Những xe ben chở hàng tấn chì đóng thùng xuống đường đất; quặng tràn ra hai bên chỉ cách những đứa trẻ đang chơi trên sân cỏ vài mét. Gần đó, các lò luyện quặng chì và các khoáng chất khác phun khói đen vào không khí.
'Thành phố độc hại nhất châu Phi'
Đây là cảnh tượng diễn ra hàng ngày ở Kabwe, một thành phố ở miền trung Zambia, nơi thường xuyên được mệnh danh là thành phố độc hại nhất châu Phi.
Di sản của Kabwe về khai thác chì đã biến thành phố trở thành nơi ô nhiễm thứ tư trên thế giới. Theo báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về nhân quyền và môi trường, Kabwe là một trong 50 “khu hy sinh” hàng đầu thế giới - các cộng đồng nơi cư dân sống gần “các cơ sở gây ô nhiễm nặng và nguy hiểm nhất, bao gồm các mỏ lộ thiên, lò luyện, dầu khí, nhà máy lọc dầu".
Báo cáo cho biết những khu vực này đại diện cho một số “ví dụ tiêu cực nhất về những bất công về môi trường”.
Một thế kỷ khai thác và chế biến chì ở Kabwe đã đầu độc nhiều thế hệ cư dân lớn lên ở đây. Bất chấp những nỗ lực để khắc phục sự ô nhiễm, khoảng 50.000 người được cho là vẫn gặp rủi ro từ các hạt trong không khí chứa đầy dư lượng chì, khi ăn thực phẩm được trồng trên đất nhiễm chì. Thành phố có dân số hơn 200.000 người và hầu hết mọi trẻ em sống gần một khu mỏ trước đây đều có hàm lượng chì nguy hiểm trong máu.
Kabwe khai thác mỏ chì từ năm 1904, sau khi thực dân Anh tìm thấy mỏ chì và kẽm dồi dào vào cuối thế kỷ 19. Mỏ này trở thành mỏ lớn nhất thuộc loại này ở châu Phi, tạo ra lợi nhuận hàng tỷ USD.
Cũng như ở nhiều nơi trong khu vực Nam Phi giàu khoáng sản, khai thác mỏ đã trở thành trụ cột của nền kinh tế Zambia. Sau khi giành được độc lập từ tay Anh, chính phủ Zambia chuyển sang quốc hữu hóa một phần các mỏ vào năm 1969, sau đó quốc hữu hóa hoàn toàn vào năm 1974.
Việc quản lý yếu kém các vật liệu còn sót lại từ việc tách chì ra khỏi quặng, được gọi là quặng đuôi, cùng với các sản phẩm phụ của quá trình nấu chảy, được gọi là xỉ, đã dẫn đến một lượng lớn chất ô nhiễm ngấm vào lòng đất, nước và không khí trong suốt nhiều thập kỷ.
Những đứa trẻ 'bị nhiễm độc'
Các chuyên gia y tế từ lâu đã coi mức độ chì trong máu là 10 microgam trên mỗi decilít (µg / dL) là một điều đáng lo ngại. Ông Kapumpe-Valentine Musakanya, người đứng đầu chương trình điều tra ô nhiễm của Công ty khai thác đồng hợp nhất Zambia (ZCCM) cho biết, những gì đang xảy ra ở Kabwe thật đáng kinh ngạc - những đứa trẻ có lượng chì trong máu lên tới 80 µg / dL.
Nhiều hồ sơ đã cho thấy các phép đo chì trong máu đạt đến mức gây tử vong 200 và thậm chí 300 µg / dL ở trẻ em Kabwe. Nồng độ chì trong máu trung bình được tìm thấy trong các cộng đồng gần khu mỏ ngừng hoạt động nằm trong khoảng từ 50 đến 120 µg / dL.
Ông Musakanya lo ngại: “Điều khiến tôi kinh ngạc là theo thời gian, các vấn đề chính trị và thương mại được ưu tiên hơn sức khỏe cộng đồng".
Kabwe gặp khó khăn về kinh tế khi mỏ đóng cửa vào năm 1994, cũng như các ngành công nghiệp khác ngay sau đó.
Ngày nay, những người đàn ông và phụ nữ thiếu tiền vẫn lẻn vào các khu mỏ và mỏ đá bị bỏ hoang để khai thác quặng chì từ quặng đuôi cũ để bán. Kết quả là, trong khi việc khai thác chì công nghiệp đã kết thúc ở Kabwe, việc khai thác và chế biến khoáng sản bất hợp pháp và thủ công vẫn tiếp tục khiến cư dân tiếp xúc với các chất gây ô nhiễm.
Các công ty vẫn vận hành những cỗ máy thổi khí thải độc hại vào bầu khí quyển. Một đống chất thải hàng triệu tấn cao 100 ft lấp ló khung cảnh gần khu mỏ cũ. Được biết đến với cái tên 'Ngọn núi đen', bãi rác vẫn là một trong những nguồn chính gây ô nhiễm chì.
Trẻ em ở Kabwe có lượng chì trong máu cao hơn trung bình hơn 20 lần so với trẻ em ở Flint, Michigan, trong thời kỳ đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng nước.
Richard Meeran, một đối tác và là người đứng đầu Bộ phận Quốc tế của Leigh Day nói: “Đây là vụ nhiễm độc chì lớn mà những đứa trẻ ở Zambia đã phải gánh chịu".