Bịt lỗ hổng trong các dự án PPP

Lê Anh Đức 22/04/2020 09:10

Trong những năm qua, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo hình thức đối tác công tư (PPP) đã phát huy một số hiệu quả nhất định. Song, bên cạnh đó cũng đã bộc lộ không ít bất cập, nhiều lỗ hổng trong hành lang pháp luật khiến một số cơ quan, tổ chức lợi dụng để trục lợi, gây thất thoát ngân sách nhà nước. Vậy đâu là giải pháp để bịt những lỗ hổng trong các dự án PPP?

Giảm hàng trăm năm thu phí

Nhiều năm qua những vấn đề liên quan đến các dự án BOT giao thông vấp phải sự phản ứng gay gắt của người dân. Đơn cử như BOT Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) từ ngày đi vào hoạt động (1/8/2017) liên tục bị phản đối quyết liệt từ phía người dân và lái xe. Nhiều lần trạm phải tạm dừng thu phí để tránh ùn tắc, nhưng đến nay cơ quan chức năng vẫn đang hết sức lúng túng chưa đưa ra được phương án giải quyết khả thi. Hay như trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài (TP Hà Nội) cũng đã có sự phản ứng mạnh mẽ của dư luận. Có thời điểm, hàng trăm tài xế tập trung phản đối việc thu phí vì cho rằng họ không đi tuyến tránh thành phố Vĩnh Yên nên không mua vé, dẫn đến mất an ninh trật tự tại địa phương...

Trước bức xúc của dư luận, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã phải vào cuộc thực hiện việc kiểm toán đối với một số dự án BOT giao thông. Theo Phó Chánh Văn phòng KTNN Lê Tùng Lâm, trong 3 năm (2016-2019) cơ quan này đã thực hiện việc kiểm toán đối với 84 dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT giao thông. KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 4.600 tỷ đồng (bằng 3,4% tổng giá trị được kiểm toán), trong đó có nhiều dự án có tỷ lệ xử lý tài chính lớn (11% - 13%) giá trị được kiểm toán. Trong số 84 dự án, KTNN đã kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn so với phương án ban đầu của 81 dự án là 300 năm. Dự án có thời gian giảm nhiều nhất là 13 năm 1 tháng 12 ngày.

Kiểm toán khoảng 50 dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 9.100 tỷ đồng (bằng 13,78% tổng giá trị được kiểm toán), trong đó có những dự án tỷ lệ kiến nghị xử lý tài chính rất lớn (27% - 29% giá trị được kiểm toán). Tổng thời gian thu phí mà KTNN đề nghị cắt bớt của các dự án trên lên tới 170 năm. “Nếu các dự án BOT, BT không được kiểm toán có thể dẫn tới số tiền thất thoát sẽ rất lớn. Chi phí sẽ đè nặng lên người dân, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, trong khi ngân sách nhà nước bị thiệt hại...” – ông Lê Tùng Lâm khẳng định.

Ưu tiên lợi ích doanh nghiệp?

Không ít dự án BOT giao thông không chỉ đặt ra mức phí cao, thu dài năm hơn so với vốn đầu tư, mà còn đặt sai vị trí khiến dư luận xã hội bức xúc. Chính Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cũng đã phải thừa nhận có những trạm BOT đặt chưa đúng vị trí đầu tư xây dựng của chủ đầu tư. Dù thừa nhận nhiều BOT còn có những bất cập về vị trí đặt trạm, nhưng “tư lệnh ngành” GTVT lại cho rằng khó có thể di dời những trạm thu phí này vì sẽ “vỡ phương án tài chính của nhà đầu tư”. Việc chỉ quan tâm tới lợi ích của nhà đầu tư mà chưa thực sự để tâm tới lợi ích của người dân, doanh nghiệp (những người đóng phí) của Bộ trưởng Bộ GTVT khiến nhiều đại biểu Quốc hội không thực sự hài lòng.

Cũng có ý kiến cho rằng, việc một số trạm BOT thu phí cao, dài năm, đặt sai vị trí là có vấn đề lợi ích nhóm. Song, tạm chưa bàn đến việc có nhóm lợi ích trong việc thu phí cao, đặt sai vị trí hay không. Hãy chỉ bàn đến nguyên nhân khách quan vì sao có sự “biết sai mà vẫn làm”. Theo lý giải của ngành GTVT, ở một số dự án BOT nếu đặt đúng vị trí thì số tiền thu được có thể sẽ ít hơn rất nhiều (bởi người tham gia giao thông có lựa chọn đường khác để di chuyển), khiến thời gian thu phí dài hơn tạo rủi ro cho nhà đầu tư khó thu hồi vốn. Do vậy, nếu thấy không mấy “màu mỡ riêu cua” thì sẽ ít có nhà đầu tư nào mong muốn thực hiện dự án BOT đó. Song, phần đa các ý kiến chỉ ra rằng, sở dĩ có hiện trạng thu phí cao, đặt sai vị trí... là do khi thiết kế, xây dựng dự án, cơ quan chức năng đã không đếm xỉa gì đến tác động đối với người tham gia giao thông - những người trực tiếp phải trả phí. Nói cách khác là lợi ích của người dân đã không được tính đến ngay từ khi lập các dự án BOT.

