Tìm hiểu của phóng viên Đại Đoàn Kết cho thấy, các công ty tài chính có muôn hình vạn trạng các chiêu mời chào khách hàng vay vốn qua điện thoại, gửi tin nhắn... với những lời lẽ hết sức hấp dẫn nhằm “dụ” khách hàng.
Chừng nào khách hàng chưa sập bẫy, chừng đó các công ty tài chính còn cử nhân viên “bám riết” để giới thiệu, quảng cáo rằng có thể vay “thả ga” khiến khách hàng “đổi ý”.
Cách tính lãi nhập nhèm
Hoạt động cho vay tiêu dùng trên thị trường đã phát triển hơn 10 năm qua. Trong giai đoạn đầu, các ngân hàng, công ty tài chính không cho vay bằng tiền mặt, mà chỉ cho khách hàng vay mua hàng hóa nhằm phục vụ nhu cầu đời sống như xe máy, điện thoại, tivi, tủ lạnh...
Người vay cũng phải có số tiền nhất định ban đầu. Tuy nhiên, những năm gần đây, hoạt động cho vay tiền mặt của các ngân hàng, công ty tài chính phát triển chóng mặt, nhiều người chưa từng vay cũng được chào mời, quá trình xét duyệt ngày càng được đẩy nhanh hết sức đơn giản để giành giật khách hàng.
Hiện, xét về dư nợ thì công ty tài chính cho vay tiền mặt lớn nhất là FE Credit, sau đó đến Home Credit và phần còn lại thuộc về một số công ty tài chính khác như HDSaison, MCredit, Prudental Finance, Toyota Finnanseal...
Đáng chú ý, các công ty tài chính có xu hướng “thả lỏng” hơn các điều kiện về thẩm định khách hàng, giấy tờ, hồ sơ vay vốn, khiến thông tin khách hàng không chính xác, nên khi xảy ra nợ xấu, các công ty tài chính chỉ còn cách gọi điện đòi nợ theo số điện thoại ghi trong hồ sơ. Đây chính là lý do khiến nhiều người bị... đòi nợ oan.
Trong bài trước với tựa đề “Ám ảnh kiểu đòi nợ của các công ty tài chính”, chúng tôi đã đề cập đến trường hợp chị T.H.. Theo chị T.H., chồng chị vay 25 triệu, trả góp theo từng tháng với tổng thời gian vay 24 tháng. Trong 1 năm đầu, chồng chị T.H. đã trả gần hết khoản nợ. Phần còn lại trả 1 lần trong năm thứ 2.
Thế nhưng oái ăm thay, chồng chị T.H. không thực hiện việc chấm dứt hợp đồng. Nên lãi phát sinh lên tới 8,5 triệu đồng. “Tôi cũng chẳng hiểu cách tính của Fe Credit như thế nào nữa. Nhưng bị tra tấn nhiều quá đành nhờ người quen tìm lại số hợp đồng và bắn tiền qua tài khoản để không còn dây dưa với Fe Credit...” - chị T.H. tâm sự.
Nhiều trường hợp khác cũng than thở rằng, muốn tất toán khoản vay trước hạn cũng khó bởi phí phạt hợp đồng rất cao, chưa kể không hiểu cách các công ty tài chính tính lãi khoản vay như thế nào. Lần lại một số hợp đồng tín dụng của công ty tài chính đều cho thấy, hợp đồng dài và chữ nhỏ.
Do vậy, khách hàng khi vay đã không kiên nhẫn đọc và tìm hiểu kỹ các điều khoản ghi trong giấy. Các công ty cho vay tài chính cá nhân thường đánh vào tâm lý cần tiền gấp và không muốn mất nhiều thời gian của khách hàng để cài vào một vài điều khoản có lợi cho doanh nghiệp.
Trong khi đó, NHNN quy định tại Thông tư 18/2019/TT-NHNH: Từ năm 2020, công ty tài chính phải niêm yết công khai tại trụ sở chính, chi nhánh, điểm giới thiệu dịch vụ và đăng tải trên trang thông tin điện tử khung lãi suất cho vay tiêu dùng, các loại phí, phương pháp tính lãi. Thế nhưng trên thực tế các công ty tài chính hầu như không tuân thủ quy định này.
Nhiều khách hàng phàn nàn, khi truy cập trang web của các công ty tài chính chỉ nhận được những thông tin chung chung chẳng hạn như lãi suất cực ưu đãi chỉ từ 1,39%/tháng (tương đương lãi suất tính trên dư nợ giảm dần: 29,5%/năm) hay lãi suất trong mơ chỉ từ 0,99%/tháng (tương đương lãi suất tính trên dư nợ giảm dần: 21%/năm).
Giới chuyên gia phân tích: Cách giới thiệu lãi suất của các ngân hàng, công ty tài chính là có ý đồ không rõ ràng, minh bạch, khiến cho người vay nghĩ là thấp, nhưng trong thực tế là lãi suất cao. Nếu như người không có kỹ thuật tính toán, đọc cách tính lãi hàng tháng của công ty tài chính như rơi vào mê hồn trận.
Không vay cũng nhận được tiền
Thời gian qua, sức hấp dẫn của tín dụng tiêu dùng đã “lôi kéo” được nhiều nhà đầu tư tham gia vào thị trường, đồng nghĩa với sức cạnh tranh thị phần ngày càng lớn. Để hút khách hàng, gia tăng thị phần, nhiều ngân hàng, công ty tài chính đưa ra hình thức cho vay dễ dàng. Thậm chí không muốn vay cũng được bắn tiền qua tài khoản.
Một khách hàng tên Q. kể lại câu chuyện chị trải qua với Fe Credit: Chị nhận được cuộc điện thoại của một người tự giới thiệu là nhân viên Fe Credit và cho biết, sau khi xem lịch sử tiêu dùng thì thấy chị có lịch sử tốt nên mời mở thẻ tín dụng với hạn mức 22 triệu đồng, để giúp chị Q. dễ dàng mua sắm, tiêu dùng.
Qua mấy phút trò chuyện, nhân viên này quảng cáo rằng chi phí cấp thẻ là miễn phí và nếu chị chưa kích hoạt thẻ thì cũng sẽ không mất phí, kích hoạt mới tính phí thường niên là 109.000 đồng. Nghe vậy, chị Q đồng ý mở thẻ. Sau 1 tuần giao thẻ tận nơi, chị lại nhận được cuộc điện thoại của nhân viên Fe Credit hỏi các thông tin về tên, ngày sinh, số chứng minh thư...
Sau khi được chị cung cấp các thông tin, nhân viên này nói: “Chị trả lời hoàn toàn đúng, em thông báo với chị là thẻ chị đã được kích hoạt”.
Có thể thấy rằng, tâm lý chụp giật của cả bên vay lẫn bên cho vay đang khiến thị trường cho vay tiêu dùng của các ngân hàng, công ty tài chính ngày càng “méo mó”.
Mặc dù mảng cho vay tiêu dùng được đánh giá là cần thiết để đẩy lùi tín dụng đen, song, trên thực tế, nhiều cá nhân khi vay vốn đã không tính toán kỹ phương án trả nợ, tiêu dùng quá mức, dẫn tới khả năng rơi vào tình trạng không thể trả được nợ. Các ngân hàng, công ty tài chính vì vậy có cớ để tính thêm lãi phạt, phí phạt...
Theo tư vấn của các chuyên gia tài chính, cá nhân khi vay vốn nên tính toán sao cho tiền gốc và lãi phải trả hàng tháng chỉ chiếm 30% tổng thu nhập, để tránh rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán.
Tuy nhiên, nếu đã rơi vào tình trạng này, người vay cần bình tĩnh liệt kê lại các món nợ, các kỳ hạn trả nợ sắp đến và lập ra phương án xoay xở, cố gắng trả nợ đúng hạn, tránh tình trạng bị o ép đòi nợ kiểu xã hội đen.
Chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực cho rằng, có một hiện tượng khá phổ biến là, khi diễn ra tranh chấp phải ra tòa, nhiều khách vay cho biết, họ không rõ hợp đồng như thế nào. Rõ ràng, đây là lỗi của người vay do không đọc kỹ hợp đồng trước khi ký. Bởi vậy, cần phải tuyên truyền, giáo dục để người dân hiểu biết hơn về dịch vụ tài chính - ngân hàng, ít nhất là hiểu được quyền lợi và nghĩa vụ của mình và của ngân hàng.
Ông Lực cho rằng, giải pháp tốt nhất hiện nay là phải giáo dục, nâng cao kiến thức về tài chính cho người dân, để người dân có thể bảo vệ chính mình.