Đây là quan điểm của PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt- Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông khi trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn kết về hai bộ sách giáo khoa (SGK) sẽ không còn được phát hành ở lớp 2 là: Cùng học để phát triển năng lực và Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục (đều của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam).
Cụ thể, PGS Đạt cho rằng việc hợp nhất bốn bộ sách giáo khoa thành hai bộ của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXB GDVN) cho thấy một điều gì đó bất thường. Hai bộ sách biến mất, hai nhóm biên soạn biến mất sau năm học đầu tiên triển khai chương trình GDPT mới ở lớp 1 đang gây ra nỗi hoang mang khá lớn trong phụ huynh, học sinh và cả xã hội nói chung. Dù không có quy định nào là phải tiếp tục có SGK lớp 2 sau khi có bộ SGK lớp 1 nhưng đây là năm đầu tiên triển khai chương trình mới, dư luận đã băn khoăn về việc thử nghiệm SGK có nhiều sạn với HS thì năm sau, thậm chí sách còn “biến mất” luôn!
Nhắc lại một trong những điểm quan trọng thể hiện trong Nghị quyết số 88 của Quốc hội là khuyến khích các nhà xuất bản, tổ chức, cá nhân biên soạn SGK, đồng thời cho phép nhiều bộ SGK được xây dựng trên cơ sở một chương trình khung thống nhất, PGS Đạt cho rằng chủ trương xã hội hóa SGK đã tạo ra cơ chế mới thúc đẩy nhiều nguồn lực trong xã hội tham gia biên soạn SGK. Nay, một đơn vị có 4 bộ SGK lớp 1 được Bộ GDĐT phê duyệt và đang sử dụng trong nhiều trường học của Việt Nam lại rút đi chỉ còn 2 bộ vậy đặt ra câu hỏi, vai trò quản lý của Bộ GDĐT ở đây ra sao?
Trước đó, để triển khai chương trình GDPT giáo dục phổ thông mới, Bộ trưởng Bộ GDĐT đã phê duyệt 5 bộ SGK lớp 1 (gồm Cùng học để phát triển năng lực; Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục; Kết nối tri thức với cuộc sống; Chân trời sáng tạo; Cánh diều) để các địa phương, cơ sở giáo dục lựa chọn đưa vào giảng dạy. Và Bộ đã không tổ chức biên soạn một bộ SGK như nhiệm vụ được giao do cả hai lần đấu thầu để tuyển chọn tác giả biên soạn SGK không thành công. Khi đó, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, việc này sẽ thuận lợi hơn cho việc phát triển xã hội hóa biên soạn SGK, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các NXB.
“Câu hỏi đặt ra hiện nay là nếu chỉ còn lại một, hai bộ sách tham gia biên soạn và được Bộ GDĐT phê duyệt ở các khối lớp sau này như 3, 4, 5, 7, 8, 9, 10, 11, 12… thì Bộ có tổ chức biên soạn hay không? Không thể để học sinh không có sách học, giáo viên không có sách học”- PGS Đạt đặt vấn đề.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT cũng cho rằng để chủ trương xã hội hóa SGK không bị đứt gãy thì không thể chỉ trông chờ vào các NXB mà cũng cần có các cơ chế khuyến khích, ưu tiên các NXB, cá nhân, tổ chức tham gia vào việc biên soạn SGK. Đây là một công việc đòi hỏi nhiều thời gian, công sức, tài chính nên nếu không có cơ chế thuận lợi thì khó huy động được các nhà khoa học có chuyên môn tham gia. Bên cạnh đó, Bộ GDĐT vẫn cần chủ động tổ chức một bộ SGK đầy đủ ở tất cả các khối lớp để đảm bảo việc triển khai chương trình GDPT mới không bị gián đoạn hoặc phụ thuộc vào một đơn vị cụ thể nào.
Hai bộ SGK sẽ không được tiếp tục phát hành ở lớp 2 khiến một số địa phương, trường học và các giáo viên tỏ ra băn khoăn khi đã từng chọn 2 bộ sách trên ở lớp 1. Cùng đó là lo ngại việc đứt đoạn trong mạch dạy học khi các bộ sách này sẽ không còn ở lớp 2.
Đại diện NXB GDVN cho rằng, việc hợp nhất này hoàn toàn không làm ảnh hưởng đến việc dạy và học của giáo viên và học sinh cũng như việc lựa chọn SGK. Bởi mỗi cuốn SGK đều bám sát và cụ thể hoá các yêu cầu cần đạt và nội dung dạy học được quy định trong Chương trình GDPT 2018. Do đó, dù học theo bộ SGK nào thì khi kết thúc lớp 1, học sinh đều phải đạt chuẩn tối thiểu đối với lớp 1.
Bên cạnh đó, vị này cũng cho biết 4 bộ SGK lớp 1 và 2 bộ SGK lớp 2 của NXB có một sự liên thông chặt chẽ. Theo đó, ở lớp 1, dù giáo viên và học sinh sử dụng bộ SGK nào, đến lớp 2 đều có thể lựa chọn SGK Kết nối tri thức với cuộc sống hoặc Chân trời sáng tạo.
Dù NXB cho biết với lớp 1, với các địa phương tiếp tục sử dụng SGK Cùng học để phát triển năng lực hoặc SGK Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục, đơn vị này vẫn sẽ tái bản, đảm bảo phục vụ đầy đủ, kịp thời theo nhu cầu. Nhưng trên thực tế, khi không có sự tiếp nối ở các lớp học tiếp sau thì việc các nhà trường, các địa phương quyết định chọn một trong hai bộ SGK lớp 1 đã biến mất ở lớp 2 (và có lẽ cả ở các khối lớp 3, 4…) để tiếp tục giảng dạy ở các năm sau là không khả thi. Như vậy, đây có phải là một sự lãng phí?
Vì vậy, các chuyên gia giáo dục cho rằng để triển khai chương trình GDPT 2018 thành công, câu chuyện SGK cần được triển khai kỹ càng từ khâu biên soạn, thực nghiệm, thẩm định đến thu thập góp ý của người dân và xã hội trước khi in chính thức, đưa vào giảng dạy trong nhà trường. Không thể để học sinh tiếp tục làm “chuột bạch” thí nghiệm với những hụt hẫng mỗi mùa tựu trường liên quan đến SGK.