Thời tiết Hà Nội đang trong những ngày cao điểm lạnh và hanh khô nên các chỉ số ô nhiễm không khí và nồng độ bụi mịn tăng cao. Cùng với đó, từ tháng 11 đến nay tại TPHCM kết quả quan trắc không khí của Sở Tài nguyên và Môi trường cho thấy chỉ số bụi mịn cũng vượt chuẩn tại các nút giao thông, khiến nguy cơ gây viêm đường hô hấp tăng cao.
Bắt đầu từ tháng 11, tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội đã ở mức nghiêm trọng khi nhiều điểm có chỉ số chất lượng không khí (AQI) mức cực kỳ nguy hại cho sức khỏe. Trên ứng dụng theo dõi chất lượng không khí PamAir (Mạng lưới theo dõi chất lượng không phủ khắp 63 tỉnh, thành Việt Nam), những ngày cao điểm, hàng loạt điểm đo có chỉ số chất lượng không khí màu đỏ và tím. Tại Hà Nội, rất nhiều các điểm đo cảnh báo màu tím (mức AQI trên 200) rất nguy hại cho sức khỏe. Tình trạng này khiến cho nhiều người có việc đi ra ngoài đường lâu thường có cảm giác khó thở, ngột ngạt.
Tại sao lại có tình trạng ô nhiễm không khí diễn ra vào thời điểm mùa đông? TS Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam phân tích: Trong 4 mùa xuân, hạ, thu, đông, thì mùa đông có nhiều yếu tố làm gia tăng ô nhiễm, ví dụ gió lặng, nhiệt độ thấp, ít mưa, độ ẩm cao… làm giảm khuếch tán của không khí các chất ô nhiễm lưu cữu ở tầm thấp, không thoát lên cao hoặc ra các vùng khác được khiến nồng độ PM2.5 (bụi mịn) ngày càng tăng. Như vậy, trong khi không giảm được các nguồn gây ô nhiễm không khí, lại vào đúng thời điểm mùa đông Hà Nội gặp những điều kiện thời tiết không thuận lợi sẽ làm tăng chỉ số AQI.
Ông Tùng nhấn mạnh, chỉ số AQI là chỉ số được tính toán từ nồng độ các chất gây ô nhiễm. Tại Việt Nam ô nhiễm bụi mịn PM 2,5 là chính. Do đó, AQI sẽ được tính từ nồng độ quan trắc PM 2.5, cứ 5 phút một lần, máy sẽ được đo và tính toán để xem khả năng phơi nhiễm của con người như thế nào. Vì người dân không thể hiểu PM 2.5 là như thế nào, nồng độ bao nhiêu, micromet bao nhiêu g/m3. Do vậy, trên ứng dụng phải hiển thị bằng bảng màu cho người dân dễ hiểu.
Nguyên nhân nào khiến cho bụi mịn gia tăng? Ông Tùng cho biết thêm, khói bụi từ các phương tiện giao thông trên đường là nguyên nhân đầu tiên gây ra bụi mịn. Các loại xe cộ xả ra ngoài môi trường các hạt sooty và oxit nitơ… góp phần làm ô nhiễm không khí. Tình trạng ô nhiễm bụi mịn trong thành phố cao hơn vùng ngoại ô phần lớn là do lượng phương tiện đi lại lớn hơn rất nhiều. Thành phố càng phát triển, công trình xây dựng, các khu công nghiệp, nhà máy càng mọc lên không ngừng. Các loại vật liệu như xi măng, đất, cát, phế liệu, khí thải… đều góp phần không nhỏ làm tăng tỷ lệ bụi mịn, gây ô nhiễm trong thành phố.
Tại TPHCM, kết quả quan trắc không khí 4 đợt gần nhất của Sở Tài nguyên và Môi trường cho thấy nồng độ bụi mịn PM2.5 đều vượt ngưỡng cho phép so với quy chuẩn Việt Nam là 50 µg/m3. Các bản tin chất lượng môi trường không khí của Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM ghi nhận trong tháng 9, giá trị tối đa của nồng độ bụi mịn PM2.5 đo được là 52 µg/m3. Tháng 10, nồng độ tối đa đo được là 59 µg/m3 và lên 66 µg/m3 trong đợt đo gần nhất ở cuối tháng 11.
Theo các chuyên gia y tế, người dân nên theo dõi chỉ số AQI để xem lúc nào ảnh hưởng đến sức khỏe; thường xuyên sử dụng khẩu trang, kính che mắt khi đi đường hoặc tiếp xúc với môi trường nhiều khói, bụi; hạn chế lưu thông qua các khu vực nhiều khói công nghiệp. Đối với trẻ em, các bậc phụ huynh cần hạn chế cho các con ra đường vào thời điểm tan tầm, sử dụng khẩu trang lọc bụi mịn, giữ ấm mũi, họng, cổ, tránh các hoạt động ngoài trời quá lâu và không cần thiết.
Bác sĩ Nguyễn Phượng Hoàng - chuyên gia kiểm soát lây truyền lao quốc gia, Trưởng khoa Vi sinh, Bệnh viện phổi Hà Nội khuyến cáo, các loại khẩu trang cotton hoạt tính, khẩu trang y tế chỉ có tác dụng ngăn bụi thô kích thước lớn, không thể ngăn bụi mịn dưới 2,5 micromet, loại bụi mà mắt thường không thể nhìn thấy và có ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Do đó, cần sử dụng những loại khẩu trang có ký hiệu N95, N99 hoặc đạt tiêu chuẩn chuẩn châu Âu có ký hiệu FFP2, nếu dùng đúng cách có thể lọc được 85-99% hạt bụi có kích thước chỉ 0,3 micromet, ngăn được cả vi khuẩn, virus.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh - chuyên gia Dịch tễ học, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) cho biết, ô nhiễm không khí, nhất là nồng độ bụi mịn tăng cao, dễ gây viêm nhiễm đường hô hấp. Bụi mịn có kích thước siêu nhỏ nên có thể xâm nhập sâu vào phổi, có thể trở thành tác nhân khởi phát bệnh hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hoặc các bệnh lý viêm mũi xoang dị ứng...