Theo AirVisual (Tổ chức đo chất lượng không khí thế giới), chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại Hà Nội, Thái Nguyên và một số địa phương những ngày qua ở mức xấu, có hại cho sức khỏe người dân và cần hạn chế các hoạt động ngoài trời.
Chất lượng không khí nhiều lúc ở mức “nguy hại”
Hơn chục ngày nay, cứ mỗi buổi sáng chuẩn bị đi làm, chị Hoàng Thúy Lan (Quận Thanh Xuân, Hà Nội) lại nhận được một tin nhắn cảnh báo về chất lượng không khí Hà Nội ở mức có hại cho sức khỏe. Biết vậy, nhưng chị vẫn phải chở con đến trường, rồi tất bật đi làm.
Tình trạng ô nhiễm không khí những ngày qua xảy ra khá phổ biến ở nhiều quận, huyện của Hà Nội. Quan sát bằng mắt thường thì cũng nhận ra bầu trời mờ đục. Đây không chỉ là câu chuyện riêng của Hà Nội. Nhiều tỉnh, thành phía Bắc cũng “chung số phận”. Trên ứng dụng theo dõi chất lượng không khí PAMAir (mạng lưới theo dõi chất lượng không khí phủ khắp 63 tỉnh thành Việt Nam), nhiều điểm đo tại Hà Nội có chỉ số chất lượng không khí màu đỏ và tím (mức nguy hiểm). Đặc biệt, chỉ số bụi mịn PM 2.5 tại Hà Nội dao động khoảng 50 µg/m³, cao hơn gấp 10 lần quy chuẩn về chất lượng không khí hàng năm của Tổ chức Y tế Thế giới (5 µg/m3).
Theo các chuyên gia, bụi mịn hay bụi PM 2.5 là những hạt bụi li ti trong không khí, khi nồng độ tăng lên, không khí sẽ mờ đi và tầm nhìn bị giảm trông giống như sương mù. Bụi mịn cản trở giao thông và tầm nhìn của các phương tiện di chuyển vào buổi sáng.
Ghi nhận của hệ thống theo dõi chất lượng không khí PAM Air trong buổi sáng các ngày 8, 9, 10 của tháng 11, chất lượng không khí vẫn phổ biến ở mức tím (rất có hại cho sức khỏe mọi người). Có thời điểm, chất lượng không khí xuống thấp, thuộc nhóm các nước ô nhiễm không khí nhất thế giới. Vào chiều và tối, chất lượng không khí không được cải thiện nhiều, phổ biến ở ngưỡng đỏ (có hại cho sức khỏe mọi người). Ô nhiễm không chỉ tập trung tại các khu đô thị như: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên mà còn xuất hiện ở nhiều tỉnh như: Phú Thọ, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Ninh Bình, Nam Định...
Điều đáng quan tâm, câu chuyện ô nhiễm không khí cứ lặp đi lặp lại, mà nói như một chuyên gia về môi trường: Đến hẹn lại… ô nhiễm không khí!
Lượng bụi mịn PM2.5 rất lớn
Lý giải nguyên nhân của tình trạng ô nhiễm không khí thường trở đi trở lại vào dịp cuối năm, giới chuyên gia đưa ra một số nguyên nhân, trong đó có tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch, khí thải từ các phương tiện giao thông, các công trình xây dựng đang trong quá trình hoàn thiện, sửa sang vỉa hè và các công trình giao thông. Theo TS Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, đợt ô nhiễm không khí đang diễn ra, có nhiều nguyên nhân nhưng điển hình nhất là hệ quả từ hoạt động đốt rơm rạ sau thu hoạch. Nguồn phát thải nội sinh lớn từ đốt rơm rạ, cùng với các điều kiện khí tượng đặc trưng của miền Bắc mùa này gây ra ô nhiễm nghiêm trọng. Tình trạng đốt rơm rạ nhiều diễn ra trong vài ngày nay, thậm chí ảnh hưởng đến cả hoạt động hàng không khu vực sân bay Nội Bài. “Lượng bụi phát sinh lớn từ hoạt động đốt rơm rạ, kết hợp với điều kiện thời tiết khô hanh, lặng gió làm cho bụi không phát tán được mà đọng lại gần bề mặt khiến tình trạng ô nhiễm không khí trở lên nghiêm trọng hơn”, TS Tùng nhận định.
Trong khi đó, theo lý giải từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, ô nhiễm không khí ở Hà Nội và các đô thị xuất phát từ các nguồn thải giao thông, xây dựng, sản xuất công nghiệp và các hoạt động dân sinh khác. Tình trạng ô nhiễm không khí ở miền Bắc cũng bị chi phối mạnh bởi quy luật của thời tiết. Ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở miền Bắc thường xuất hiện vào mùa đông, từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau khi trời ít mưa và điều kiện nghịch nhiệt xảy ra.
Kết quả nghiên cứu của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội về hoạt động đốt rơm rạ ở Hà Nội cũng cho thấy, quá trình đốt sản sinh ra nhiều chất gây ô nhiễm, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người như: CO, SO2, NOx, NH3, HC, bụi PM10, bụi PM2,5... Trong đó đáng lưu ý, lượng bụi mịn PM2.5 phát sinh từ hoạt động đốt rơm rạ là rất lớn.
Làm gì với “kẻ giết người thầm lặng”?
Một nghiên cứu từ Đại học Chicago (Mỹ) cho thấy, ô nhiễm không khí có thể làm giảm tuổi thọ trung bình xuống hơn 2 năm, tương đương tác hại của hút thuốc lá. Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, hít các loại khí thải từ hoạt động đốt rơm rạ trong thời gian dài sẽ tăng nguy cơ nhiễm các bệnh hô hấp và tim mạch.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định ô nhiễm không khí là “kẻ giết người thầm lặng”. Hồi tháng 8 năm nay, tổ chức này đưa ra con số: Ô nhiễm không khí gây ra 7 triệu ca tử vong sớm mỗi năm, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Theo thống kê WHO, cứ 100 người có 99 người phải hít thở trong bầu không khí ô nhiễm.
Để phòng ngừa và giảm tác động của ô nhiễm không khí, bác sĩ Lê Hoàn - Phó trưởng Khoa Nội tiết - Hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, khuyên mọi người cần chú ý ăn uống sạch, vệ sinh mũi họng hàng ngày. Đeo khẩu trang khi ra đường để hạn chế nguy cơ lây nhiễm. Hạn chế lưu thông lúc đường đông hay đi vào khu ô nhiễm như khu công nghiệp. Tăng cường tập thể dục nâng cao sức khỏe, cải thiện sức đề kháng. Hạn chế tập vào sáng sớm do thời điểm này dễ dẫn đến đột quỵ. Hạn chế đeo kính áp tròng, rửa tay khi về nhà, uống đủ nước.
Người dân nên theo dõi chỉ số chất lượng không khí (AQI) để xem lúc nào ảnh hưởng đến sức khỏe. Những lúc chỉ số cao, người già và trẻ em không nên ra đường, đặc biệt vào buổi sáng. Kể cả người bình thường đi đâu cũng nên xem chất lượng không khí như thế nào để hạn chế hít thở không khí ô nhiễm, tránh gây hại cho sức khỏe.
Với người ở nhà, cần hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào vào thời điểm chất lượng không khí xấu, đặc biệt là các nhà ở gần đường giao thông hoặc điểm ô nhiễm. Người mắc các bệnh về hô hấp cũng được các chuyên gia khuyến cáo không nên ra đường vào các thời điểm chỉ số AQI lên cao.