Ngộ độc thực phẩm học đường, rồi chuyện người lớn bớt xén khẩu phần ăn của trẻ…đang là nỗi lo lắng của các bậc phụ huynh. Dẫu thế việc giám sát bữa ăn học đường lâu nay được tiến hành ra sao, hiện vẫn còn nhiều bất cập.
Phụ huynh phát hiện…
Gửi con đến trường, nhiều gia đình tin tưởng đăng ký cho con ăn bán trú để phù hợp với lịch học tập, sinh hoạt ở trường, đỡ được thời gian đưa đi, đón về… Tuy nhiên, con ăn gì ở trường luôn là câu hỏi lớn với các bậc phụ huynh. Bởi trên thực tế, không phải trường nào cũng công khai thực đơn trong tuần ở những nơi dễ thấy, dễ giám sát như bảng tin nhà trường, website hay fanpage…
Phóng viên viết bài này từng có cơ hội đi thực tế tại bếp ăn của một số trường công lập trên địa bàn Hà Nội. Tại thời điểm đó, thực đơn của cả tuần đều được niêm yết công khai trên bảng tin ở nhà ăn. Nhưng tuyệt nhiên, không thấy bóng dáng ở các nơi khác. Một hiệu trưởng khi được phỏng vấn về vấn đề này thì cho rằng mỗi ngày nhà trường đều có phụ huynh, giáo viên và ban giám hiệu thay nhau tham gia giám sát việc giao nhận thực phẩm từ đơn vị cung cấp tới nhà bếp xem có đúng số lượng và kiểm tra chất lượng thông qua mắt thường quan sát. Vị này cũng thừa nhận thực đơn lên theo tuần nhưng cũng có những hôm phải thay đổi loại rau vì các yếu tố khách quan. “Chúng tôi luôn nhấn mạnh với nhà cung cấp là ưu tiên các loại rau và thực phẩm theo mùa để hạn chế đến mức thấp nhất các nguy cơ độc hại” - vị này nói.
Như vậy, phụ huynh muốn biết trưa nay con ăn gì thì chỉ có thể hỏi con trẻ. Trừ khi đăng ký tham gia giám sát bữa ăn cùng với nhà trường lúc sáng sớm… Tuy nhiên với lứa tuổi mầm non hay tiểu học, đa số các cháu còn nhỏ nên khó có thể nhận biết đầy đủ về thành phần bữa ăn trên lớp nên khó có thể miêu tả đầy đủ và chính xác.
Chẳng thế mà đa số những vụ việc cắt xén khẩu phần ăn của trẻ chỉ được phát hiện khi các bậc phụ huynh “đột nhập” vào trường một cách bất ngờ. Nhìn những suất ăn nghèo nàn dinh dưỡng chỉ có rau và đậu phụ, một miếng trứng rán khiến nhiều phụ huynh không khỏi bức xúc. Tệ hơn, có những suất ăn mà quy trình nấu ăn không đảm bảo, nguồn nguyên liệu bị hư hỏng vẫn chế biến dẫn đến những vụ ngộ độc tập thể hàng loạt…
Kết quả kiểm tra của UBND thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) tại Trường Tiểu học Phước Long 1 (TP Nha Trang) cho thấy ngày 6/10, nhà bếp mua thực phẩm chỉ 15,7 triệu đồng, còn thừa hơn 1,8 triệu so với số tiền học sinh đóng vào ngày hôm đó. Tương ứng, mỗi suất ăn bị thiếu hụt 2.000 đồng/ngày. Ngoài ra, tổ kiểm tra phát hiện một số thành viên của nhà trường không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được phân công. Hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống cho trường này không đảm bảo giấy tờ chứng nhận theo quy định… Một số phụ huynh của trường tiếp tục gửi đơn khiếu nại đến Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa vì cho rằng, mỗi học sinh bị bớt 2.000 đồng/phần ăn, trên tổng số 900 học sinh trong 5 năm qua là một số tiền lớn cần điều tra, làm rõ…
Trước đó, Trường Tiểu học Trần Thị Bưởi (Quận 9, TP HCM) cũng bị tố cáo đã cắt xén, nhập thực phẩm kém chất lượng để chế biến suất ăn bán trú cho học sinh…
Điều lạ là theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Trưởng phòng GDĐT Quận 9, không phải khi có sự cố xảy ra tại trường học trên địa bàn, ngành giáo dục quận mới quán triệt về công tác tổ chức bán trú, đảm bảo chất lượng bữa ăn bán trú. Tuy nhiên, sự việc vẫn cứ xảy ra…
Hàng loạt vụ việc liên quan đến bữa ăn học đường – bữa chính trong ngày của học sinh được phát hiện không phải lần đầu mà năm học nào cũng xảy ra cho thấy việc xử lý dường như chưa đủ sức răn đe.