Một số đại biểu Quốc hội cho rằng, việc đặt sai vị trí BOT làm đời sống của người dân bị ảnh hưởng, người tham gia giao thông cũng bị ảnh hưởng và uy tín của chủ đầu tư cũng giảm nghiêm trọng. Tuy nhiên, khi người dân, doanh nghiệp bày tỏ bức xúc ở trạm BOT nào đó, thì sau một thời gian cơ quan chủ quản cùng nhà đầu tư quyết định giảm giá cho người dân sống xung quanh trạm thu phí. Điều này chỉ mang tính giải tỏa bức xúc tức thời, cục bộ, trên thực tế người dân muốn có giải pháp toàn diện hơn, lâu dài hơn, “chữa trị tận gốc” chứ không phải đưa ra biện pháp “sửa phần ngọn”.

Việc thực hiện các dự án BOT nói riêng và PPP nói chung là chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Song, khi lập dự án, các cơ quan quản lý nhà nước cần quan tâm hài hòa lợi ích của 3 bên: Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, chứ không thể “nhất bên trọng, nhất bên khinh”. Các dự án không thể “ép” người dân vào thế buộc phải trả phí BOT mà không được chọn. Người dân luôn sẵn sàng trả chi phí cho dịch vụ mà mình được hưởng lợi, chứ không đòi doanh nghiệp và Nhà nước cho không. Song, vấn đề là phải công khai và quan trọng là người dân được quyền lựa chọn có sử dụng dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp hay không.

Cần hoàn thiện hành lang pháp lý

Theo Phó Tổng KTNN Đoàn Xuân Tiên, hiện nhiều dự án giao thông dưới hình thức PPP trên các tuyến quốc lộ có tình trạng phí chồng phí, dẫn đến tăng chi phí vận chuyển hàng hóa cũng như sự thiếu minh bạch trong việc thu và quản lý phí... Những vấn đề trên phát sinh từ sự bất cập trong công tác quản lý. Đơn cử như việc lựa chọn nhà đầu tư chủ yếu theo hình thức chỉ định thầu, thiếu cơ chế cạnh tranh. Bên cạnh đó, các quy định về mức vốn góp của nhà đầu tư hiện còn khá thấp so với tổng chi phí đầu tư dự án. Lãnh đạo cơ quan kiểm toán cho rằng, hiện hành lang pháp lý liên quan đến các dự án PPP còn nhiều lỗ hổng có thể bị lợi dụng, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước. Dẫu vậy các dự án PPP cũng chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư quốc tế.

Ở chiều ngược lại, các nhà đầu tư cũng có những lo ngại nhất định về tính ổn định của mô hình hợp tác này, bởi các dự án PPP thường kéo dài nhiều năm. Đó là lý do nhà đầu tư thường tính thêm chi phí để đảm bảo rủi ro vào trong hợp đồng khiến tổng vốn đầu tư bị đội lên khá nhiều. Và tất nhiên khi tổng vốn bị đội lên thì các nhà đầu tư phải tính thu phí cao hơn, thời gian thu lâu hơn, cuối cùng đối tượng chịu thiệt vẫn là người dân, trong khi Nhà nước thì thất thoát ngân sách. Vậy nên theo quan điểm của các đại biểu Quốc hội, khi xây dựng các dự án PPP, cơ quan quản lý nhà nước cần xem xét kỹ lưỡng, thậm chí lấy ý kiến người dân để tạo sự đồng thuận, đảm bảo sự ổn định cho nhà đầu tư thu hồi vốn, chứ không phải tạo ra con đường độc đạo buộc người dân sử dụng để giúp doanh nghiệp thu lợi nhuận.

Không thể phủ nhận các dự án PPP thời gian qua đã có đóng góp đáng kể trong việc phát triển cơ sở hạ tầng. Song, cũng chính từ những dự án này đã nảy sinh nhiều vấn đề bất cập, chưa đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên liên quan: Nhà nước, doanh nghiệp, người dân. Theo KTNN, do khi kiểm toán các dự án PPP cơ quan này chỉ được phép kiểm toán vốn của Nhà nước nên khó kiểm soát các dự án loại này. Để nâng cao hiệu quả quản lý, chống thất thoát, lãng phí vốn đầu tư, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần thiết phải ban hành Luật PPP để thống nhất hành lang pháp lý trong đầu tư theo phương thức PPP.

Một bất cập khác là hiện chỉ có thanh tra chuyên ngành mới được thanh tra, còn thanh tra cấp tỉnh hay Thanh tra Chính phủ không được động vào dự án PPP nên cũng khó tránh khỏi tiêu cực. Để tránh vấn đề “sân sau”, lợi ích nhóm trong thẩm định, phê duyệt và triển khai các dự án PPP, cần có thêm vai trò KTNN để đánh giá, xác nhận, kết luận... nhằm tách bạch rõ ràng, cụ thể vốn của Nhà nước và vốn của nhà đầu tư cũng như kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Với lý do trên, nhiều ý kiến cho rằng, cần sớm xây dựng và ban hành Luật PPP để kiểm soát, tăng cường tính minh bạch của tất cả các khâu của dự án. Tăng cường giám sát và kiểm soát các hợp đồng dự án trên nguyên tắc tôn trọng các thỏa thuận của Nhà nước và các nhà đầu tư, nhưng đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bịt lỗ hổng trong các dự án PPP