Khi câu chuyện về những bức tranh giả tại triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” từ tháng 7 năm ngoái vẫn còn râm ran, âm ỉ thì gần đây, giới mỹ thuật lại được phen xôn xao khi tác phẩm “Phố cũ” ký tên danh họa Bùi Xuân Phái được đưa ra đấu giá ở Hà Nội bị chính con trai ông - họa sĩ Bùi Thanh Phương, khẳng định là tranh giả. Gần đó, họa sĩ Phạm An Hải cũng lên tiếng khi anh phát giác bức tranh của anh bị làm giả trắng trợn, trong khi bức tranh thật thì vẫn treo ở nhà! Nghiêm trọng hơn, t
Tranh giả...
và tranh thật của họa sĩ Phạm An Hải.
1. Cụ thể, họa sĩ Pham An Hải cho biết: Hồi tháng 5 vừa qua, một người ở Hà Nội, anh C.H.L. có mua 5 bức tranh trị giá gần 300 triệu đồng từ ông Khánh - người có mối quan hệ rộng rãi với giới họa sĩ từ nhiều năm nay, trong đó có tôi. Anh L. tới một xưởng gỗ làm khung. Rất may chủ xưởng này cũng là người chơi tranh của tôi, nên nhìn ra tranh giả và đã nói với tôi. Tôi phát hiện bức “Dư âm phố cổ” là tranh giả vì tranh gốc, tranh thật vẫn đang treo ở nhà tôi (kích thước 60x80cm, sáng tác năm 2016). 2 bức nữa của một họa sĩ khác nhưng đã bị xóa tên và ký tên tôi vào đó. Tôi lập tức gọi điện cho anh L. để thông báo...
Trường hợp của họa sĩ Phạm An Hải cũng không phải cá biệt. Trong giới mỹ thuật, nhiều họa sĩ bị chép tranh trắng trợn nhưng vì những lý do khác nhau, các họa sĩ đã không đi tới cùng, tức là không đưa nhau ra tòa phân xử.
Cũng mới đây, bức tranh “Phố cũ” (kích thước 50x40 cm, chất liệu sơn dầu) của danh họa Bùi Xuân Phái được Nhà đấu giá Chọn đưa lên sàn đấu giá. Trước khi phiên đấu giá được mở, nhiều ý kiến cho rằng bức “Phố cũ” là tranh giả. Thậm chí, họa sĩ Bùi Thanh Phương - con trai của danh họa Bùi Xuân Phái cũng khẳng định, đây là tranh giả!
Trước đó, 2 bức tranh “Phố cũ” ký tên danh họa Bùi Xuân Phái cũng đã xuất hiện tại phiên đấu giả của Sotheby’s (Singapore) bán 11.443USD năm 2006, sau đó nhà Christie’s (Hong Kong) bán 12.804 USD vào 2014. Tuy nhiên, bất chấp những dị nghị, phiên đấu giá của Nhà Chọn vẫn diễn ra, với sự khẳng định của một hội đồng nghệ thuật ẩn danh rằng đây là tranh thật. Và cuối cùng, “Phố cũ” đã được nhà sưu tầm Phùng Quang Việt mua với giá 12.500 USD.
Bức “Phố cũ” của danh họa Bùi Xuân Phái vừa được đấu giá tại Việt Nam.
2. Giới chuyên gia am hiểu mỹ thuật Việt Nam lâu nay vẫn cho rằng, xưa nay, tranh giả vẫn tồn tại như một “thế giới ngầm”. Chứ không phải đến bây giờ khi mỗi bức tranh tính bằng chục ngàn đô la mới bị làm giả. Thời của “các cụ”, cũng đã có tranh giả rồi. Tuy vậy, người buôn tranh giả hồi đó còn hoạt động một cách dấm dúi. Tranh giả, tranh chép cũng còn xuất hiện trong trường hợp, chính các họa sĩ đã chép lại tranh của mình để bán, hoặc cũng có khi các bảo tàng chép lại tranh để trưng bày, còn tranh gốc cất đi - vì lý do chiến tranh, li tán… Còn bây giờ, có vẻ người ta làm công khai hơn.
Trước thị trường tranh bát nháo, “vàng thau lẫn lộn” thì không quá bất ngờ khi mới đây nhà báo Mỹ Richard C.Paddock đã thẳng thắn viết trên tờ The New York Times: “Tranh Việt Nam đang nổi tiếng hơn bao giờ hết nhưng thị trường lại ngập tràn tranh giả”. Bài viết đã gây dư chấn mạnh trong giới sưu tập tranh toàn thế giới. Giới cầm cọ ở trong nước cũng xôn xao bàn tán, nhưng vẻ như, điều ấy không phải là “chuyện lạ”, và cũng không thay đổi được cách làm của nhiều họa sĩ, nhiều “trùm tranh”.
