Biết cách đi vòng

Y BAN 13/07/2023 09:16

Chị đến với văn chương muộn và viết cũng không nhiều, đã in 3 tiểu thuyết: “Lời cuối cho em”, “Kẻ mắc chứng điên”, “Phố Hoài”...

“Bảy mươi bạn vẫn vẽ

Trời trao cho bút thần

Tranh vẽ đắt đến thế

Đủ nuôi chữ, nuôi thân

“Phố Hoài” thật xuất sắc

Luyện chữ cả mười năm

Bạn đọc cứ tấm tắc

Đồng nghiệp thì phục lăn

Sống lại thời bao cấp

Nhiều bạn đọc ngỡ ngàng

Chỉ tội tốn nước mắt

Ướt nhòe vài chục trang

Sống lại thời khốn khó

Chi tiết đến khôi hài

Giường cưới đêm đám cưới

Là gỗ đóng quan tài

Sách sốt thời đại sốt

Nên tác phẩm xứng tầm

Phần thưởng là phần thưởng

Độc giả trao âm thầm

Bạn có nhiều phẩm chất

Ông trời đã công bằng

Cho bạn làm họa sĩ

Cho bạn làm nhà văn”.

(Đoàn Thị Lam Luyến)

Nhà văn Trần Thị Trường qua nét ký họa của họa sĩ Hải Kiên.

Nếu ai đã chơi lâu với nhà văn Trần Thị Trường chỉ cần đọc bài thơ này hẳn đã nhận ra sự tài hoa của nhà thơ khi khắc họa chân dung rất ra chất của bạn mình, phải tri âm tri kỷ lắm mới viết được thế. Một thế hệ các anh chị văn chương tài hoa đã vào tuổi xưa nay hiếm nhưng vẫn chơi bền bỉ, hiểu nhau và cùng chia sẻ.

Tôi bậc đàn em với nhà văn Trần Thị Trường. Năm 1989 khi chúng tôi chân ướt chân ráo bước vào văn chương thì “Lời cuối cho em” đang nổi đình nổi đám trên thị trường. Lãnh địa văn chương lạ lắm, nó không phải kiểu như các cụ hay nói: “Quen sợ dạ, lạ sợ áo quần”. Áo quần không là gì nhưng tiếng tăm (văn chương) của nhà văn khiến người mới mon men vào lãnh địa khiếp đảm, quen rồi thì (dạ) đáng yêu vô cùng dù có những người cứ gặp là như hành bắn vào mắt cay xè. Khi ấy nhà văn Trần Thị Trường xinh đẹp và giàu có. Chị ở tây về, rồi làm bầu sô những đêm nhạc quy mô lớn. Rồi chị làm báo, vừa làm hai, ba tờ báo vừa làm bầu sô. Từ lúc chơi với chị tôi chưa thấy khi nào chị chỉ làm một việc.

Chị đến với văn chương muộn và viết cũng không nhiều, đã in 3 tiểu thuyết: “Lời cuối cho em”, “Kẻ mắc chứng điên”, “Phố Hoài”. 4 tập truyện ngắn: “Hoa mưa”, “Thời gian ngoảnh mặt”, “Tình như chút nắng”, “Em khóc cho giời mưa to hơn”. Và một tập 60 gương mặt nghệ sĩ. Nhưng mỗi tác phẩm đều được chị ấp ủ và dành nhiều tâm huyết. Ví như “Phố Hoài” chị đã viết đi viết lại có những lúc đã hoàn thành rồi nhưng chưa ưng chị lại phá ra, cho đến 10 năm mới ra mắt được bạn đọc. Và điều tất yếu, khi “Phố Hoài” ra đời đã gây được tiếng vang trong bạn đọc. Không chỉ tiểu thuyết phải “trường kỳ mai phục” để găm con chữ, để chuyển tải tư tưởng trên trang giấy mà trong truyện ngắn chỉ là một lát cắt nhỏ gọn vài nghìn chữ chị cũng phải trau chuốt để tác phẩm hoàn hảo nhất có thể.

Cho dù cả viết và vẽ chỉ là cuộc chơi nghệ thuật, kiếm tiền ở đó là rất nhọc nhằn. Nhưng có chơi thì cũng phải chuyên nghiệp, phải dụng công.

TRẦN THỊ TRƯỜNG

Chị tâm sự về nghề viết: Viết với mình là nhu cầu tự thân, muốn cất tiếng với chính mình với bè bạn và cuộc sống rằng, dù công bằng là điều khó có nhưng im lặng trước bất công thì lương tâm cắn rứt.

Trải qua nhiều nghề từ lao động xuất khẩu, bầu sô, làm báo, bản quyền… sắp chạm tuổi 70 chị quay về với đam mê thuở ban đầu, vẽ.

Họa sĩ Trần Thị Trường tâm sự về nghề vẽ: Vẽ thì gần như ngược lại với viết văn. Vẽ tựa như được thiền. Dù cảm hứng dạt dào bao nhiêu thì tâm vẫn thiền. Vẽ là phản ánh cái đẹp mà mình “bắt” được. Mình muốn reo lên, muốn bày ra cho mình ngắm, và cho mọi người thấy. Cho dù cả viết và vẽ chỉ là cuộc chơi nghệ thuật, kiếm tiền ở đó là rất nhọc nhằn. Nhưng mình cho rằng có chơi thì cũng phải chuyên nghiệp, phải dụng công. Mình học Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp khóa 1973 - 1978, chưa tốt nghiệp nhưng mình đã ý thức về sự chuyên nghiệp từ hồi đó nên mình bỏ cuộc (do đời sống gia đình quá khó khăn, muốn chuyên nghiệp phải học nhiều, học kỹ và phải có tài). Đến năm 2019, mình cảm giác có thể quay lại với hội họa, mình tìm thầy giỏi học lại rồi mới hành nghề.

