Nhà bạn tôi vừa mua một chiếc đồng hồ mới. Đấy là một chiếc đồng hồ quả lắc, nó có vẻ là đồ vật trang trí nhà cửa nhiều hơn chứ không chỉ đơn giản dùng để xem giờ, chắc chắn vậy. Theo lời bạn nói, càng để lâu nó càng có giá trị bởi thứ gỗ chế tác thân đồng hồ là một loại gỗ rất quý, được chạm trổ công phu, chẳng phải lúc nào có tiền cũng có thể mua được. Cô bạn tâm đắc vì vừa sắm được một món đồ ưng ý và phù hợp với không gian rộng lớn trong ngôi nhà.
Món đồ sang trọng và đẹp đẽ của bạn hôm nay bỗng làm tôi nhớ đến “chiếc đồng hồ thần thánh” của mình hồi bé. Nó chạy bằng “năng lượng mặt trời” theo đúng nghĩa, chỉ xem được giờ khi trời nắng thôi, những ngày râm mát hoặc có mưa là “chiếc đồng hồ” ấy “nghỉ chạy”. Tôi sẽ chẳng biết đã đến giờ nấu cơm, đi học hay chưa. Nếu không có chiếc đài chạy pin bé tí, mở ra để nghe xem chương trình nào đang phát thì phải chạy ngay sang hàng xóm hỏi giờ.
Trong xóm tôi hồi ấy, nhà ai có đồng hồ treo tường thì đã là sang lắm. Chủ nhà lo mà chăm sóc chiếc đồng hồ chu đáo, lấy lại giờ theo Đài Tiếng nói Việt Nam cho chuẩn nếu không muốn cả xóm người lớn muộn giờ đi làm, còn trẻ con muộn giờ đi học. Chiếc đồng hồ quả lắc là một món tài sản quý giá chỉ có trong những ngôi nhà sang trọng luôn đóng kín cổng, chúng tôi có muốn cũng khó mà đến để hỏi giờ cho được.
“Chiếc đồng hồ thần thánh” mà tôi nói đến chính là ánh nắng mặt trời hàng ngày đổ bóng trên nền sân gạch nhà mình. Buổi sáng, mặt trời nhô lên từ phía vườn xoan bên nhà hàng xóm. Có lúc nó là một quả cầu lửa đỏ ối, có khi lại là một vầng sáng chói lòa khiến tôi không bao giờ nhìn thẳng vào được vì bị chói mắt. Quãng 7 giờ sáng, ánh nắng sẽ chiếu xiên vào trong không gian căn bếp, lúc ấy tôi có thể sờ vào hoặc đi xuyên qua những cột khói chiếu xiên vuông vức bởi chúng vô cùng mềm mại.
Tùy theo mùa đông hay mùa hạ, bóng nắng của “chiếc đồng hồ” sẽ có sự thay đổi, nhưng chỉ cần lưu ý một chút là “xem” chính xác giờ ngay và quan trọng là nó sẽ chẳng “chạy” sai bao giờ.
Những cái cột kỳ ảo ấy chứa đầy những hạt bụi bay lơ lửng hoặc những sợi khói mỏng manh uốn lượn trong không gian với một vũ điệu không lời. Cột khói ấy có lúc đặc sánh, cảm giác như có thể xắn được ra từng miếng, có lúc nhẹ tênh chập chờn hư ảo, tất cả phụ thuộc vào việc trong bếp lúc ấy có đang đun thứ gì đó hay không. Tôi thường nhảy nhót quanh cột khói ấy cho đến khi chúng biến mất trong căn bếp, đến tận sáng hôm sau mới gặp lại. Sau khi “chạy” ra khỏi bếp, ánh nắng sẽ dừng lại một lát, biến đứa bé còi cọc như tôi thành một cô gái cao lớn có mái tóc thật dài in bóng lên bức tường trước mặt.
Suốt những tháng năm thơ bé, tôi vẫn tưởng tượng cái bóng trên bức tường kia là một người bạn tâm đầu ý hợp bởi tôi làm gì thì cô gái kia cũng làm theo. Nhất là những buổi sáng mùa đông có nắng vàng hanh hao, bên bức tường cạnh cửa sổ căn bếp nhỏ, người bạn ấy đã cùng tôi vui những niềm vui nhỏ bé, cùng tôi lớn lên, cho đến khi phải đến trường buổi sáng, chẳng còn có thời gian gặp gỡ, ngắm nhìn nhau trên bức tường đầy nắng.
Hồi ấy, tôi có thể nhìn bóng nắng đi qua trên sân gạch để biết bây giờ là mấy giờ mà chẳng cần đi hỏi giờ lo kịp nấu cơm cho mẹ đi làm đồng. 10 giờ sáng là khi bóng của mái nhà trên sẽ che đến hàng gạch thứ năm trên sân, và khi đó tôi sẽ phải dừng những trò chơi lại để chuẩn bị nấu cơm trưa. Nếu nắng đã chạm vào hàng gạch thứ tư mà chưa đi bắc bếp thì nguy cơ cơm canh chưa chín mà bố mẹ đã đi làm về, tôi có thể bị phạt vì tội mải chơi là rất lớn.