Nâng cao trách nhiệm của người lớn
Trên thực tế, giá thành bữa ăn học đường ở mỗi trường không giống nhau. Nhiều vụ việc bị phát hiện cho thấy ngay cả những bữa ăn lên đến hàng trăm nghìn ở trường quốc tế cũng chưa chắc đã đảm bảo chất lượng dinh dưỡng cũng như tương xứng với số tiền phụ huynh đã nộp. Dù không quá kỳ vọng nhưng bữa trưa là bữa chính trong ngày, nếu khẩu phần ăn quá nghèo nàn thì rõ ràng sẽ gây ra nguy cơ thiếu hụt dinh dưỡng cho trẻ. Trong khi ai cũng biết dinh dưỡng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quá trình phát triển thể chất, sức khỏe và tinh thần của trẻ.
GS.VS Phạm Minh Hạc- nguyên Bộ trưởng Bộ GDĐT chia sẻ ông từng tham khảo về bữa ăn học đường của trẻ em Nhật Bản thì thấy rằng đa số Nhà nước tài trợ miễn phí bữa ăn này với sự quan tâm rất sát sao. Có một chương trình phát thanh hàng ngày ở trường để giải thích các thành phần dinh dưỡng có trong bữa ăn trưa trong ngày. Tại các trường tiểu học, học sinh sử dụng nam châm đính hình ảnh thực phẩm các loại khác nhau lên bảng trắng, học cách phân biệt các loại protein và các loại đường, tinh bột và chất xơ có trong các loại thực phẩm.
“Những bữa trưa không chỉ để cho trẻ ăn, mà còn để dạy chúng, theo quan niệm giáo dục Nhật Bản. Đó không chỉ là việc ăn uống, mà trẻ em còn học cách phục vụ và tự dọn dẹp” - nguyên Bộ trưởng Phạm Minh Hạc nêu quan điểm. Ông cho rằng ở Việt Nam, cần quan tâm hơn tới bữa ăn học đường của trẻ. Đây không chỉ là các bậc phụ huynh mà chính các cơ quan chức năng phải tích cực vào cuộc. Các nhà trường phải nhận thức được tầm quan trọng của bữa ăn này để cùng với phụ huynh giám sát chất lượng bữa ăn. Muốn vậy, tất cả học sinh, giáo viên, ban lãnh đạo cùng ngồi ăn chung thì không chỉ tạo không khí gần gũi mà còn là cơ hội để các thầy cô giám sát thực chất bữa ăn có chất lượng đến đâu.
Bữa ăn học đường góp phần vào cân bằng dinh dưỡng cần thiết cho trẻ em. Điều này đã được nhấn mạnh tại nhiều hội nghị của ngành giáo dục song đâu đó, vào thời điểm này kia vẫn phát hiện những vụ việc khiến các bậc phụ huynh bức xúc, thậm chí rơi nước mắt khi chứng kiến suất ăn của con trẻ. Làm sao để thay đổi tình trạng này một cách triệt để rõ ràng không thể chỉ trông chờ lương tâm và trách nhiệm của mỗi hiệu trưởng mà cần hành động thực chất của ban đại diện cha mẹ học sinh, của các cơ quan chức năng trong ngành giáo dục, của chính quyền địa phương cũng như các đơn vị liên quan khác…