Tinh hoa Việt

Bình dị Ngô Văn Phú

PHÙNG VĂN KHAI 30/06/2024 06:44

Không hiểu tại sao, với lứa nhà văn 7x chúng tôi, dù luôn may mắn được gặp các bậc đa đề giới văn học nghệ thuật mà nhiều khi các vị lừng danh ấy đã đi về chốn vô cùng chúng tôi mới giật mình tìm hiểu lai lịch càng giật mình hơn khi biết được các cụ ấy từng có thời gian công tác ở cơ quan mình. Thật là có lỗi với các cụ, nhưng cũng chỉ biết vò đầu bứt tai đợi dịp thắp nén hương thơm mà tạ tấm lòng thành với các cụ.

Nhà thơ Ngô Văn Phú là một người như vậy!

nvp.jpg
Nhà thơ Ngô Văn Phú (1937-2022).

Đã từ rất lâu, khi tôi mới chập chững vai phóng viên Truyền hình Quân đội nhân dân năm 1997 đến phỏng vấn các nhà phê bình Lại Nguyên Ân, Vương Trí Nhàn tại Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã được giới thiệu tới chào nhà thơ Ngô Văn Phú - Giám đốc Nhà xuất bản. Tôi thấy một vị khuôn mặt nom còn trẻ mà đầu tóc trắng tinh nho nhã thanh thoát không có mấy oai phong của đương kim giám đốc bèn chào hỏi qua loa rồi biến đi phỏng vấn các bậc sừng sỏ đang rất hot trên văn đàn.

Đến khi nhà văn Nguyễn Khắc Trường, tiếp đó là nhà văn Trung Trung Đỉnh về làm lãnh đạo Nhà xuất bản Hội Nhà văn đều một mực cung kính ông anh Ngô Văn Phú khi đó đã nghỉ bàn giao công tác chỉ chuyên tâm thơ phú giao lưu đông tây nam bắc đúng như câu thơ đã trở thành ca dao tục ngữ trên nửa thế kỉ mà nhiều bạn đọc có khi còn không nhớ tác giả là ai: “Trên trời mây trắng như bông/ Ở dưới cánh đồng bông trắng như mây/ Hỡi cô má đỏ hây hây/ Đội bông như thể đội mây về làng” (Mây và bông).

Ngay bản thân tôi, đọc những câu thơ trên trong sách tập đọc thuở 9,10 tuổi đã khăng khăng bảo là ca dao, đến mức cô giáo dạy cũng tin là thật. Một hôm gặp nhà thơ Ngô Văn Phú, tôi hỏi ông việc đó, nhà thơ cười hiền bảo chắc là cô giáo của cậu nói đúng đấy, chứ thơ gì mà nôm na dễ dàng như vậy được, tôi cũng chỉ biết cười theo.

Nhà thơ Ngô Văn Phú được điều động về Tạp chí Văn nghệ quân đội tháng 4/1966 đúng lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ ở vào giai đoạn vô cùng khốc liệt. Khi đó, ông đang công tác tại tuần báo Văn nghệ.

Ngô Văn Phú lặng lẽ nhận quân phục, nhận phòng làm việc và được phân công trực ở Tạp chí. Thời kì ấy, các nhà văn Nguyên Ngọc, Nguyễn Ngọc Tấn (Nguyễn Thi), Nguyễn Trọng Oánh, Nam Hà đã đi chiến trường B. Ở nhà là các nhà văn quân đội danh tiếng: Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Nhị Ca, Hữu Mai, Hồ Phương, Xuân Thiều… mau chóng đón những nhà văn mới đến cùng nhau công tác và sáng tác.

Ngô Văn Phú đã hòa nhập mái nhà Văn nghệ quân đội như vậy. Công việc của tòa soạn luôn được các nhà văn phân công hợp lý để có thời gian sáng tác cá nhân.

Đây là một trong những thế mạnh có tính truyền thống ở Văn nghệ quân đội. Đội ngũ Biên tập viên thơ lúc bấy giờ đã tìm kiếm và cho đăng những tác giả từ chiến trường gửi bài ra như Nguyễn Đức Mậu, Phạm Ngọc Cảnh, Lê Anh Xuân, Hữu Thỉnh, Phạm Tiến Duật... để có những số Tạp chí chất lượng phục vụ bộ đội và nhân dân, nhất là người chiến sĩ đang trực tiếp chiến đấu ở chiến trường.

Chính trong thời gian này, Ngô Văn Phú cùng Ban biên tập đã phát hiện và đăng thơ cho những cây bút mới như: Hoàng Nhuận Cầm, Lâm Huy Nhuận, Anh Ngọc, Nguyễn Duy, Vũ Đình Văn, Nguyễn Trọng Tạo, Văn Lê, Trần Mạnh Hảo… Khoảng thời gian này, Ngô Văn Phú và Xuân Sách là hai biên tập viên thơ chủ lực của Tạp chí.

Thời gian nhà thơ Ngô Văn Phú công tác ở Tạp chí Văn nghệ quân đội có lẽ là một trong những khoảng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời ông. Cũng trong khoảng thời gian này, Ngô Văn Phú có nhiều sáng tác gửi tới bạn đọc với sắc màu riêng.