Trời càng trưa thì bóng nắng đổ xuống từ ngôi nhà sẽ càng thu hẹp lại. Vào đúng 12 giờ trưa, mặt trời sẽ đứng bóng, tức là cái bóng của tôi sẽ lùn tịt trên sân, đầu và chân chạm vào nhau thành một chấm tròn. Cái bóng của cây cau góc sân sẽ không dài thượt như buổi sáng sớm nữa mà biết thành một cái ô nhỏ, tròn xoe, chẳng thấy thân cây đâu cả.
Tùy theo mùa đông hay mùa hạ, bóng nắng của “chiếc đồng hồ” sẽ có sự thay đổi, nhưng chỉ cần lưu ý một chút là “xem” chính xác giờ ngay và quan trọng là nó sẽ chẳng “chạy” sai bao giờ cả. Tất nhiên việc “biết xem” ấy có được là nhờ khá nhiều công sức của bố tôi chỉ cho, lúc nào quên thì có thể nhờ sự trợ giúp từ chiếc radio bé nhỏ.
Khi bóng nắng từ mái nhà bếp che hết hàng gạch đầu tiên trên sân nhà thì cũng là giờ tôi phải cắp sách đi học. Có trưa ngủ quên, nhìn bóng nắng đã chờm qua hàng gạch ấy, tôi phải co giò chạy thật nhanh thì mới kịp giờ vào lớp. Nhờ việc nhìn bóng nắng trên sân mà tôi chẳng bị đi học quá sớm hay quá muộn như lũ bạn cùng xóm. Chúng nó ngưỡng mộ “cái đồng hồ” ấy lắm nên hôm nào cũng ghé qua nhà tôi xem giờ rồi mới rồng rắn đến trường khiến tôi cảm thấy hãnh diện ra trò. Tôi từng nghĩ “chiếc đồng hồ” nhà mình còn quý giá hơn tất cả những cái đồng hồ nhà khác mà tôi đã từng đến hỏi xem giờ ké.
Lại nói về chiếc đồng hồ quả lắc, hồi bé quả thật tôi chỉ thấy nó trong ngôi nhà to lớn của một người họ hàng. Lần đầu nhìn thấy, tôi vô cùng ngạc nhiên vì có một chiếc đồng hồ to lớn và nhiều chi tiết cầu kỳ đến vậy. Ngôi nhà ấy mái ngói rêu phong, đôi chỗ có những cây dương xỉ bé tí mọc trên mái. Một cái bể chứa nước mưa thật lớn và chiếc sân rộng lát gạch Bát Tràng đỏ au với những bụi nhài nở hoa trắng tinh thơm phức.
Khóm tường vi bên cổng đẹp như chính cái tên kiêu sa đài các của nó với những chùm bông màu hồng tươi tắn. Trong gian nhà không một vết bụi có chiếc tủ gỗ chất đầy những cuốn sách dày cộp, chiếc sập gụ, tủ chè hay trường kỷ đều đã lên nước bóng loáng. Tất cả đều toát lên một vẻ uy nghi sang trọng.
Chủ nhân ngôi nhà ấy là một ông già quắc thước có bộ râu trắng, hay mặc quần áo trắng khác hẳn những người trong xóm tôi vẫn gặp hàng ngày. Hình như ông từng làm việc trên tỉnh, nay đã nghỉ hưu về quê sống. Thỉnh thoảng tôi được đến ngôi nhà ấy khi theo bố đến nhà ông chơi. Lúc hai người đọc sách báo, nói chuyện đông tây kim cổ, về tác giả, nhân vật và cả những điều phía sau mấy tờ báo hay mấy cuốn sách dày cộp kia thì tôi rụt rè ngắm nghía đồ vật trong căn phòng, mọi thứ đều hết sức lạ lẫm với một đứa trẻ lên 10 như tôi. Những cuốn sách tôi chưa một lần được chạm tay vào bởi chúng luôn được nâng niu cất giữ như một báu vật. Cảm giác như lạc vào một thế giới khác hẳn.
Tôi thường không mấy thích nghe chiếc đồng hồ to lớn ấy điểm những tiếng binh boong ngân nga trong không gian tĩnh mịch mỗi khi một thời khắc mới sang, vì đấy có thể là dấu hiệu cho biết bố tôi sắp chào từ biệt ông chủ căn nhà ấy để ra về.
Chiếc đồng hồ uy nghi đó là một thứ không dành cho những đứa trẻ như tôi nên ấn tượng của nó trong tôi đến giờ vẫn là một cái gì đó vô cùng lạ lẫm. Ngôi nhà ấy ở lại khá lâu trong trí nhớ tôi đến mức đôi khi gặp những khóm tường vi nở hoa hồng dịu dàng ở đâu đó là tôi lại nhớ đến những cuốn sách dày cộp cùng ông già râu trắng và chiếc đồng hồ cổ ngân nga những tiếng thánh thót.
“Chiếc đồng hồ” chạy bằng bóng nắng trên chiếc sân nhỏ của tôi đã bị lãng quên lúc nào chẳng rõ. Có thể là do tôi không còn bé nữa, ngôi nhà tôi ở được xây mới, bóng nắng in trên nền sân đã đổi thay hoặc là bố tôi đã sắm trong nhà một chiếc đồng hồ treo tường mới cũng nên…
Chiếc đồng hồ trong căn nhà cô bạn hôm nay vô tình gợi lại trong tôi những tháng năm trong ký ức. Có đứa nhỏ nào đó vừa co giò hớt hải phóng qua tôi khi vệt nắng vừa chờm qua hàng gạch thứ nhất trên mảnh sân cũ kỹ…