Là một trong những di tích nổi tiếng về văn hóa, lịch sử của vùng Tây Nam Bộ, nhưng hiện nay cụm di tích cấp quốc gia Óc Eo Bình Tả (thị trấn Đức Hòa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) đang bị bỏ hoang. Thậm chí, nhiều người còn không biết đó là di tích vì nhìn qua, đây chỉ như một bãi cỏ hoang, trâu bò nhẩn nha gặm cỏ mỗi ngày.
Khu di tích Óc Eo bị bỏ hoang hiện nay.
Cách TP HCM chỉ khoảng gần 20 km, cụm di tích Óc Eo Bình Tả này đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.
Đây là một trong những cụm di tích Óc Eo nằm khá xa với khu vực được coi là trung tâm của nền văn hóa Óc Eo-Phù Nam cổ ở vùng An Giang cách đây hàng ngàn năm.
Với việc các nhà khảo cổ đã khám phá ra cụm di tích Óc Eo Bình Tả này, nhiều người cho rằng nền văn hóa Óc Eo từng rất phát triển, hưng thịnh với địa bàn rộng lớn.
Thậm chí khu vực khá xa xôi (tính về phía Bắc này) còn có thể là một trung tâm hành chính văn hóa của nhà nước Phù Nam thời cổ đại.
Theo tìm hiểu, cụm Di tích Óc Eo được chia thành 3 di tích gồm di tích Gò Xoài, Gò Đồn và Gò Nam Tước nằm ở các vị trí khá gần nhau, trong vòng bán kính chừng vài trăm mét.
Tại đây, các nhà khảo cổ từng khai quật được rất nhiều mảnh kim loại, đá quý, sa thạch cổ và đặc biệt có cả những chiếc lá bằng vàng khắc kinh Phật bằng tiếng Phạn cổ.
Đây đều là các hiện vật rất có giá trị vì tuổi đời của khu di tích này được xác định vào thế kỷ thứ 7 nên việc kinh Phật đã được truyền bá rộng rãi trong đời sống là điều đặc biệt.
Một điều ít ai biết, chính những chiếc lá bằng vàng khắc kinh Phật này đã được vào danh sách những Bảo vật Quốc gia, sánh ngang cùng với các bảo vật danh tiếng khác như Trống đồng Ngọc Lũ, Cửu đỉnh Thần công hay tượng Phật Nghìn mắt, nghìn tay…
Mặc dù có nhiều ý nghĩa lịch sử văn hóa vậy nhưng ngày nay, di tích Gò Xoài trong cụm di tích này bị bỏ hoang, cọc mọc um tùm, nhà dân xây xung quanh. Thậm chí, nhiều người dân còn trồng cây, làm đường lấn cả vào khu di tích.
Do điều kiện kinh phí còn hạn hẹp nên việc khai quật, xây tường bao khu vực này chưa được hoàn chỉnh càng làm cho tình trạng lộn xộn thêm phức tạp. Một người dân sinh sống ở gần đây cho biết khu vực này lâu nay bỏ hoang vì không được phép xây dựng.
Tuy nhiên, chỉ ít năm trước chính quyền mới dựng tấm biển ghi tên di tích tạm bợ chứ chưa có bất cứ công trình xây dựng bảo vệ di tích nào. Do nằm trơ trọi như vậy, ngay cả khi không ai xâm phạm thì thời gian mưa nắng và gia súc cũng có thể làm hỏng những hạng mục quan trọng còn sót lại.
Ngoài ra, người này còn cho biết, các di tích còn lại là Gò Đồn và gò Năm Tước do nằm trong khuôn viên một ngôi chùa của địa phương nên chúng được bảo vệ khá nguyên vẹn, không bị ai xâm lấn. Tuy nhiên, hầu hết các hiện vật hơn ngàn năm tuổi được khai thác ở các di tích này đều được đưa đi nơi khác chứ không còn ở địa phương nữa.
Có thể nói, việc giữ gìn, bảo tồn các khu di tích lịch sử cổ như các di tích về nền văn hóa Óc Eo là vô cùng quan trọng. Nó đánh dấu một quá trình lịch sử quan trọng của dải đất Đồng bằng sông Cửu Long rộng lớn trong giai đoạn rất hưng thịnh từ thế kỷ thứ 1 đến thế kỷ thứ 7 trước khi chính thức bị lụi tàn rồi chìm vào quên lãng gần một ngàn năm sau đó.