Sau này, chúng tôi thống kê ông đã in 230 tựa sách nhiều thể loại: Về thơ, có "Tháng năm mùa gặt" (1978), "Đi ngang đồi cọ" (1986); về truyện ngắn, có "Thần hoàng làng" (1992), "Giấc mơ hoàng hậu" (1993); về tiểu thuyết, có "Ngôi vua và những chuyện tình" (1989), "Gươm thần Vạn Kiếp" (1991), "Ấn kiếm trời ban" (1998); truyện dài có "Uy Viễn tướng công" (2003), “Lý Công Uẩn” (2006)... Đây cũng là những cuốn sách quen thuộc từ lâu của bạn đọc.

Một điều đặc biệt quan trọng cũng là bản tính và bản lĩnh của nhà thơ Ngô Văn Phú là ông luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành bất kì nhiệm vụ gì được phân công, tuyệt không nề hà so đo tính toán. Điều này hẳn nhiên các hậu bối chúng tôi còn phải học dài.

Khi trở lại tuần báo Văn nghệ, Ngô Văn Phú dường như phát huy được đầy đủ phẩm chất và tính kỉ luật cao của người từng ở Văn nghệ quân đội. Ông phụ trách tổ thơ rồi tổ văn của báo Văn nghệ cùng với các biên tập viên lo bài vở cho từng số báo.

Ở nhà thơ Ngô Văn Phú, sự tinh nhạy về nghề và sự mềm mại, bao dung, nhường nhịn luôn khiến các bạn văn và người cùng công tác tin cậy, yêu mến và quý trọng ông. Giới văn bút ở đâu cũng đầy những cá tính khác biệt dễ dẫn đến va chạm song tuyệt nhiên chưa thấy Ngô Văn Phú to tiếng với ai bao giờ. Ông như một hiền triết lặng thầm trong khu vực công việc mà mình đảm nhận. Ngô Văn Phú hiền hậu và luôn phong quang, minh triết, hóm hỉnh như chính những vần thơ của ông: “Núi nào lại muốn vắng mây/ Mây đi nhớ núi dáng bay bồn chồn/ Mây buồn thì núi cũng buồn/ Núi có mây vờn nhìn núi ấm ngay - Tự do là tính của mây/ Đứng yên kiểu núi cũng đầy tự do/ Sắc mây thay đổi từng giờ/ Mà sao sắc núi bốn mùa cứ xanh - Trời đem em đến cho anh/ Em ưng làm núi hay giành làm mây” (Núi và mây)…

Với lứa chúng tôi hôm nay, khi thực hiện loạt bài viết chân dung về các thế hệ văn nghệ sĩ chống Pháp và chống Mỹ mới giật mình thấy đội ngũ của các cụ đã có rất nhiều cống hiến về văn học nghệ thuật cho cách mạng, góp phần làm phong phú, làm giàu đời sống tinh thần của nhân dân và người chiến sĩ. Nếu không có đời sống văn hóa tinh thần phong phú ấy, hẳn nhiên thế hệ trẻ sẽ nghèo nàn, trống rỗng và thiếu đi nền tảng căn cơ trong bước đường phát triển của mình.

CHÙM THƠ CỦA NHÀ THƠ NGÔ VĂN PHÚ:

Hoa trắng tình yêu

Không lúc nào ta không nghĩ về nhau

Những ước mơ lặng thầm

Những khát khao gần gũi

Bao năm tháng chia xa bao chờ đợi

Đã bao giờ ta được sống gần nhau

Gặp gỡ làm chi cho vơ vẩn âu sầu

Cho trằn trọc nhớ thương, thương nhớ

Khi cái thiếu tìm về nơi sẵn có

Chưa đắp bù càng thiếu vắng cô đơn

Đôi mắt em ẩn náu nỗi niềm riêng

Câu cửa miệng em mong chờ kiếp khác

Anh cũng thế cứ như người bước hụt

Nửa sống cho mình nửa biết sống cho ai

Vẫn cứ đi khắp bể rộng sông dài

Để lại phía sau lời yêu thương chưa bao giờ nói được

Để lại phía sau một tâm hồn đói khát

Để lại sau mình HOA TRẮNG TÌNH YÊU.

Mùa vàng

Có một mùa vàng toàn nón trắng,

Dáng ai in giữa cánh đồng thơm.

Bức tranh trời tạnh, say mê ngắm

Một cánh chuồn bay cũng có hồn.

Cỏ bùa mê

Cỏ ở thung xanh trên núi Tản

Không hề có gió cũng đung đưa

Ai yêu, không được yêu thương lại

Hái cỏ ngầm đem đi bỏ bùa.

Hẳn có bao người lẻn đến nơi

Trăng non, cỏ ngát một phương trời

Mỗi người chỉ được hái một lá

Và bỏ riêng cho mỗi một người.

Tôi cũng lên đây cũng sững sờ,

Cũng toan xin cỏ một nhành tơ

Đem về nhầm thả cho ai đó

Hồi hộp đêm đêm thức đợi chờ.

Một đêm, hai đêm, ba bốn đêm,

Cỏ bùa tôi bỏ đã lên men,

Cái đêm em đến trăng đưa lối,

Cỏ lại bay về núi Tản Viên...

cot-tho-img-7573.jpg
Minh họa: Hoàng Phượng Vỹ.
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bình dị Ngô Văn Phú