Văn học cũng vậy. Cuốn đầu tay: “Lời cuối cho em” tương đối thành công do vốn sống đầy ắp. Nhưng những cuốn sau đó, không được như ý vì nhiều lý do...

Chị làm nhiều và cũng chơi nhiều. Năm 2005 chúng tôi có dịp cùng nhau đi Mỹ theo lời mời của Bộ Ngoại giao Mỹ. Chuyến đi có sự cố khiến chúng tôi phải lang thang hơn ngày giời cả trên trời lẫn dưới đất. Đoàn 10 nhà báo cử chị làm “mama tổng quản”, mua quà lưu niệm, ghi chép chi tiêu… Tôi kém chị cả chục tuổi mà theo chị không kịp, chị đi bộ phăm phăm không bỏ một buổi làm việc nào. Tối về còn ghi ghi chép chép. Ngày cuối cùng tôi bị tiền đình, bụng bảo dạ, chắc chả về được rồi, đi còn chẳng vững thế này. Cả đoàn cùng lo lắng cho tôi. Chị Trường bình tĩnh cạo gió cho tôi, tiền đình thì cũng do gió nhập tâm. Xong rồi chị lôi từ ngăn bí mật trong va li của chị một chai nhỏ, chị rót khoảng 10ml kề vào miệng tôi nói, nhắm mắt nhắm mũi nuốt ực đi. Rượu mạnh xộc lên mũi khiến tôi sặc nhưng kỳ lạ ho xong thì hết tiền đình, lại nguây nguẩy đi lại. Chị nhủm mỉm cười, rượu mật gấu đấy. Chị luôn mang theo thuốc để cứu bạn nhưng đôi khi lại quên mang thuốc cho mình. Năm 2020 chúng tôi cùng đi trại sáng tác tại Đà Lạt đúng vào thời điểm “thành phố buồn” mưa tầm tã và lạnh cóng. Ngoài tư trang chị mang một túi du lịch nặng trịch quà vào cho bạn, nào đồ ăn đồ uống, áo mũ chống lạnh và cả máy khâu cầm tay…

Nhà văn Trần Thị Trường bên giá vẽ.

Ở chị có các cặp phạm trù đối nghịch vừa đáng yêu vừa buồn cười. Chị rất hào sảng với bạn bè nhưng lại khắt khe với bản thân, cũng trong chuyến đi Đà Lạt tôi chứng kiến chị rút phắt ra 3 triệu đồng khi một cô em bị mất tiền, vậy mà đôi giày của chị bị bong đế chị lại không nỡ gọi taxi, chị đi xe máy dầm mưa ra chợ Đà Lạt để khâu đế giày. Hậu quả chị bị cảm nặng, lên cơn khó thở mà không có thuốc. Chị gọi cho tôi, máy điện thoại trục trặc. Chị cố gắng hít từng ngụm khí nhỏ lê bước ra lễ tân nhờ gọi taxi đưa đi cấp cứu. Ở bệnh viện về chị cười tỉnh bơ, tớ suýt chết. Hoặc có hôm hai chị em đi dự tiệc chia tay về, đêm đã khuya cụ 70 lọ mọ đèo cụ 60 bằng xe máy…

Chị không thiếu tiền, con cái lại thành đạt nhưng tiền của chị nó cứ nhảy nhót ra khỏi túi vì bạn bè văn chương của chị có nhiều người còn khốn khó. Trước khi chị bị ốm tôi đến thăm studio của chị cùng con gái. Chị cặm cụi nướng thịt rán cá thết đãi hai mẹ con. Đã đến nhà chị là phải ở lại ăn cơm chị mới vui. Chị cười rểnh rang khoe:

- Y Ban biết không hai cuộc triển lãm của tớ tranh tớ bán gần hết, gần 500 triệu nhớ.

- Oài đáng mơ thật đấy.

- Nhưng tớ chỉ còn khoảng 100 triệu cho bản thân. Sức khỏe bết bát quá.

- Sao ạ, em không hiểu?

- Thì lại cho bạn vay mà vay khó đòi đấy.

Lại cười rất tươi, không một lời ta thán.

Rồi chị ốm, ốm rất nặng. Chúng tôi hay tương tác trên Facebook, chỉ đến khi chị chiến thắng bệnh tật về nhà chị mới viết qua qua về bạo bệnh. Cũng có chút tủi thân vì bạn bè dường như vô tình với chị. Tôi thì vẫn nghĩ chị bị bệnh phổi vì phổi chị vốn kém, giống như lần ở Đà Lạt. Để hôm rồi gặp thấy tóc chị bạc trắng. Chị bảo, sáng nay huyết áp lại tăng suýt không đi được, 12 lần truyền hóa chất, 30 mũi xạ nguy hiểm thật. Tim tôi bỗng ngưng vài nhịp đập.

“Cuộc đời vốn như thế từ ngàn năm, cứ đọc Kinh Thánh thì thấy, chả bao giờ dễ dàng. Nhà văn hay bất cứ ai phải chấp nhận như nó vốn thế. Tuy nhiên, mình cũng là người dễ tính, vừa cam chịu vừa biết cách đi vòng nên mình có nhiều bạn bè, nhiều cơ hội để có được một đời sống dễ chịu. Mình quý người, yêu người vì mình thích nhìn vào mặt hay của họ thì họ cũng chả nỡ ghét mình”.

Một triết lý sống quá giản dị và nhiều năng lượng tích cực, có lẽ cũng vì thế mà nhà văn Trần Thị Trường đã vượt được qua các thời khắc sinh tử để tiếp tục sống, viết và vẽ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Biết cách đi vòng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO