Cá nhân có tài sản thế chấp bảo đảm tiền vay có quyền gì trước, trong, sau khi đấu giá thành?

PV (theo VGP) 16/04/2018 14:30

Qua Hệ thống Tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, ông Nguyễn Công Lượng (Hà Tĩnh) đề nghị cơ quan chức năng làm rõ một số nội dung quy định tại Điều 5 Luật Đấu giá tài sản.

Khoản 5, Điều 5 Luật Đấu giá tài sản số 01/2016/QH14 ngày 17/11/2016 giải thích: “Người có tài sảnđấu giá là cá nhân, tổ chức sở hữu tài sản, người được chủ sở hữu tài sản ủy quyền bán đấu giá tài sản hoặc người có quyền đưa tài sản ra đấu giá theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật”.

Theo nội dung trên, trong trường hợp cá nhân có tài sản thế chấp, bảo đảm cho pháp nhân vay vốn tín dụng phải thi hành án dân sự, Chấp hành viên Cơ quan thi hành án dân sự ký hợp đồng với Tổ chức bán đấu giá tài sản, bán tài sản thế chấp để thu hồi nợ theo yêu cầu của tổ chức tín dụng.

Ông Lượng hỏi, trong trường hợp này, người có tài sản đấu giá có phải là người có tài sản thế chấp bảo đảm tiền vay phải thi hành án dân sự đưa ra bán đấu giá không hay Cơ quan thi hành án dân sự là người có tài sản đấu giá? Cá nhân có tài sản thế chấp bảo đảm tiền vay có quyền gì trước, trong, sau khi đấu giá thành?

Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp trả lời như sau:

Theo quy định tại Khoản 5, Điều 5 và Khoản 1, Điều 33 Luật Đấu giá tài sản thì người có tài sản đấu giá là cá nhân, tổ chức sở hữu tài sản, người được chủ sở hữu tài sản uỷ quyền bán đấu giá tài sản hoặc người có quyền đưa tài sản ra đấu giá theo thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật. Người có tài sản đấu giá ký kết hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản với tổ chức đấu giá tài sản để thực hiện việc đấu giá tài sản.

Theo Khoản 2, Điều 101 Luật Thi hành án thì đương sự có quyền thoả thuận về tổ chức bán đấu giá. Chấp hành viên ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản với tổ chức bán đấu giá do đương sự thoả thuận. Trường hợp đương sự không thoả thuận được thì Chấp hành viên lựa chọn tổ chức bán đấu giá để ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản.

Căn cứ quy định pháp luật nêu trên, Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp thấy rằng trong trường hợp Cơ quan thi hành án dân sự (Chấp hành viên) ký kết hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản với tổ chức đấu giá tài sản để đấu giá tài sản đã kê biên thì Cơ quan thi hành án dân sự (Chấp hành viên) thuộc trường hợp người có quyền đưa tài sản ra đấu giá theo quy định của pháp luật.

Do đó, trong trường hợp này Cơ quan thi hành án dân sự (Chấp hành viên) là người có tài sản đấu giá.

Luật Đấu giá tài sản được xây dựng trên quan điểm chỉ đạo là luật hình thức, quy định thống nhất về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản. Những nội dung liên quan đến giai đoạn trước khi ký kết hợp đồng dịch vụ đấu giá như việc định giá để xác định giá khởi điểm, giám định tài sản và giai đoạn sau khi đấu giá thành như việc thực hiện hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng không thuộc trình tự, thủ tục đấu giá được thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành áp dụng đối với loại tài sản đó.

Bộ luật Dân sự, pháp luật về giao dịch bảo đảm đã quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ và các vấn đề có liên quan đến người thế chấp, người nhận thế chấp khi thực hiện việc thế chấp.

Luật Đấu giá tài sản không có quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ của người có tài sản thế chấp bảo đảm tiền vay trong quá trình tổ chức đấu giá. Do đó, trường hợp người có tài sản thế chấp bảo đảm tiền vay đáp ứng điều kiện đăng ký tham gia đấu giá thì có thể đăng ký tham gia đấu giá và có các quyền, nghĩa vụ của người đăng ký tham gia đấu giá theo quy định của Luật Đấu giá tài sản và pháp luật có liên quan.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cá nhân có tài sản thế chấp bảo đảm tiền vay có quyền gì trước, trong, sau khi đấu giá thành?