Từ thực tế còn nhiều bất cập, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên kiến nghị Quốc hội xem xét cho Thành phố chủ động xây dựng, một số chính sách nhằm phát huy các nguồn lực cho giáo dục và đào tạo.
Ngày 27/3, ông Trần Thanh Mẫn, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội làm Trưởng đoàn công tác đã có buổi giám sát, làm việc với TP HCM về thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH 14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Tham gia cùng đoàn có ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Nguyễn Đắc Vinh - Uỷ viên Trung ương Đảng, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Công tác đại biểu.
Tiếp đoàn giám sát, lãnh đạo TP HCM có ông Nguyễn Văn Nên, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí Thư Thành uỷ TP HCM; ông Phan Văn Mãi, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP HCM và các đại diện lãnh đạo HĐND, Uỷ ban MTTQ; lãnh đạo các sở, ban, ngành của thành phố.
Bám sát chương trình đổi mới giáo dục
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên cho biết, thành phố luôn có ý thức trách nhiệm cao trong thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện, chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo.
Bình quân mỗi năm, thành phố tăng khoảng 200.000 dân, trong đó tăng trên 40.000 học sinh. Cùng với đó, Thành phố còn chăm lo cho người dân ở các địa phương khác đến Thành phố học tập, sinh sống.
Thực tế đó đặt ra nhiều thách thức đối với thành phố trong thực hiện công tác giáo dục và đào tạo, trong đó nhu cầu về đội ngũ giáo viên cũng như cơ sở vật chất ngày càng tăng. Vì thế, thành phố cần tính toán kế hoạch dài hạn để có đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu thực tế, với chế độ chính sách thu hút phù hợp; cùng với đó nỗ lực trong việc giảm sĩ số học sinh/lớp.
Báo cáo tại hội buổi làm việc, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho hay, trong 3 năm qua, các cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố đã triển khai đầy đủ, kịp thời văn bản chỉ đạo từ các cấp về thực hiện 2 nghị quyết nêu trên. Theo ông Đức, việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông được triển khai đúng lộ trình, bám sát chủ trương đổi mới giáo dục và các văn bản chỉ đạo của các cấp. Quá trình thực hiện nghiêm túc, đảm bảo theo hướng dẫn chuyên môn của Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM.
Trong khi đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, phù hợp nhu cầu sử dụng. Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố sớm thực hiện rà soát các điều kiện, chủ động tham mưu cho UBND Thành phố chuẩn bị và đáp ứng các điều kiện về đội ngũ, cơ sở vật chất, kinh phí triển khai chương trình, sách giáo khoa mới.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức, cũng thời gian qua, do dịch bệnh Covid-19 nên ngay từ khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông đối với lớp 1, việc tập huấn sử dụng bộ sách giáo khoa và dạy học luôn phải thay đổi hình thức vừa trực tuyến vừa trực tiếp đã gây trở ngại, khó khăn cho giáo viên. “Giáo viên phải nhanh chóng thích ứng, tự trau dồi bổ sung những nội dung liên quan đến chương trình; đồng thời linh hoạt thay đổi từ hình thức giảng dạy trực tiếp sang trực tuyến. Do đó, ban đầu giáo viên cũng còn lúng túng”, ông Đức nói.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đánh giá cao những kết quả về giáo dục và đào tạo Thành phố đã đạt được. Trong đó, ông Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh đến một số thành tựu như: Thành phố triển khai các nền tảng số để cung cấp các hình thức dạy học trực tuyến, mô hình “Trung tâm Điều hành giáo dục thông minh thành phố”, bài học trực tuyến bám sát Chương trình giáo dục phổ thông theo yêu cầu, thực hiện mô hình “Trường học không tiền mặt”.
Ngoài ra, thành phố còn tổ chức Chương trình gặp gỡ, đối thoại với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, học sinh để động viên, lắng nghe, qua đó tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho ngành giáo dục.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cũng đặt ra một số vấn để lãnh đạo TP HCM giải quyết, chẳng hạn như: Thành phố đánh giá các mục tiêu đạt ở mức độ nào? Thực tiễn việc thực hiện các nội dung đề ra như thế nào tại thành phố?
Chú trọng đến phẩm chất, tư duy người học
Với mong muốn để TP HCM tiếp tục thực hiện tốt và hiệu quả hơn nữa Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam mong muốn, TP HCM cần chỉ rõ và đánh giá sâu, toàn diện hơn về những khó khăn, bất cập trong việc thực hiện để từ đó có những đề xuất, kiến nghị cụ thể hơn nữa với Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan Trung ương.
Thành phố tiếp tục quan tâm việc đào tạo, tuyển dụng để sớm khắc phục tình hình thiếu hụt giáo viên trong các cơ sở giáo dục công lập. Đẩy mạnh bồi dưỡng, tập huấn để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên dạy các môn học tích hợp. “Đồng thời, thành phố nghiên cứu để có kế hoạch hỗ trợ phù hợp cho lực lượng giáo viên khi dạy 2 buổi/ngày. Đây là những yếu tố quyết định đến thành công của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 vì đội ngũ giáo viên là 1 trong 4 thành tố chủ yếu của giáo dục”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nêu vấn đề.
Ông Đỗ Văn Chiến đặc biệt nhấn mạnh đến việc Thành phố cần phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò giám sát của Hội đồng nhân dân và Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố. “Hai cơ quan này cần tập trung giám sát việc thực hiện các nội dung đổi mới được nêu trong Nghị quyết 88 để đánh giá tiến độ, hiệu quả việc triển khai, từ đó kịp thời chỉ ra những khó khăn, vướng mắc, bất cập để kiến nghị các cấp có thẩm quyền giải quyết”, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến gợi ý.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, ông Trần Thanh Mẫn đề nghị UBND TP HCM và Đoàn giám sát nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu tối đa các ý kiến phát biểu, nhất là ý kiến của đồng chí Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam và Bí thư Thành ủy TP HCM.
Ông Trần Thanh Mẫn đề nghị, thành phố cần rà soát, đánh giá quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục trên địa bàn để xem xét, điều chỉnh đáp ứng nhu cầu người học theo. Kết hợp với nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, công tác quản lý nhà nước, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường tự chủ gắn với tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục.
Đổi mới quản trị nhà trường theo hướng tinh gọn, hiện đại, minh bạch; mở rộng hợp tác với các đối tác quốc tế; tạo điều kiện cho các nhà giáo, chuyên gia nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giảng dạy tại các trường học trên địa bàn Thành phố. “Thực hiện Phong trào thi đua đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập; coi thi đua là động lực để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đáp ứng yêu cầu đổi mới hiện nay”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.