Bứt phá xuất khẩu trái cây

Hải Nhi 05/01/2021 07:00

Trái cây Việt Nam sẽ có những bứt phá lớn trong thời gian tới và là mặt hàng chủ lực trong xuất khẩu nông sản Việt Nam.

Năm 2020, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 41,25 tỷ USD.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định: Cùng với quy hoạch vùng, liên kết doanh nghiệp sản xuất chuỗi, tăng cường khả năng bảo quản, chế biến, tháo gỡ khó khăn trong thị trường và tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại, thế hệ mới trái cây Việt Nam sẽ có những bứt phá lớn trong thời gian tới và là mặt hàng chủ lực trong xuất khẩu nông sản Việt Nam.

Biến nông sản cấp tỉnh thành hàng hoá tỷ đô

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường vừa dẫn đầu Đoàn công tác của Bộ NNPTNT thăm tỉnh Bắc Giang - một trong những điểm sáng xuất khẩu nông sản năm 2020.

Đến thăm một số vườn cây ăn quả của huyện Lục Ngạn, đánh giá cao cách làm của tỉnh, Bộ trưởng cho rằng: Bắc Giang là một trong tỉnh đi tiên phong khai thác lợi thế của sản phẩm cấp tỉnh. Bắc Giang vốn được biết đến là tỉnh miền núi, với diện tích đồi gò lớn, những năm qua Bắc Giang đã khai thác tốt lợi thế này, đặc biệt khai thác thế mạnh để phát triển cây ăn quả. Lục Ngạn là một vùng nổi tiếng về vải thiều, cùng với đó có các cây trồng khác. Hiện nay họ cây có múi như cam ngọt thâm canh tại đây cũng đạt năng suất rất cao, năng suất một số vườn lên đến 50 tấn/ha, hiệu quả kinh tế từ 1 - 2 tỷ đồng/ha.

“Qua đây cho thấy, nếu tổ chức sản xuất tốt, biết cách khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương thì chính những nhóm sản phẩm của cấp tỉnh cũng sẽ trở thành mặt hàng trăm triệu USD và tiến tới tỷ USD. Đó là một trong những định hướng mà Bộ NNPTNT khuyến khích các tỉnh, thành phố trong cả nước cùng nghiên cứu, khai thác giống, sản phẩm mà địa phương có lợi thế như cách triển khai của Bắc Giang” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) Nguyễn Như Cường, hạn chế lớn nhất trong sản xuất cây ăn quả ở nước ta hiện nay là quy mô nhỏ lẻ, phân tán, khó đầu tư cơ sở hạ tầng và tổ chức liên kết sản xuất; năng suất bình quân nhiều loại cây ăn quả thấp. Bên cạnh đó, hệ thống phân phối, tiêu thụ sản phẩm của các vùng sản xuất cây ăn quả của Việt Nam chưa chuyên nghiệp, đặc biệt là thiếu vắng các doanh nghiệp lớn tham gia sản xuất, xuất khẩu…

Để khắc phục hạn chế này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, Bộ NNPTNT tiếp tục cùng các địa phương rà soát xây dựng, phát triển các vùng sản xuất cây ăn quả theo hướng hàng hóa tập trung. Đồng thời, xây dựng các đề án, kế hoạch phát triển cây ăn quả chủ lực toàn quốc, trong đó chú trọng yếu tố thị trường, đặc biệt là các thị trường lớn, chính ngạch.

Đồng thời, Bộ trưởng lưu ý, các địa phương căn cứ vào thế mạnh, sản phẩm đặc sản để đẩy mạnh phát triển các loại cây trồng căn cứ theo thị trường. Đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi, xây dựng thương hiệu, liên kết với doanh nghiệp để sản xuất, đáp ứng các yêu cầu về xuất khẩu, đặc biệt cần nâng cao năng lực chế biến cho mặt hàng trái cây.

Khẳng định vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Năm 2020, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 41,25 tỷ USD. Thúc đẩy xuất khẩu trái cây trở thành mặt hàng chủ lực, Bộ NNPTNT vừa có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đến năm 2030”. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2030, Việt Nam là 1 trong 10 nước chế biến nông, lâm, thủy sản hàng đầu thế giới.

Trong Tờ trình, Bộ NNPTNT nhấn mạnh, trong thành tựu xuất khẩu của cả nước, ngành nông nghiệp đã góp phần rất lớn, là ngành duy nhất liên tục duy trì xuất siêu. Hiện nay, Việt Nam đứng thứ 16 trên thế giới về kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, với một số mặt hàng chính có kim ngạch xuất khẩu hàng năm trên 1 tỷ USD là gạo, rau quả, cà phê, điều, cao su, gỗ và sản phẩm từ gỗ, thủy sản (tôm và cá tra).

Tuy nhiên, trên thị trường thế giới, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của việt Nam vẫn chủ yếu tăng về lượng, tỷ trọng hàng hóa chế biến sâu và giá trị gia tăng chưa cao. Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản chủ yếu tập trung vào các nhóm mặt hàng chính tại một số thị trường như: Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản... đặc biệt là thị trường Trung Quốc; vẫn tồn tại các lô hàng xuất khẩu chưa đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của thị trường quốc tế.

Do vậy, “Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đến năm 2030” là rất cần thiết trong thực tiễn, nhằm đạt được các mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu nông, lâm, thủy sản và thực phẩm với chất lượng cao trong khu vực ASEAN và trên thế giới, có vị thế vững chắc trong chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản và thực phẩm toàn cầu.

Về con số cụ thể, mục tiêu đến năm 2025, giá trị xuất khẩu các sản phẩm nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đạt khoảng 50-51 tỷ USD.

Đến năm 2030, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đạt khoảng 60-62 tỷ USD; khoảng 40% sản phẩm nông, lâm, thủy sản của Việt Nam xuất khẩu được gắn thương hiệu quốc gia, 70% sản phẩm truy xuất được nguồn gốc; khoảng 60% giá trị xuất khẩu các sản phẩm nông, lâm, thủy sản là qua chế biến và chế biến sâu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bứt phá xuất khẩu trái cây