Ngay cả với những họa sĩ bị chép tranh, họ cũng chọn sự im lặng, hoặc chấp nhận lời xin lỗi là “mọi thứ kết thúc”. Khi được hỏi sao không khởi kiện đến cùng vụ này, vì bằng chứng anh đã có rất rõ, họa sĩ Phạm An Hải cho biết là không, bởi toàn chỗ anh em với nhau, kiện thì được gì? “Ông Khánh khi bị phanh phui đã dập lửa bằng cách van xin người mua phải tranh giả là sẽ đáp ứng các yêu cầu như trả lại tiền, van xin người bị lừa không khởi kiện... Nhưng tôi nghĩ, khi sự việc được đăng tải trên báo chí, đấy cũng là một cách tố giác tội phạm và các cơ quan bảo vệ pháp luật hoàn toàn có thể vào cuộc”- họa sĩ Phạm An Hải chia sẻ.
Hay như họa sĩ Phạm Lực kể, có lần ông biết một cơ sở chuyên sao chép tranh của mình, nên tìm đến tận nơi khuyên nhủ. Nào ngờ chưa kịp giới thiệu xong họ tên, kẻ sao chép tranh đã muốn nói chuyện bằng “tay chân” với ông. Kể từ đó, ông chọn cách “sống chung với lũ”, dù biết tranh của mình bị làm giả, bày bán ở nhiều nơi, nhưng “nhắm mắt cho qua”, vì biết có lên tiếng cũng chẳng ai giải quyết.
Họa sĩ Trần Khánh Chương- chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cũng cho rằng, theo đuổi một vụ kiện tụng tranh giả hay tranh chép vi phạm không hoàn toàn đơn giản. Chép tranh ở Việt Nam nhiều nhưng không có vụ nào xử lý đến nơi đến chốn. Bên cạnh đó, vấn đề bảo hộ bản quyền hiện nay cũng đang có nhiều bất cập. Luật Bản quyền thế giới quy định bản quyền chỉ được bảo hộ trong vòng 70 năm (Luật Bản quyền của Việt Nam quy định 50 năm). Cho nên, đối với nhiều tác giả nổi tiếng trên thế giới sau khi họ mất 50 năm, người ta có quyền chép lại tranh của họ mà không hề vi phạm pháp luật.
Theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn, cho đến lúc này, chỉ có bộ sưu tập tranh của Thu Giang (vợ danh họa Nguyễn Tư Nghiêm) được Nhà nước cấp phép mở bảo tàng tư nhân Nguyễn Tư Nghiêm là bộ sưu tập được giữ tương đối trọn vẹn những tác phẩm của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm, là tác phẩm chân bản, có thể tin cậy tuyệt đối. Còn lại, tranh của hàng loạt các danh họa khác đều đang bị làm giả rất nhiều và đã trở thành vấn nạn quốc gia...
3.Bên cạnh đó, theo họa sĩ Trần Khánh Chương, giới họa sĩ Việt Nam chưa có thói quen đăng ký bản quyền cho tác phẩm hội họa của mình. “Đó là lý do lớn khiến tranh chép, tranh giả ngày càng lan tràn, khó kiểm soát. Mà việc đăng ký cũng không quá rườm rà, chỉ cần báo cáo với Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) kèm theo mức phí là 500.000 đồng”- ông Chương nhấn mạnh, đồng thời chỉ ra nghịch lý: “Họa sĩ nổi tiếng thì không đăng ký bản quyền trong khi những người không nổi tiếng thì lại đăng ký và cầm tờ đăng ký đó đi khoe. Nhưng tranh của ông không nổi tiếng thì người ta sao chép làm cái gì”.
Theo ông Chương, tranh giả dễ cảm nhận nhưng để chứng minh thì không dễ chút nào. Đa số các chuyên gia chỉ có “thẩm định” bằng cảm nhận và kinh nghiệm của mình. Việc chứng minh bức tranh đó là bản gốc rất khó và nếu muốn khẳng định phải đưa ra được những bằng chứng xác thực.
Trong khi đó, giới họa sĩ đương đại nhiều người lại sợ mất thời gian, sợ thủ tục nhiêu khê nên rất ít người đi đăng ký bản quyền. Bên cạnh đó, giới họa sĩ cho rằng, vẽ là công việc hàng ngày, ngày nào cũng vẽ, mà bức nào cũng đăng ký bản quyền thì quá tốn thời gian, còn hứng thú đâu để vẽ.
Tuy nhiên, muốn đẩy lùi nạn tranh giả thì giới họa sĩ phải cùng nhau liên kết và có những phản ứng mạnh mẽ trước nạn tranh giả. Nói như họa sĩ Lương Xuân Đoàn - phó chủ tịch thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam, phải làm sạch thị trường, thay máu hoàn toàn thì mới hết nạn tranh giả được.
“Không ai có thể bảo vệ được họa sĩ bằng chính họ. Là một hội nghề nghiệp, chúng tôi chỉ lên tiếng chứ không trực tiếp đi giải quyết vụ việc được. Chúng tôi chỉ thực sự vào cuộc khi họa sĩ kêu cứu” - họa sĩ Lương Xuân Đoàn nói.