Chia sẻ về những băn khoăn AI có thể sẽ “lấn sân” giải trí, ca sĩ Trần Đăng Quang cho rằng, mỗi ca sĩ đều thể hiện một màu sắc âm nhạc riêng và hình ảnh riêng mang tới khán giả. Anh cũng là người nỗ lực trong việc luôn “làm mới” mình trước công chúng, bởi vậy với ca sĩ Trần Đăng Quang sự cạnh tranh giữa ca sĩ ảo và ca sĩ thực không đáng lo ngại.
PV: Anh cảm thấy thế nào khi nghe Ann hát?
- Tôi cảm thấy rất phấn khích khi lần đầu tiên nghe đến ca sĩ ảo, vì trước đây tôi đã theo dõi trên mạng thấy có rất nhiều quốc gia đã xây dựng những thần tượng nghệ sĩ bằng AI như: Nhật Bản, Hàn Quốc, nhưng hiện tại ở Việt Nam thì Ann đang là ca sĩ đầu tiên. Tôi đã xem sản phẩm “Làm sao nói thương anh”, theo tôi đây là sản phẩm hay, có xúc cảm từ câu từ, cách hát, cách nhấn nhá và thậm chí là cảm xúc trong bài hát đều cho tôi liên tưởng đến Ann như một nghệ sĩ đời thực đang hát chứ không phải là một ca sĩ ảo.
Vậy anh có lo lắng ca sĩ ảo cạnh tranh với ca sĩ ngoài đời thực hay không?
- (Cười) Tôi cho rằng mỗi ca sĩ đều thể hiện một màu sắc âm nhạc riêng và đều có hình ảnh riêng mang đến công chúng. Vì vậy khi công chúng đã thần tượng một nghệ sĩ nào thì người nghệ sĩ đó phải hội tụ rất nhiều yếu tố. Ngoại trừ những yếu tố như: âm nhạc hay, ca từ hay, hát hay, thì còn do lối sống, cách nhìn... Vì vậy sự cạnh tranh giữa ca sĩ ảo và ca sĩ ngoài đời thực không phải là điều tôi lo lắng.
Có những ý kiến cho rằng lợi thế của thần tượng âm nhạc ảo chính là không dính vào những tai tiếng đời tư. Hay trình diễn liên tục mà không ảnh hưởng về tuổi tác và kỹ năng. Anh nghĩ như thế nào về quan điểm này?
- Thực ra ở thời điểm hiện tại, công chúng tìm đến âm nhạc như một món ăn tinh thần. Ngay những bài hát của tôi như: “Đánh mất em”, “Trò đùa”, “Tương tư thành họa”… hay những ca khúc đã ra mắt thì với tôi như món ăn tinh thần gửi đến cho khán giả, và đó cũng là liều thuốc chữa lành viết thương cho những ai có nỗi buồn trong chuyện tình cảm.
Chính vì lý do đó mà tôi không suy nghĩ quá nhiều về việc vì có lợi thế nghệ sĩ ảnh hưởng đến tuổi tác, suy nghĩ… Mà mỗi lần ca sĩ xuất hiện trên sân khấu hát live thì đều có cung bậc cảm xúc khác nhau và cách truyền tải khác nhau. Đôi khi khán giả cũng là nguồn động lực chính để giúp cho ca sĩ tự tin hơn trên sân khấu. Và ở mỗi sân khấu, cách thể hiện của nghệ sĩ là khác nhau. Vì vậy nên tôi không nghĩ đây là một trong những lợi thế cho ca sĩ ảo. Nói cách khách, đó sẽ là một trong những yếu thế của công nghệ AI về mặt cảm xúc của nghệ sĩ ở mỗi nơi trình diễn khác nhau.
Còn về về đời tư, tôi nghĩ là do góc nhìn của người hâm mộ và tất cả những ai đang theo dõi chặng đường của người nghệ sĩ mà mình yêu thích. Có những người yêu thích nghệ sĩ không phải riêng bài hát mà do lối sống, do con người, do những phát ngôn… và nhiều yếu tố khác nữa.
Tuy nhiên, những yếu tố đó trong cuộc sống cũng là điểm cộng cho một người nghệ sĩ để người hâm mộ có thể yêu thích người nghệ sĩ của mình hơn. Vì vậy, nói về tai tiếng thì đúng, nhưng nói về những ưu điểm của người nghệ sĩ thực ngoài đời thì có thể đó là điểm vô tình làm cho nghệ sĩ AI khó tiếp cận vơi công chúng hơn so với nghệ sĩ ngoài đời thực.
Anh có sử dụng AI trong công việc của mình không?
- Trước sự phát triển của AI, với vai trò của một người đang làm nhạc và theo đuổi âm nhạc, tôi nghĩ tôi có thể tận dụng AI để làm rất nhiều việc, ví dụ như viết nhạc, hay hỗ trợ sản xuất âm nhạc.
Xin cảm ơn ca sĩ Trần Đăng Quang!