Quốc tế

Bước ngoặt về quản lý trí tuệ nhân tạo

Thanh Đức 11/12/2023 08:23

Sau gần 15 giờ đàm phán, ngày 9/12, Liên minh châu Âu (EU) đạt thỏa thuận về việc soạn thảo quy định quản lý sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI).

anh-chinh(5).jpg
AI tiếp tục gây tranh cãi. Nguồn: Bloomberg.

Theo Cao ủy Thị trường nội bộ và công nghiệp của EU Thierry Breton, thỏa thuận mới mang tính lịch sử. Thỏa thuận bao gồm các yêu cầu về tính minh bạch đối với tất cả các mô hình AI tổng hợp và các yêu cầu khắt khe hơn đối với các mô hình mạnh mẽ hơn. Bên cạnh đó là những hạn chế trong việc sử dụng AI trong hệ thống giám sát sinh trắc học từ xa - về cơ bản là nhận dạng khuôn mặt thông qua dữ liệu camera ở những nơi công cộng.

Với thỏa thuận này, EU đang tiến gần hơn đến việc trở thành khu vực đầu tiên ban hành luật quản lý AI. Tháng 10, Tổng thống Mỹ Joe Biden ban hành lệnh hành pháp về các tiêu chuẩn an toàn của AI, trong khi Trung Quốc cũng đưa ra luật quản lý AI hồi tháng 8.

Với thỏa thuận mới, EU sẽ theo dõi và trừng phạt những đối tượng vi phạm luật thông qua một cơ quan mới, gọi là Văn phòng AI EU trực thuộc Ủy ban châu Âu (EC). Văn phòng có thẩm quyền đưa ra mức phạt đến 7% doanh thu của công ty hoặc 35 triệu euro.

Đạo luật AI đã được gấp rút xúc tiến trong nghị viện EU trong năm 2023, sau khi chatbot ChatGPT tạo ra sự bùng nổ vào cuối năm 2022. Năng lực của ChatGPT là minh chứng về sự tiến bộ của AI nhưng đã có những lo ngại về việc công nghệ này có thể bị lạm dụng.

Mỹ, Anh và 16 quốc gia khác đã công bố một tài liệu hướng dẫn được coi là “thỏa thuận quốc tế đầu tiên” về quản lý AI. Tài liệu này dài 20 trang, được 18 quốc gia ký kết, nhất trí rằng các công ty nghiên cứu và ứng dụng AI cần phát triển và triển khai công nghệ này theo cách giúp khách hàng và công chúng không bị lạm dụng.

Tuy nhiên, thỏa thuận này không mang tính ràng buộc mà chủ yếu đưa ra các khuyến nghị chung, chẳng hạn như giám sát các hệ thống AI để phát hiện và ngăn chặn hành vi lạm dụng, bảo vệ dữ liệu và kiểm tra các nhà cung cấp phần mềm.

Giám đốc Cơ quan an ninh mạng và cơ sở hạ tầng Mỹ Jen Easterly cho biết điều quan trọng là đã có nhiều quốc gia cùng chung quan điểm rằng các hệ thống AI cần đặt sự an toàn lên hàng đầu. “Chúng ta bị cuốn hút bởi tốc độ của công nghệ, nhưng các công ty công nghệ phải có trách nhiệm về vấn đề đạo đức xã hội, thay vì chỉ nhằm tối ưu hóa lợi nhuận” - bà Easterly nói.

Trong năm 2023, tranh cãi xung quanh việc phát triển và ứng dụng AI, nhất là chatGPT, đã lôi kéo sự tham gia của nhiều quốc gia, tập đoàn. Nơi thì đón nhận AI một cách nồng nhiệt, nơi lại cấm hoặc hạn chế.

Nhiều quốc gia lo ngại khi ngày càng có nhiều người sử dụng ChatGPT trong công việc hằng ngày, thông tin cá nhân, thông tin doanh nghiệp, kể cả bí mật quốc gia cũng có thể bị lộ.

Tại Singapore, Bộ Thông tin và Truyền thông (MCI) đã gửi cho các nhân viên chính quyền bản hướng dẫn về việc sử dụng ChatGPT và các công cụ AI tương tự; yêu cầu không cung cấp thông tin nhạy cảm cho các ứng dụng này.

Tại Nhật Bản, chính quyền thành phố Yokosuka không cho phép công chức nhập thông tin cá nhân khi sử dụng ChatGPT. Ở Tokyo, nhằm giảm thiểu việc rò rỉ thông tin mật, chính quyền đã thành lập một nhóm để kiểm tra tính hiệu quả của ChatGPT và đưa ra hướng dẫn sử dụng. Bộ trưởng Kỹ thuật số Kono Taro lại nhấn mạnh việc sử dụng AI tạo sinh (generative AI) sẽ mang lại lợi ích to lớn tại nơi làm việc của chính quyền trung ương miễn là dữ liệu được xử lý cẩn thận.

Tại Austrlia, những ứng dụng AI như ChatGPT sẽ được phép sử dụng tại tất cả các trường học từ năm 2024 sau khi các quan chức giáo dục cấp cao chính thức ủng hộ khuôn khổ quốc gia hướng dẫn sử dụng công nghệ mới. Bộ trưởng Giáo dục Jason Clare, khẳng định ChatGPT “sẽ không biến mất” và “chúng ta phải học cách sử dụng nó tương tự như các ứng dụng intenet”.

Trở lại với thỏa thuận mới nhất của EU về quy định quản lý sử dụng AI, có thể thấy câu chuyện vẫn sẽ nóng trong năm 2024. Tuy vậy, điều cơ bản rút ra là không thể “quay lưng” với AI, nhưng rất cần những quy tắc công nghệ lẫn đạo đức khi phát triển cũng như sử dụng nó.

Bà Anita Anand - nguyên Chủ tịch Ủy ban Tài chính Canada cho biết, chính phủ liên bang đã đưa ra các hướng dẫn mới cho những nhân viên muốn sử dụng các công cụ AI, như ChatGPT, trong công việc để đảm bảo công nghệ này được sử dụng một cách có trách nhiệm. Chính phủ Canada cũng sẽ giám sát cách sử dụng AI để đề phòng các vấn đề tiềm ẩn, trong đó có mối đe dọa an ninh mạng, thành kiến, vi phạm quyền riêng tư và thông tin không chính xác. Nếu sử dụng AI tạo sinh để trả lời công dân, trả lời các câu hỏi thông qua chatbot, tạo tài liệu hoặc đưa ra quyết định thì bộ phận đó phải minh bạch về việc sử dụng công nghệ liên quan.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bước ngoặt về quản lý trí tuệ nhân tạo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO