Kể từ cuối năm ngoái, nhiều hộ nông dân trồng cây thuốc phiện ở làng Mualpi (Myanmar) bắt đầu từ bỏ trồng thuốc phiện sau khi phát hiện con cái họ bị nghiện chính loại cây mà họ trồng với mục đích nuôi sống gia đình. Người ta chợt nhận ra rằng mình đã bị mắc kẹt trong cái gọi là “nền kinh tế thuốc phiện”.
Một nông dân trên vạt anh túc dọc sườn núi ở gần Mualpi. (Nguồn: UNODC).
Thuốc phiện được bán như rau
Ở nhiều nơi trên thế giới, cụng ly đã trở thành một cách chúc mừng quen thuộc sau mỗi buổi họp thành công. Nhưng đối với một số vùng thuộc bang Chin của Myanmar, những người tham gia cuộc họp làng về phát triển nông nghiệp trước khi ra về lại chúc nhau bằng một hơi thuốc phiện.
Một hộp thiếc nhỏ đựng thuốc phiện được chuyển qua tay từng vị bô lão, từng người nông dân và thậm chí là cả nhân viên của một tổ chức phi chính phủ địa phương. Họ dùng tăm để chích ra từng mẩu thuốc phiện nguyên chất nhỏ đen kịt và… nuốt nó.
Một hộp thiếc đầy thuốc phiện thô được bán giá 4 USD ở bang Chin của Myanmar.
Tại đây, những hộp thuốc phiện như vậy được bày bán như rau quả ngoài chợ. Với giá chỉ 4 USD, bất cứ ai cũng có thể có được một hộp thiếc đựng đầy thuốc phiện nguyên chất và giữ nó trong túi áo như một bao thuốc lá thông thường.
Sang Phae, 36 tuổi, một nông dân gầy guộc đen nhẻm, cũng ra về từ buổi họp làng lại về nhà để tiếp tục chăm sóc cửa hàng tạp hóa nhỏ của gia đình cùng một khoảnh nhỏ diện tích trồng cây anh túc ngay phía sau nhà.
Năm hơn mười tuổi, Sang Phae đã từng cất công sang tận Thái Lan để học cách trồng cây anh túc và bỏ ra ngót nghét hơn chục năm ròng ở nơi đất khách quê người để nắm được hoàn toàn các kỹ thuật canh tác loại cây này. “Vào thời điểm đó, kỹ thuật canh tác loại cây này là điều mà ai trong làng cũng muốn nắm được. Đó là thời kỳ mà sản phẩm từ cây anh túc được thu mua rất nhiều”- Sang Phae nhớ lại.
Nằm trên một sườn núi dốc, Mualpi ngày nay là một ngôi làng chỉ gồm 175 hộ dân, nhìn thẳng ra con sông Manipur ở khu vực Tây bắc Myanmar. Các hộ dân ở đây đã trồng loại cây này từ lâu để tìm kiếm lợi nhuận. Nhưng cùng với những đồng tiền thu về lại là những bị kịch hết sức đau đớn.
“Chúng tôi cũng muốn ngừng trồng loại cây ma quái này sớm nhất có thể”- Nang Wan, 23 tuổi, một người dân làng Mualpi, vừa trông con vừa nhìn người chồng lấy nhựa anh túc, nói. Bởi hơn ai hết, họ chính là người thấu hiểu nỗi đau và sự tàn phá của nó.
Những kẻ buôn thuốc phiện thường đến tận nơi để gom hàng, trong khi nếu là các sản phẩm nông nghiệp khác, người nông dân phải tự mang ra chợ để bán kiếm tiền. Lợi dụng sự nghèo khổ và bất tiện của các cộng đồng dân cư sống ở khu vực núi non hiểm trở, một số kẻ buôn thuốc phiện thậm chí còn cung cấp tiền để nông dân trồng thuốc phiện cho chúng. Điều đó làm cho người dân không sao thoát khỏi được vòng xoáy của sự đau khổ.
Sang Phae quyết định từ bỏ cả đồng thuốc phiện trên núi sau khi con bị nghiện.
Hỏng cả một thế hệ
Hai người con trai của Sang Phae đã bị nghiện thuốc phiện nặng trong suốt 3 năm nay, điều khiến ông rất đau lòng. Dù mới ở độ tuổi chưa đến đôi mươi, nhưng hai đứa con trai của ông gần như mất hết sức lao động và hàng ngày chỉ làm một số công việc vặt như trông coi cửa hàng tạp hóa và… hút thuốc phiện.
“Điều này khiến tôi rất đau lòng. Tôi học cách trồng anh túc như một cách để nuôi sống gia đình mình, nhưng bây giờ nó lại chính là loại cây hủy hoại các con tôi”- Sang Phae nói.
Từ cuối năm 2014, Sang Phae đã bắt đầu bỏ vạt anh túc rộng mà ông trồng trên sườn núi và chỉ giữ lại một mảnh vườn sau nhà để canh tác, bán lấy chút tiền trang trải cuộc sống cho gia đình. Hai người con được ông chuyển đến một trại cai nghiện ở thị trấn lân cận Tonzang.
Không chỉ Sang Phae, rất nhiều hộ nông dân trồng anh túc trong làng cũng có con cái là nạn nhân của “nàng tiên nâu” và họ đều phải gửi con đến trại cai nghiện này.
“Có nhiều người dân trong làng đã từ bỏ hẳn cây anh túc vì con em trong nhà bị nghiện. Giờ có người làm thợ mộc, có người đi làm thuê…nhưng không thay đổi được thực tế đau đớn ấy”- Sang Phae nói.
Tuy nhiên, để cấm thứ mặt hàng này lại càng khó khi cung và cầu cứ thế đẩy ngành kinh doanh béo bở này lên một tầm cao mới; trong khi tình trạng xung đột và tham nhũng cũng tạo điều kiện cho ngành kinh doanh này. Thuốc phiện được trồng chủ yếu ở các vùng núi tách biệt, nơi cuộc xung đột giữa lực lượng phiến quân và chính phủ diễn ra liên miên, nên rất khó để các lực lượng hành pháp thắt chặt kiểm soát.
Thật đáng lo ngại là cho đến khoảng thời gian cuối thế kỷ 20, các khu vực miền núi của Myanmar, một phần của khu vực Tam giác vàng gồm cả Lào và Thái Lan, trở thành địa chỉ cung cấp ma túy lớn. Chỉ mãi đến sau này, Afghanistan mới chiếm được ngôi đầu bảng tai tiếng này.
Một nguyên nhân được cho là dẫn đến “sự trỗi dậy” của những “cánh đồng anh túc” đó chính là sự đói nghèo. Xếp hạng 150 trên tổng số 187 quốc gia trong Báo cáo Phát triển Con người của LHQ, Myanmar là một trong những nước nghèo nhất ở khu vực châu Á. Vấn nạn nghèo đói càng trầm trọng hơn ở các khu vực miền núi của nước này, do thiếu sự đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và nông nghiệp.
“Nông dân coi việc trồng thuốc phiện như cách để đảm bảo thu nhập và nuôi sống gia đình”- Tom Kramer, thuộc Viện Xuyên quốc gia (TI) một tổ chức Hà Lan chuyên báo cáo về sản lượng và mua bán thuốc phiện ở Đông Nam Á, cho hay.
Tuy nhiên, Chính phủ Myanmar cũng như chính quyền địa phương khu vực “Tam giác vàng” đã có nhiều biện pháp mạnh mẽ để xóa bỏ cây anh túc. Nhưng, nói như Tom Kramer thì quan trọng hơn và bền vững hơn để giải quyết vấn nạn này là phải có ngày càng nhiều những người như Sang Phae, khi tự nhận ra rằng chính mình đã làm hại con mình, chỉ vì trồng loại cây ma quái đó.