Huấn luyện an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) cho người sử dụng lao động và người lao động (NLĐ) là quy định bắt buộc phải thực hiện theo Bộ luật Lao động và Luật ATVSLĐ. Đây được xem quy trình nhằm nâng cao nhận thức cũng như kỹ năng nhằm bảo vệ an toàn cho NLĐ trong quá trình làm việc. Tuy nhiên, quy định này vẫn bỏ ngỏ.
Nếu ở giai đoạn 1995-2005, trung bình có 2.600 vụ TNLĐ/năm, làm 260 người chết thì đến giai đoạn 2006-2016 đã lên tới 6.000 vụ/năm, làm 600 người chết; thiệt hại khoảng 200 tỷ đồng/năm và mất khoảng 100.000 ngày công nghỉ vì TNLĐ/năm. Song, đây mới chỉ là con số thống kê được từ khoảng 5-7% số DN có báo cáo hàng năm. Ngoài ra, số NLĐ bị mắc bệnh nghề nghiệp thuộc danh mục 34 bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm tích lũy đến nay đã có trên 30.000 trường hợp.
Theo các chuyên gia, thực trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, quan trọng nhất là do thiếu tiêu chuẩn và quy chuẩn về ATVSLĐ và chưa phù hợp cho từng ngành nghề, công việc, máy, thiết bị, hóa chất; do năng lực quản lý nhà nước về ATVSLĐ chưa đáp ứng được yêu cầu gia tăng nhanh chóng về số DN và công nhân lao động…Thống kê hàng năm, TNLĐ do nguyên nhân công tác huấn luyện ATVSLĐ không tốt chiếm khoảng 15% tổng số TNLĐ.
Đánh giá việc triển khai huấn luyện an toàn lao động, Cục An toàn lao động, Bộ LĐTBXH cho biết, dù từ năm 2013 đến nay, bình quân mỗi năm có khoảng 4,5-5 triệu lao động được huấn luyện - tăng gấp 10 lần so với trước đây, nhưng vẫn còn khoảng cách quá lớn so với yêu cầu thực tế. Đặc biệt, từ ngày 1/7/2016, các đối tượng huấn luyện theo quy định của Luật AT-VSLĐ được mở rộng đến khu vực không có quan hệ lao động với khoảng trên 35 triệu người, nâng tổng số lao động cần huấn luyện lên khoảng 55 triệu người. Đáng lo ngại chất lượng huấn luyện mặc dù đã được nâng lên nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế, nội dung huấn luyện chưa gắn với thực tiễn tại nơi làm việc; tình trạng mua bán giấy chứng nhận huấn luyện vẫn xảy ra ở nhiều nơi. Nhiều vụ TNLĐ xảy ra do NLĐ không tuân thủ quy trình làm việc cho thấy chất lượng công tác huấn luyện ở nhiều nơi còn bỏ ngỏ.
Để triển khai kịp thời và có hiệu quả Luật ATVSLĐ, nhiều văn bản hướng dẫn đã được Chính phủ, bộ, ngành chức năng ban hành. Đáng chú ý ngành chức năng đã thực hiện nhiều cuộc thanh kiểm tra đơn cử như riêng năm 2017, Cục An toàn lao động cũng đã phối hợp với Thanh tra Bộ thực hiện kiểm tra khoảng hơn 40 tổ chức huấn luyện về ATVSLĐ. Đồng thời phối hợp với Sở LĐTB&XH các địa phương tổ chức 06 đoàn kiểm tra tại 30 doanh nghiệp và hơn 20 tổ chức hoạt động kiểm định; tập trung kiểm tra đối với các cơ sở hoạt động huấn luyện ATVSLĐ và kiểm định kỹ thuật an toàn lao động. Qua kiểm tra đã thu hồi 78 kết quả kiểm định kỹ thuật an toàn lao động và yêu cầu các tổ chức hoạt động kiểm định nghiêm túc tuân thủ các quy định pháp luật, quy trình kiểm định trong quá trình cung cấp dịch vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động;
Tuy nhiên, đánh giá việc triển khai Luật ATVSLĐ Bộ LĐTB&XH thừa nhận, việc triển khai luật gặp không ít khó khăn, vướng mắc như vẫn tồn tại nhiều phức tạp trong công tác quản lý hoạt động kiểm định dẫn đến 1 đối tượng thiết bị, 1 kiểm định viên làm kiểm định có thể phải xin nhiều giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định từ nhiều bộ quản lý.
Phản ánh từ nhiều địa phương cho biết, chính sách xã hội hóa hoạt động huấn luyện về ATVSLĐ có thể huy động được các nguồn lực trong xã hội cho công tác huấn luyện ATVSLĐ, tuy kiểm soát được “đầu vào” thông qua thẩm định của Cục An toàn lao động, Bộ LĐTB&XH hay Sở LĐTB&XH về điều kiện bảo đảm cơ sở vật chất, giảng viên huấn luyện, nhưng cũng đặt ra vấn đề khó kiểm soát chất lượng “đầu ra” của các hợp đồng dịch vụ huấn luyện này.
Nhằm khắc phục tình trạng trên, ông Hà Tất Thắng - Cục trưởng Cục An toàn lao động - cho biết, Bộ LĐTB&XH sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan để rà soát, đề xuất Chính phủ tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong công tác quản lý máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ.