Đưa 2 bộ sách giáo khoa (SGK) lớp 2, lớp 6 vào giảng dạy; đồng thời bắt tay xây dựng bản thảo cho 3 bộ SGK lớp 3, lớp 7, lớp10 là những lo lắng, quan tâm của xã hội, và ẩn chứa cả những thách thức không nhỏ của ngành giáo dục trong thời gian tới.
Không giao khoán cho các NXB tập huấn giáo viên
Cấp ra quyết định lựa chọn SGK năm nay khác với năm trước, là UBND tỉnh (theo Thông tư 25) mà không phải cấp trường (theo Thông tư 01) như SGK lớp 1. Dù cấp nào đi chăng nữa thì giáo viên vẫn là người trực tiếp sử dụng sách, Sở GDĐT là cơ quan chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục phải là những đối tượng có tiếng nói tham mưu có trọng lượng nhất.
Tuy Bộ GDĐT đã có văn bản hướng dẫn, các địa phương vẫn cần xây dựng những tiêu chí riêng để chọn lựa SGK phù hợp về đặc điểm kinh tế - xã hội, với văn hóa, lịch sử, địa lý. Đặc biệt cần phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại các cơ sở giáo dục địa phương.
Ngoài ra, bộ SGK còn phải thuận tiện, hiệu quả đối với giáo viên và học sinh khi tổ chức dạy học. SGK lớp 1 có nhiều “sạn”, nhưng giáo viên không lên tiếng, có lẽ giáo viên tự chọn rồi, sao lại còn chê? Năm nay UBND tỉnh quyết định mà không phải mỗi trường, từng tập thể giáo viên lựa chọn SGK. Chắc sự phản hồi mặt tích cực và cả mặt tiêu cực sẽ khác. Chúng ta phải chấp nhận việc lựa chọn SGK phụ thuộc vào từng năm, không thể đã chọn rồi thì bộ SGK ấy sẽ đi suốt các trường theo nhiều năm tháng.
Bồi dưỡng giáo viên dạy học theo SGK, nhìn chung là chưa ổn. Đây lại là hoạt động quan trọng nhất trong quá trình tổ chức dạy học. Không hẳn là những yếu tố khách quan về dịch bệnh, về “ngày đầu chưa quen. . .” mà cái chính là cách triển khai tập huấn.
Cần chấm dứt giao khoán cho các NXB tổ chức bồi dưỡng giáo viên, tránh tình trạng chỉ tập trung, mất nhiều thời gian cho tiếp thị sách, mà ít (hoặc không có đủ năng lực) bồi dưỡng các kỹ năng dạy học đổi mới cho giáo viên và CBQL giáo dục. Nâng tầm giáo viên để dạy có chất lượng SGK mới là nhiệm vụ quan trọng. Các NXB đảm nhiệm việc lo cung cấp hậu cần, CSVC trong việc tổ chức tập huấn bồi dưỡng giáo viên.
Giá SGK lớp 1 quá cao, cú “sốc” cho xã hội và cha mẹ học sinh, nhất là vùng còn có nhiều đồng bào khó khăn. SGK được hình thành và được phát hành trong cơ chế thị trường và môi trường xã hội hóa, rất cần có sự vào cuộc một cách cụ thể của các Bộ trong Chính phủ chứ không thể riêng Bộ GDĐT.
Thời gian thử nghiệm SGK các lớp 3, 7 và 10: Đừng quá ngắn
Hãy nhìn nhận một cách nghiêm túc về bộ SGK lớp 1 và tổ chức cho các cấp giáo dục đánh giá qua một học kỳ thay SGK mới. SGK mới, quả thực quá “lùm xùm”, nhiều chê bai thời gian qua. Bộ GDĐT mới công bố 72 đầu sách của lớp 2 và lớp 6, đây là cơ hội tốt để các địa phương sớm tiếp cận và tham giai góp ý, giúp Bộ sớm có quyết định ban hành bộ SGK chính thức, trước 5 tháng so với ngày khai giảng năm học mới 2021-2022.
Ngoài Hội đồng Thẩm định của Nhà nước, Bộ GDĐT còn tiến hành mời các chuyên gia giáo dục, chuyên gia đầu ngành ở nhiều lĩnh vực để đọc thẩm định, phản biện độc lập SGK. Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ GDĐT, có nhắc lại: “Không buông lỏng, mà hãy giám sát chặt chẽ hơn quá trình làm SGK trong cơ chế thị trường” là những tín hiệu rất đáng mừng, chờ đợi cho sự ra đời tiếp theo những bộ sách có chất lượng.
SGK lớp 3, 7 “tựa tựa” như SGK lớp 2, 6, vì cùng thuộc giai đoạn giáo dục cơ bản. Tuy nhiên SGK lớp 10 lại khác cơ bản. Đây là bộ SGK đầu tiên của giai đoạn giáo dục nghề ở phổ thông. Mong muốn của những người tâm huyết với giáo dục nước nhà, sớm có bản thảo thảo SGK lớp 3, 7, 10 để có thể dạy thực nghiệm 8 tháng, chí ít nhất là được một học kỳ của năm học 2021-2022.
Chương trình giáo dục địa phương là điểm nhấn của giáo dục đổi mới, nhằm bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa lịch sử của cộng đồng dân cư các dân tộc địa phương. Đây là chương trình bắt buộc, chiếm 20% chương trình tổng thể quốc gia. Tài liệu do các địa phương biên soạn và UBND các tỉnh, TP phê duyệt, đến nay vẫn bỏ ngỏ và tiến độ rất chậm…
Dịch Covid 19, vẫn còn đó, “lơ lửng” trên đầu. Cả nước đang gấp rút đưa nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13 vào cuộc sống, trong đó nhân sự ở hầu hết các địa phương được điều chuyển, sắp xếp mới. Quốc hội mới chưa được bầu và đi vào hoạt động . . . Đây là những yếu tố khách quan nhưng lại tác động trực tiếp, ảnh hưởng không nhỏ vào các hoạt động tác nghiệp hết sức cơ bản của ngành giáo dục, trong đó có triển khai 5 bộ SGK mới. Thiết nghĩ câu chuyện SGK cần được quan tâm hơn nữa, không phải chỉ là việc riêng của ngành giáo dục.