Bệnh viện quá tải bệnh nhân sốt xuất huyết

Tâm Luân 07/10/2015 05:10

Ngày 6/10, đoàn công tác của Bộ Y tế do Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu chủ trì kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết (SXH) tại TP HCM. Tại đây, lãnh đạo một bệnh viện (BV) cho biết, tình hình dịch bệnh SXH đang tăng cao nên nhiều BV rơi vào tình trạng quá tải.

Bệnh viện quá tải bệnh nhân sốt xuất huyết

Bệnh nhân sốt xuất huyết nằm điều trị tại BV Nhi Đồng 2.

SXH tăng cao

Tại BV Nhi đồng 2, BS Trịnh Hữu Tùng - Phó Giám đốc BV cho biết, bệnh SXH khám và nhập viện và số ca bị nặng cũng cao hơn so với năm 2014. Riêng trong tháng 10 này số ca tăng 100% so với cùng kỳ. Từ đầu năm đến nay có 6.629 trường hợp khám ngoại trú mắc SX, trong đó có 2.832 ca điều trị nội trú. BV ghi nhận 5 trường hợp tử vong và 2 bệnh nhi bị nặng xin về.

Hiện tại, Khoa Nhiễm BV Nhi đồng 2 có 103 bệnh nhi bị SXH đang điều trị nội trú với 7 ca nặng có dấu hiệu cảnh báo phải điều trị tích cực. Với mong muốn chủ động phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch SXH, BV Nhi đồng 2 đã xây dựng kế hoạch tiếp nhận, điều trị và phòng chống bệnh cho tất cả các khoa, trọng tâm vẫn là khoa Khám bệnh và khoa Nhiễm.

Tương tự, tại BV Nhi đồng 1, trong tháng 8 trung bình mỗi tuần chỉ có 40 bệnh nhân nhập viện. Nhưng vào đầu tháng 9 trung bình mỗi tuần có 150 bệnh nhân nhập viện. Đến nay, số ca mắc bệnh đã tăng gấp đôi, nghĩa là có khoảng 300 bệnh nhân nhập viện/ tuần. Đến thời điểm này BV đã ghi nhận 3 ca tử vong do SXH.

Nói về số ca SXH ở người lớn, bác sĩ Châu, BV Nhiệt Đới khẳng định, số ca bệnh SXH người lớn đang tăng trên SXH trẻ em gần 50%. Người lớn sốc ít nhưng chảy máu nhiều, có nhiều trường hợp suy gan và suy tim.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, trong thời gian gần đây số ca mắc SXH liên tục tăng và lan rộng ra các quận huyện. Tính đến ngày 1/10 toàn thành phố có số ca mắc nhập viện cộng dồn 10.624 ca, tăng 80% so với cùng kỳ năm 2014. Từ đầu năm đến nay toàn thành phố ghi nhận 5 ca tử vong (2 trẻ em, 3 người lớn). Trong đó có 13/24 quận huyện có số ca mắc cao hơn tỷ lệ chung của thành phố.

“Số ca nhập viện bắt đầu tăng từ tuần 27 và duy trì 600 ca/tuần ở tuần 40 và có xu hướng tiếp tục tăng thêm trong thời gian tới. Số ca mắc SXH tập trung nhiều ở quận huyện Bình Tân, Thủ Đức, Bình Chánh, Q.8... Hiện dịch đang ở mức cảnh báo nhưng chưa qua được ngưỡng báo động dịch”, BS Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM thông tin.

Quá tải vì SXH

Chính vì số ca SXH tăng cao cùng các bệnh khác nên một số BV rơi vào tình trạng quá tải nặng. BS Lê Thị Bích Liên - Phó Giám đốc BV Nhi đồng 1 cho biết: “Trong năm 2015, dịch bệnh SXH sẽ diễn biến phức tạp vì rơi vào chu kỳ 3 tới 5 năm/ lần. Ai cũng có thể bị SXH không riêng gì trẻ em mà người lớn cũng có nguy cơ. Hiện nay bệnh viện đang trong tình trạng quá tải, BV đã bố trí thêm 150 giường và tận dụng thêm hành lang để cho trẻ nằm điều trị”.

Theo BS Liên, BV quá tải một phần là do tâm lý người nhà muốn đưa con lên tuyến trên để an tâm điều trị. Số bệnh nhân điều trị tại BV chiếm 65% là bệnh nhân từ tỉnh lên. Thực tế có nhiều BV tuyến dưới có thể điều trị tốt.

Bàn về biện pháp quá tải khi tình hình dịch bệnh gia tăng cao, bác sĩ Đỗ Châu Việt - Trưởng Khoa Nhiễm BV Nhi đồng 2 băn khoăn, làm sao đó có thể lọc bệnh ở phòng khám tránh tình trạng nhiễm chéo. Đồng thời, tuyên truyền giúp người dân hiểu rõ về bệnh để tránh đưa bệnh nhân đến quá sớm gây tình trạng quá tải cho BV. Bệnh SXH có thể điều trị ở tất cả các tuyến. Khi nào quá khả năng BV tuyến dưới sẽ chỉ định chuyển lên BV tuyến trên.

Phát biểu tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế Trần Đắc Phu ghi nhận những nỗ lực trong công tác phòng chống dịch SXH trên địa bàn TP HCM nói chung và các BV nói riêng. Trong đó, công tác điều trị tốt đã giảm được tỉ lệ tử vong do bệnh SXH gây ra. Song, theo ông Phu, các BV cần tập trung điều trị tốt sẽ giảm được tử vong cho bệnh nhân. Muốn vậy, đòi hỏi phải xem lại tình hình bệnh nhân nặng – nhẹ chuyển biến như thế nào để rút kinh nghiệm.

“Về vấn đề quá tải trong mùa dịch bệnh này, mặc dù BV đã tăng thêm giường ở ngoài hành lang nhưng cần có biện pháp hữu hiệu giảm tình trạng lây nhiễm chéo. Những ca nhẹ có thể điều trị ở tuyến dưới. Đặc biệt, cần tập huấn cho tuyến dưới để cho bệnh nhân yên tâm điều trị. Đầu tư thêm trang thiết bị như: máy thở, lọc máu, truyền dịch... để kịp thời điều trị, giảm tỉ lệ tử vong”, ông Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Theo ông Trần Đắc Phu, đến thời điểm này trên cả nước có 40.000 mắc SXH, trong đó có 28 trường hợp tử vong thấp hơn so với năm 2013 (42 tử vong/ 66.000 ca mắc). Dự báo về tình hình dịch bệnh ông Phu khẳng định, dịch đang diễn biến phức tạp, kéo dài trong thời gian tới. Dịch không bùng phát nhưng lại mở rộng vùng dịch. Nếu không làm tốt công tác phòng chống thì dịch có thể tiếp tục gia tăng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bệnh viện quá tải bệnh nhân sốt xuất huyết

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO