Bên hành lang Quốc hội sáng nay 14/11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định cần phải rút kinh nghiệm trong việc UBND thị xã Hồng Lĩnh điều động giáo viên đi tiếp khách, uống rượu, bởi thầy cô ngoài việc là một nhà chuyên môn còn phải là tấm gương trong mắt học trò và phụ huynh.
Bộ trưởng Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ
trả lời báo chí sáng 14/11. (Ảnh: Võ Hải).
- Bộ trưởng đã có ý kiến gì về việc thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) liên tục điều động giáo viên các bậc học từ mầm non, tiểu học, THCS đi làm lễ tân rồi tiếp khách, uống rượu, gây bức xúc dư luận những ngày qua?
- Theo quy định của Luật Công chức, viên chức thì không được uống rượu trong giờ hành chính. Giáo viên cũng là con người, có thể còn có quan hệ với bạn bè, người thân, gia đình nhưng uống trong giờ hành chính là không được. Giáo viên càng tuyệt đối không được.
Ngay sau khi nắm được sự việc, chúng tôi đã chỉ đạo ngay, bởi đây không phải chỉ dừng lại ở một địa phương, mà bất cứ một vấn đề gì ảnh hưởng tới uy tín của ngành, không đúng với tôn chỉ, mục đích của ngành thì Bộ Giáo dục - Đào tạo phải có chỉ đạo. Nếu thuộc thẩm quyền địa phương thì chúng tôi nhắc nhở, nếu thuộc thẩm quyền Bộ thì chúng tôi có ý kiến. Còn vấn đề xảy ra hàng ngày thì không tránh khỏi, vấn đề không đúng đường hướng, vi phạm phẩm chất thì phải xử lý ngay.
Các thầy cô ngoài việc là một nhà chuyên môn còn là tấm gương, xây dựng hình ảnh người nhà giáo trong mắt học trò và phụ huynh, nhân dân. Thầy cô nghiêm túc chuẩn mực sẽ là một tấm gương sáng rất tốt, thậm chí nhiều khi còn hơn cả chuyên môn.
- Nhưng các giáo viên này gần như đều bị ép buộc phải đi làm tiếp tân, tiếp khách và uống rượu, thưa ông?
- Trách nhiệm tới đâu xử lý tới đấy, nói là xử lý thì hơi nặng nhưng phải nghiêm túc rút kinh nghiệm. Một hành vi trong chỉ đạo, hành vi về quan hệ dân sự nhưng tôi cho rằng phải nghiêm túc rút kinh nghiệm.
- Bộ trưởng đánh giá thế nào về việc Chủ tịch UBND thị xã Hồng Lĩnh khi trả lời báo chí nói rằng việc tiếp khách, uống rượu như vậy là “vinh dự” của các giáo viên trên địa bàn?
- Đó là quan điểm của ông đó thôi. Còn trong việc này, phải lắng nghe phụ huynh học sinh, giáo viên để từ đó chỉnh sửa.
- Đến nay địa phương đã có báo cáo lại Bộ Giáo dục - Đào tạo về việc này chưa?
- Chúng tôi đã có chỉ đạo, nhắc nhở thì đương nhiên họ đã có trả lời nhưng để có một báo cáo chính thức bằng văn bản thì cái đó cân nhắc bởi việc này hoàn toàn không phù hợp nhưng cũng chưa tới mức độ trầm trọng. Những cái không phù hợp với giáo viên đều không được chấp nhận.
- Những giáo viên này rất khó để “cãi lệnh” của lãnh đạo địa phương, nếu không thực hiện lệnh điều động có thể gặp rất nhiều rắc rối, phiền phức. Trước vấn đề này, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã có những quy định, quy chế như thế nào để hạn chế những việc làm phản cảm, ảnh hưởng đến tâm lý của nhà giáo tương tự?
- Luật Giáo dục có hẳn một chương nói về giáo viên, tất cả mọi người đều phải chấp hành về phẩm chất nhà giáo. Trên cơ sở đó có hướng dẫn năm học, hướng dẫn chỉ thị các thầy cô phải giữ nguyên tắc phẩm chất.
Các thầy cô phải tự xem xét lại chính mình, khi thấy không đúng thì phải đề nghị, kiến nghị. Còn lãnh đạo địa phương cứ ép thì mình phải kiến nghị lên, chứ mình thực hiện là vi phạm.
Khi đã giữ nguyên tắc phẩm chất mà vẫn bị lôi kéo, ép buộc thì trước hết phải hỏi trách nhiệm của thầy cô đã, xong đó mới tính đến người ép buộc. Tôi đề nghị nghiêm túc từ trong ngành, từng thầy cô một phải nghiêm túc đã.
- Xin cảm ơn ông!