Xã hội

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vào cuộc vụ hàng trăm tấn cá chết tại Hải Dương

Phương Thanh 07/04/2024 14:46

Cục Thủy sản và Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I (Bộ NN&PTNT) đã cử cán bộ công tác xuống lấy mẫu nước, tìm nguyên nhân cá chết tại Hải Dương.

Sáng 7/4, lãnh đạo sở NN-PTNT tỉnh Hải Dương cho biết, trước thực trạng hàng trăm tấn cá chết bất thường tại TP Hải Dương xảy ra trong thời gian qua, Cục Thủy sản và Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I (Bộ NN&PTNT) đã về địa phương kiểm tra nhanh hiện tượng cá chết. Đoàn công tác đã lấy các mẫu nước trong lồng cá, lấy mẫu nước ở sông để kiểm tra.

Kiểm tra nhanh tại vị trí có nhiều cá chết cho thấy nồng độ oxy hòa tan trong nước rất thấp, nồng độ khí độc cao dẫn tới cá thiếu oxy. Hiện tượng cá lồng chết tập trung nhiều ở xã Tiền Tiến, TP Hải Dương.

Theo nhận định ban đầu, vào thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường nên các con cá yếu sẽ bị chết rải rác ở những lồng nuôi với mật độ cao. Cơ quan chuyên môn khuyến cáo người nuôi cá khi thời tiết thay đổi cần giảm cho ăn hoặc dừng cho ăn, tăng cường sục khí. Nếu có hiện tượng cá chết cần phải vớt lên, mang đi chôn lấp tránh ô nhiễm môi trường làm lây lan dịch bệnh.

ca-chet-10-5868.jpg
Hiện tượng cá lồng chết tập trung nhiều ở xã Tiền Tiến, TP Hải Dương.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương, đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã có khoảng trên 300 tấn cá nuôi lồng bị chết. Bà Lê Thị Hợp, Chủ tịch UBND xã Tiền Tiến (TP Hải Dương) cho biết: Để giảm thiểu thiệt hại kinh tế, nhiều hộ dân đã bán “chạy” số cá còn lại trên lồng với giá rẻ khoảng 20.000-30.000 đồng/kg (giá thông thường là khoảng 100.000 đồng/kg). Ước tính, các hộ dân chịu thiệt hại lên tới hàng chục tỷ đồng.

Trước thực trạng trên, Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã và các đơn vị có liên quan tập trung triển khai thực hiện các biện pháp ứng phó kịp thời, hạn chế thiệt hại đối với nuôi trồng thủy sản.

Cụ thể, các hộ nuôi cần theo dõi sát dự báo thời tiết để ứng phó với những thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi đột ngột, thường xuyên quan sát nước vùng nuôi và cá nuôi. Khi thấy nước đục, cá kém ăn hoặc bơi chậm, nổi lên mặt nước cần có biện pháp xử lý kịp thời, tăng cường oxy và đảo nước. Khi mực nước trên sông giảm, các hộ nuôi cần hạ thấp lồng nuôi để bảo đảm độ sâu luôn ở mức 2,5m-3m nhằm giảm sự tác động của nhiệt độ cao, đồng thời thực hiện sát khuẩn để phòng bệnh.

Người dân cần tiến hành thu khi cá nuôi đạt kích cỡ thu hoạch, lưu ý hạn chế đánh bắt, san thưa, vận chuyển, thả giống vào những ngày nắng nóng, thời điểm nắng nóng trong ngày.

Khi có hiện tượng cá nổi đầu do thiếu oxy vào ban đêm và sáng sớm, người dân cần sử dụng máy bơm nước, máy quạt nước vào ban đêm, đặc biệt từ 22 giờ hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau để tăng hàm lượng oxy hòa tan trong ao.

Ngoài việc thường xuyên vệ sinh lồng bè sạch sẽ và thông thoáng, các hộ nuôi nên cho cá ăn vào thời điểm sáng sớm và chiều mát (buổi sáng cho ăn nhiều hơn buổi chiều) để cá nuôi sử dụng thức ăn hiệu quả nhất; tăng cường sức đề kháng cho cá bằng cách bổ sung vitamin, khoáng chất, men tiêu hóa, tinh dầu … vào thức ăn cho cá ăn với liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Khi nhiệt độ nước trên 35oC thì cần giảm lượng thức ăn xuống còn lượng 1/3 so với bình thường.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vào cuộc vụ hàng trăm tấn cá chết tại Hải Dương

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO