Sang tuổi 72 nhưng tới đây trong hành trình hoạt động từ thiện - Vòng tay nhân ái, ca sĩ Khánh Ly sẽ tổ chức chuỗi đêm nhạc dài hơi mang tên “Khánh Ly: 55 năm hát tình ca” tại 4 thành phố lớn là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Nha Trang. Nhân dịp này, PV Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với nữ danh ca Khánh Ly.
Ca sĩ Khánh Ly.
PV: Thưa bà, chuỗi đêm nhạc “Khánh Ly: 55 năm hát tình ca” sẽ bắt đầu tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào tối 9/9, sau đó sẽ lần lượt ra mắt khán giả Huế, TP HCM, Đà Nẵng và Nha Trang trong vòng 1 tháng. Lý do gì bà lại chọn Hà Nội để bắt đầu tour diễn?
Ca sĩ Khánh Ly: Tôi xin được trở lại nơi tôi bắt đầu, để tìm mơ ước của mình. Được hát trong một đêm nhạc của riêng mình vào mùa thu, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, là ước nguyện từ lâu của tôi. Lúc nào tôi cũng nghĩ tới Hà Nội. Nếu Sài Gòn là nơi tôi được mọi người biết đến như một ca sĩ thì Hà Nội là nơi tôi được sinh ra như một đứa nhỏ bé bỏng, dại dột. Tuổi của tôi bây giờ, nói tới những mơ ước không thành là điều không nên, vì không ai có thể làm lại cuộc đời hay sửa chữa những lỗi lầm của mình ở độ tuổi này.
Nhưng như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng nói, ai rồi cũng phải trở về căn nhà của mình. “Khánh Ly: 55 năm hát tình” ca không chỉ là dịp để tôi kỷ niệm chặng đường ca hát nhiều kỷ niệm và ân tình của mình mà còn là thời điểm để nhìn lại một chặng đường đời đã qua với những vui buồn của phận người trải qua nhiều biến cố.
Đêm nhạc 55 năm, như mọi người nói, là một buổi biểu diễn lớn. Nhưng với tôi, buổi diễn nào cũng lớn cả. Tôi khi nào cũng thấy mình sống chưa đủ, hát chưa đủ. Nhìn lại 55 năm chỉ trong 2, 3 tiếng đồng hồ với tôi không đủ đâu. Tôi yêu hát quá. Không cho tôi hát, tôi sẽ điên mất. Mấy năm rồi tôi bị đau, đi hát chỉ đứng có một chân, mà tôi vẫn lên sân khấu. Khi nào cầu nguyện tôi cũng xin được hát cho tới chết.
Vậy đâu là điều hấp dẫn mà bà sẽ mang đến cho khán giả trong chương trình?
- Cách đây vài năm tôi về Việt Nam, nhiều người kêu rằng “cái con mẹ già này chắc thều thào không ra hơi, còn hát hò gì”. Nhưng người già có cái hay của người già, người trẻ có cái hay của người trẻ.
Chương trình chia làm 4 chương đánh dấu 4 mốc quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp của tôi. Chương đầu tiên của concert đặc biệt này mang tên Hà Nội xưa gồm các tình khúc của Nguyễn Văn Khánh, Văn Cao, Đoàn Chuẩn, Từ Linh, Đặng Thế Phong, Phạm Duy như: Ngày trở về, Bến xuân, Lá đổ muôn chiều, Chiều vàng. Chương 2 của đêm nhạc mang tên Trịnh Công Sơn sẽ là hoài niệm với các ca khúc mang nhiều dấu ấn. Chương 3 mang tên Đời viễn xứ, Khánh Ly sẽ hát các tình khúc của Ngô Thuỵ Miên, Anh Bằng, Vũ Thành An, Lam Phương, Từ Công Phụng. Trong đó có thể kể đến: Đời đá vàng, Mùa thu mây ngàn, Chờ… đều là các tác phẩm gắn liền với tên tuổi Khánh Ly.
Ở phần này, khán giả không chỉ được sống lại những kỷ niệm, được nghe giọng ca số một với tác phẩm Trịnh Công Sơn mà lần đầu tiên được lắng nghe những mẩu chuyện xúc động nhất qua những hình ảnh mà ê kip dày công thực hiện. Khép lại đêm nhạc bằng một giấc mơ trở về cố hương, Khánh Ly gọi tên chương 4 trong concert là Quê hương Việt Nam – Vòng tay nhân ái.
Khi nhắc tới Khánh Ly không thể không nhắc đến nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Bà có thể chia sẻ về mối “lương duyên” đặc biệt này?
- Từ 16 tuổi, tôi đã đi hát. Cả những nơi người ta không cho mình hát, tôi cũng cứ leo lên để hát. Tôi hát cho tôi, hát vì tôi yêu những bài hát đó. Vài năm sau tôi gặp Trịnh Công Sơn, chắc ông ấy thấy tôi buồn cười nên rủ tôi từ Đà Lạt về Sài Gòn hát. Nhưng tôi không về, vì nghĩ ở đó quá ồn ào, chen chúc, không phải chỗ của mình. Rồi không hiểu sao, tôi cũng bỏ Đà Lạt về đó. Suốt 3 năm về đó, tôi không biết ông Sơn ở đâu cả.
Tình cờ chúng tôi gặp nhau trên đường phố, ông ấy hỏi rằng: Có rảnh không, mai đi hát cùng anh? Tôi nhớ đó là một tối thứ 6. Tôi tới nơi diễn, đó chỉ là một bãi đất hoang, cỏ dại mọc tùm lum, sân khấu lợp lá sơ sài. Tôi không thể tưởng tượng được rằng ở Sài Gòn lại có một nơi đông người tới xem như thế mà không có một cái ghế nào, tất cả đều ngồi dưới đất hết. Khi lên hát, tôi phải bỏ cả giày ra, đi chân đất để hát. Sau đêm đó, một tờ báo viết về tôi, đăng ngay trang nhất. Thế là cả Sài Gòn biết rằng có một cô ca sĩ tên là Khánh Ly và một nhạc sĩ tên là Trịnh Công Sơn.
Vậy là tên tuổi của Trịnh Công Sơn cũng chỉ thực sự được biết đến khi gắn với Khánh Ly?
- Ông Sơn từng đưa nhạc cho Thái Thanh, Lệ Thu, Bạch Yến, Hà Thanh hát, nhưng chẳng ai biết Trịnh Công Sơn là ai cả. Chỉ sau cái đêm đó, ở Sài Gòn mọi người mới biết đến một nhạc sĩ có ca từ lạ và đẹp đến thế. Ông Sơn không bao giờ yêu cầu ai phải hát thế này, thế kia. Ông ấy cũng không dạy tôi hát.
Tôi có cách hát không giống ai đơn giản vì tôi hát nó như thế, chứ không ai dạy cho tôi cả. 55 năm đi hát, tôi không hề biết một nốt nhạc nào, cứ hát là hát thôi. Đó là điều bất lợi cho ca sĩ, nhưng cũng vì mình không áp dụng kỹ thuật vào ca hát nên mình giữ được chất của mình, không bắt chước ai cả. Tôi quan niệm đơn giản mình đi hát như một cái vòi nước, mở ra là chảy, thế thôi.
Ở tuổi cần phải nghỉ ngơi nhưng sau khi người chồng có vị trí rất lớn trong cuộc đời bà mất, cuộc sống của bà đã thay đổi như thế nào?
- Tôi là người rất nghe lời chồng và... sợ con. Tôi có 4 đứa con, 3 đứa lớn đã có cuộc sống riêng, tôi sống với đứa con gái út độc thân. Tôi chiều con lắm, cất công đun nồi cá kho 3 ngày cho thật ngon để con đãi bạn. Các con của tôi cũng có những mối quan tâm riêng trong đời sống, có nhiều khi không đáp ứng được nhu cầu tình cảm của mẹ, dù chỉ là đôi câu hỏi han.
Nhưng tôi không buồn. Đó là lỗi của tôi không khiến con yêu mình nhiều hơn. Nếu buồn vì chuyện đó thì là do tôi tự mình ôm cái khổ. Tôi cho rằng người sinh thành có bổn phận với con cái chứ không phải ngược lại.
Xin cảm ơn bà!