Thời gian gần đây, nhiều tỉnh - thành có số ca mắc bệnh tay chân miệng (TCM) tăng vọt, trong đó có không ít số ca bệnh nặng. Theo nhận định của các chuyên gia y tế, bệnh này đang có nguy cơ bùng phát thành dịch tại khu vực phía Nam.
Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận gần 17,5 nghìn trường hợp mắc bệnh TCM, tăng 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, có 4 trẻ mắc TCM đã tử vong ở Kiên Giang, Long An và An Giang. Trong 3 tháng vừa qua, tình trạng số mắc tăng cao xảy ra cục bộ tại các tỉnh thành phía Nam như TP HCM, Đồng Nai, Long An, Đồng Tháp, An Giang.
Tại TP HCM bệnh TCM có nguy cơ bùng phát với xu hướng gia tăng các ca bệnh có biến chứng nặng giống như đợt dịch TCM vào năm 2011. Bác sĩ Lê Hồng Nga- Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM cho biết, số ca mắc TCM tại thành phố từ năm 2014 đến năm 2020 giảm nhiều so với giai đoạn năm 2011-2013. Trong vòng 6 năm qua, thành phố không có ca TCM tử vong. Tuy nhiên trong 3 tháng đầu năm 2021, số ca bệnh TCM đã tăng gần gấp đôi so với trung bình cùng kỳ từ năm 2017-2020. Đáng lưu ý số ca bệnh TCM nặng (độ 2B trở lên) đang có khuynh hướng gia tăng. Thông tin từ Khoa Nhiễm thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1, số ca mắc TCM nhập viện trong tuần qua tăng so với những tuần trước. Trong đó có nhiều ca mắc độ 3 và độ 2B phải nằm phòng cấp cứu với một số biến chứng như giật mình, tăng huyết áp,…
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Nai cho hay, từ đầu năm đến trung tuần tháng 4/2021, trung tâm ghi nhận hơn 1,8 nghìn trường hợp mắc TCM, tăng gần 1,5 nghìn trường hợp so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, các huyện Cẩm Mỹ, Trảng Bom, Xuân Lộc và thành phố Biên Hòa là những địa phương có nhiều ca mắc. Riêng thành phố Biên Hòa có số ca mắc cao nhất với hơn 700 ca, tiếp đó là huyện Trảng Bom với hơn 350 ca.
Trước tình hình số ca mắc TCM tăng cao, ngành y tế tỉnh Đồng Nai tổ chức chiến dịch khử trùng tại 11 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Đồng thời đồng thời thực hiện truyền thông, phát tờ rơi, khuyến khích người dân tích cực tham gia công tác phòng chống bệnh TCM…
Tại TP HCM cũng tổ chức tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn của nhân viên y tế phụ trách công tác phòng, chống dịch. BS Nguyễn Hữu Hưng- Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM cho biết: “Trong thời gian tới, ngành Y tế thành phố sẽ tăng cường hơn nữa các hoạt động truyền thông đến người dân về dịch bệnh TCM, tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn cho nhân viên y tế, rà soát lại cơ số vật tư y tế để đối phó nguy cơ bùng phát dịch TCM. Bên cạnh đó, ngành y tế sẽ phối hợp với ngành giáo dục nhằm tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh TCM trong trường học”.
Theo các chuyên gia y tế, TCM là một bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là các bé dưới 5 tuổi. Bệnh có khả năng tự khỏi sau 5-7 ngày. Tuy nhiên, nếu không được chữa trị đúng cách bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong. Đặc biệt, bệnh TCM có tốc độ lây lan nhanh, dễ thành dịch, thời điểm dịch bùng phát tháng 3-5 và từ tháng 8-9 hàng năm.