Từ những vụ việc liên quan đến bữa ăn học đường được phản ánh trên báo chí thời gian qua cho thấy hầu như chưa vụ việc nào được phát hiện bởi các ban giám hiệu nhà trường hay các cơ quan chức năng. Chỉ khi phụ huynh vào cuộc hoặc bữa ăn đưa đến tận bàn học sinh mới phát hiện ra có vấn đề, thậm chí đến khi học sinh bị ngộ độc nhập viện…
Trên thực tế, tỷ lệ học sinh các cấp học ăn bán trú tại trường ngày càng tăng. Đa số các nhà trường đã được tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) được các ngành chức, nhà trường đặc biệt chú trọng. Trong đó, hầu hết các trường đã thành lập ban chỉ đạo ATVSTP; thực phẩm, suất ăn có sự tham gia của phụ huynh học sinh…
Tuy nhiên, để quản lý và giám sát an toàn thực phẩm trong trường học, chất lượng bữa ăn bán trú đảm bảo đúng qui định còn nhiều việc phải làm. Bà Lê Thị Nga- Phó Trưởng phòng GDĐT quận Tây Hồ, Hà Nội đề xuất các trường cần phối hợp với các cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm trên địa bàn để làm sao cung cấp thực phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn, đủ chất dinh dưỡng cho học sinh.
Cơ chế giám sát còn cần đặt ra yêu cầu cao đối với đơn vị liên kết thứ 2 của đơn vị cung ứng thực phẩm. Thực phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng thông qua hóa đơn, chứng từ của cơ sở sản xuất, chế biến, phân phối, phải đạt các chuẩn quy định, được ban kiểm soát chất lượng ATTP kiểm duyệt hồ sơ và thẩm duyệt thực địa thực tế. Yêu cầu có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc các giấy chứng nhận quan trọng khác về an toàn thực phẩm…
Tuy nhiên, qua khảo sát của phóng viên thì việc kiểm soát thực phẩm của nhà trường mới dừng lại ở việc quan sát bằng mắt thường các thực phẩm có đảm bảo về hình thức tươi sống, không bị héo úa, thiu thối hay không… còn các chỉ tiêu chất lượng như phân tích của bà Lê Thị Nga là rất khó vì thiếu các công cụ, thiết bị… Đó là chưa kể, từ thực phẩm đạt chất lượng nhưng khâu chế biến không đảm bảo vệ sinh cũng có thể gây ra nhiễm khuẩn. Bên cạnh đó, thực phẩm nên được chế biến trong ngày…
Một yếu tố nữa được bà Lê Thị Nga nhấn mạnh đó là những bữa ăn trường học hạnh phúc sẽ khiến trẻ cảm thấy hạnh phúc khi ăn ngon miệng, có nhiều cảm xúc tích cực. Trẻ cảm thấy các món ăn hấp dẫn, bắt mắt, đánh thức mọi giác quan của trẻ từ mùi thơm, vị vừa, màu sắc món ăn tươi đẹp, trình bày hấp dẫn sẽ là bữa ăn đủ dinh dưỡng, cung cấp năng lượng cho trẻ hoạt động hàng ngày, tăng sức đề kháng và sức khỏe cho trẻ. Bữa ăn mà trẻ thấy vui, được giao lưu cảm xúc, được quan tâm và yêu thương là điều mà các nhà trường cần quan tâm khi xây dựng và tổ chức bếp ăn học đường.
Nhưng yêu cầu đầu tiên đặt ra đối với tất cả các bữa ăn học đường, dù ở trường công hay trường tư, mầm non hay phổ thông thì cũng phải là những bữa ăn an toàn, đủ chất và lượng theo nhu cầu dinh dưỡng của trẻ. Mong lắm thay!