật kinh khủng, tại sao anh bi đát đến vậy mà em không biết tí gì. Thi nức nở trong lòng khi được gọi đến bệnh viện. Sáng sớm hôm đó, bảo vệ phát hiện ra Tô gục trên bàn làm việc, toàn thân lạnh toát, vội gọi cấp cứu. Đã 5 hôm liền Tô không về nhà. Thi cũng không hỏi. Cô nghĩ đó là hành động thách thức của chồng, trả đũa cho cả một tuần liền cô không nấu ăn phần anh. Cô nghĩ mình hành động đúng, trước đó đồ cô nấu anh không bao giờ động đến, cùng lắm chỉ tự nấu bát mì xuông. Màn kịch câm trong nhà đã lên đến đỉnh điểm. Ý định ly dị thiêu đốt Thi cả ngày, có điều cô sợ phải chia con cho nên còn đang nấn ná tìm luật sư.

Chồng chị bị trầm cảm rất nặng. Công việc căng thẳng cộng với rượu và ăn uống thất thường khiến bệnh càng trầm trọng hơn. Anh đã có những hành động của một người bị tâm thần phân liệt. Bệnh này cần có sự phối hợp với gia đình. Thi ù cả tai nghe những lời giải thích của bác sĩ. Trong cô, nứt toác một vực thẳm của sự ân hận. Trách ai ai trách bây giờ trách ai?

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bây giờ trách ai