Được ví như “đại công trường” về hoạt động công nghiệp và xây dựng, TP Hồ Chí Minh đã tăng cường kiểm soát chất phát thải, bảo vệ môi trường.
Theo PGS.TS Hồ Quốc Bằng - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ô nhiễm không khí và Biến đổi khí hậu thuộc Viện Môi trường và Tài nguyên TPHCM, ngoài ô nhiễm từ phát thải của hoạt động giao thông thì hai “thủ phạm” gây ô nhiễm không khí chính kế đến là hoạt động xây dựng và hoạt động công nghiệp. Trong đó, ông Bằng đặc biệt lưu ý đến bụi mịn PM2.5, vốn là khí thải ra từ các phương tiện xe máy, chiếm khoảng gần 80% lượng bụi mịn do hoạt động giao thông gây ra.
Trong khi đó, theo PGS.TS Lê Thị Tuyết Lan - Chủ tịch Hội Hen suyễn, dị ứng và miễn dịch lâm sàng TPHCM, không chỉ gây các hệ quả rất rõ ràng đối với người già và người có tiền sử về bệnh lý thì ô nhiễm không khí cũng đang gây ra các tác động nặng nề đối với đặc biệt là trẻ em. Trong đó, các bệnh về hô hấp, tim mạch thường bị ngày càng được phát hiện nhiều hơn, các bệnh cấp khi ô nhiễm không khí gia tăng hàng năm.
Vẫn theo bà Lan, các cơ sở y tế vừa qua cũng phát hiện thêm 7 loại bệnh tự miễn có liên quan đến ô nhiễm không khí. Điều này cho thấy những vấn đề xã hội và y tế đang rất nan giải, cần có sự nhận thức đúng và giải pháp kịp thời.
Tham vấn kế hoạch không khí sạch, ông Trần Văn Bảy - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM cho biết, hiện thành phố đang triển khai dự án nâng cao năng lực và hành động cải thiện chất lượng không khí (dự án TA9608-REG), ngoài nghiên cứu chất lượng không khí tập trung vào hiện trạng chất lượng không khí, các tác động và quản lý thì dự án cũng nhắm đến tìm ra các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí thông qua đổi mới công nghệ, khuyến nghị chính sách và hỗ trợ nâng cao năng lực với các ước lượng chi phí đầu tư để kiểm soát các nguồn ô nhiễm không khí tại TPHCM. Về mục tiêu cụ thể, thành phố dự kiến đến năm 2025 vận tải hành khách công cộng đạt 15%; đến năm 2030 đạt 25%.
Đối với các nguồn phát thải từ hoạt động công nghiệp và hoạt động xây dựng, ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, thành phố đang triển khai các mục tiêu cụ thể về xử lý chất thải rắn, rác thải y tế và nâng cao công nghệ xử lý rác thải rắn. Ngoài ra, việc yêu cầu các cá nhân, tổ chức cam kết phân loại các nguồn rác thải, phát thải gây ô nhiễm tại nguồn cũng được chú trọng. Đồng thời, thành phố tiếp tục yêu cầu các sở, ngành tập trung kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm khí thải; nâng cao năng lực xử lý dữ liệu quan trắc từ các cơ sở sản xuất và công khai số liệu quan trắc tự động trong thời gian tới.
UBND TPHCM cũng đã đề ra nhiều giải pháp yêu cầu các đơn vị có liên quan thực hiện, trong đó quan trắc thường xuyên, liên tục chất lượng không khí. Song song với mở rộng mạng lưới quan trắc môi trường trên địa bàn, đảm bảo cập nhật thông tin về chất lượng môi trường không khí là các giải pháp để phát huy hiệu quả của cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”.