Bông súng mắm kho là một đặc sản của miền sông nước Tây Nam bộ. Là sản vật mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất này để làm nên nét văn hóa riêng đầy ấn tượng.
Trong kho tàng cao dao, tục ngữ Việt Nam cũng đã từng nhắc đến món ăn gắn liền với địa danh Đồng Tháp: “Muốn ăn bông súng mắm kho/ Thì vô Đồng Tháp ăn cho đã thèm”.
Món ăn rất đơn sơ, bình dị và dân dã nhưng lại được nhiều du khách tới đây khẳng định, đã hội tụ tất cả tinh túy của hương đồng gió nội vùng sông nước.
Món ăn được chế biến từ nguyên liệu chính là bông súng với cá. Bông súng là loài rau đồng, mọc những nơi vùng đất trũng, đọng nước bùn. Vào tháng 5, tháng 6 âm lịch, mùa nước lớn đổ về là lúc bông súng trồi lên theo làn nước. Người dân Đồng Tháp sẽ chèo ghe đi nhổ bông súng, cuộn tròn 10 cọng thành một khoanh, đem bán đầy chợ.
Để nấu được mắm kho bông súng thật ngon, người dân Đồng Tháp luôn có những bí quyết riêng cho mình. Không phải bông súng nào cũng ngon như nhau, mà phải là loại bông súng trắng, cọng nhỏ cỡ chiếc đũa ăn cơm, ăn mới mềm, có “hậu” ngọt… Đồng thời phải là những cây bông súng chắc khỏe, cọng to. Bông súng nhổ về để nguyên cọng rửa sạch, tước vỏ bên ngoài, ngắt mỗi cọng độ dài chừng hai gang tay, để trong rổ cho ráo nước.
Sau đó đến công đoạn làm mắm kho. Mắm kho phải là loại mắm cá sặc đồng đặc sản của Đồng Tháp. Vị đậm của loại mắm cá sặc sẽ làm cho món mắm kho bông súng thêm tuyệt vời, đồng thời màu đỏ sẫm quyến rũ của mắm cá sặc cũng làm tăng thêm tính hấp dẫn cho món ăn này. Tuy đơn giản, dễ làm nhưng nếu không biết cách chế biến thì món mắm ăn sẽ không được ngon. Mắm lấy ra cho vào trong nồi nấu xâm xấp nước cho rã ra rồi lược bỏ xác. Nếu nấu chung với nước dừa thì càng ngon, nước dùng sẽ thơm và đậm đà hơn.
Với món ăn này, người dân nơi đây thường ăn lúc còn nóng. Khi ấy hương thơm của mắm mới ngào ngạt. Nồi mắm kho càng thơm ngon và đậm đà hương vị hơn khi có thịt ba rọi hay còn gọi là thịt ba chỉ đi kèm. Mỡ trong thịt tươm ra hòa quyện vào nồi mắm, làm cho nước dùng thơm và béo. Ngoài ra chúng ta còn có thể cho thêm vào nồi mắm những phụ liệu khác là cá rô đồng, cá lóc hay tép đất càng ngon. Khi nồi mắm sôi một lúc, trút mắm nước vào cho sôi bùng, hớt bọt rồi nhắc xuống. Khi nấu, chúng ta có thể cho cà chua vào, nước dùng sẽ thanh hơn và chua nhẹ, rất dễ ăn.
Đặc biệt, chúng ta hạn chế cho bông súng vào nồi cùng lúc mà nên ăn bông súng với mắm kho như một loại rau ăn kèm. Nếu nhúng bông súng vào nồi mắm kho trước sẽ làm cọng súng mềm, trở nên dai hơn. Do đó, khi nồi mắm sôi nghi ngút, người ăn sẽ nhúng bông súng vào nồi nhanh rồi thưởng thức tại chỗ vị dòn, ngọt, thanh mát, nóng hổi của loại thực phẩm độc đáo này. Bên cạnh đó, món mắm kho bông súng còn ngon hơn khi được ăn cùng với cơm trong các bữa cơm gia đình, hoặc ăn cùng với bún...
Nếu bạn có dịp được đến với Đồng Tháp, hãy thử một lần thưởng thức mắm kho bông súng theo đúng điệu của bà con nơi đây, để có thể cảm nhận được đầy đủ hương vị của món ăn này.