Từ khi được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại, ca trù đã có dấu hiệu khởi sắc. Song việc thu hút giới trẻ vẫn còn là vấn đề trăn trở.
Thăng trầm qua thời gian
Theo các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ca trù có nhiều thể cách. Thống kê từ sách cổ, có 99 thể cách hát ca trù, trong đó trình thức hát cửa đình dâng lên Đức Thành Hoàng có 14 thể cách. Mặc dù là loại hình nghệ thuật truyền thống đã từng có sức ảnh hưởng lớn trong nền âm nhạc truyền thống của Việt Nam nhưng ca trù cũng có những bước thăng trầm theo lịch sử, thậm chí có lúc đứng trước nguy cơ bị mai một.
NSND Việt Hương - Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Hà Nội, người đã có nhiều năm nghiên cứu và sản xuất những thước phim tư liệu về bộ môn nghệ thuật này như “Sênh phách rền vang”, “Ngàn năm Sênh phách” chia sẻ: Trong quá trình làm phim về nghệ thuật ca trù, tôi nhận thấy các nghệ nhân đều là những người nặng lòng đau đáu với nghệ thuật ca trù. Nhưng do hoàn cảnh và điều kiện xã hội, họ không thể kiếm tiền đủ sống bằng nghệ thuật này nên chỉ hát cho nhau nghe, hay thỉnh thoảng có cuộc phát động của nhà nước thì họ lại có cơ hội tập trung diễn xướng.
Bà Hương cho biết, hiện nay, cũng đã có nhiều câu lạc bộ ca trù ra nhưng không thể được như thời đầu thế kỷ 20, vì ngoài có giọng hát và học tập để biết cách hát thì còn phải có trình độ am hiểu về văn thơ, như vậy diễn xướng mới có hồn cốt. Trong mỗi một tổ nghề, người ta ít truyền thụ cho người ngoài mà chỉ truyền cho con cháu hoặc một số đệ tử thân cận, chính vì vậy mà ca trù lại càng khó phát triển. Đi hát ca trù không đủ sống nên các nghệ nhân cũng phải đi làm công việc khác, không thể tập trung trí tuệ thời gian để dành cho nghệ thuật, đó cũng là nguyên nhân kéo lùi sự phát triển. Chưa kể người nghe không am hiểu về ca trù nên ít người thích đến nghe.
Lan tỏa để phát triển
Hà Nội được coi là cái nôi của nghệ thuật ca trù và cũng là địa phương được đánh giá dẫn đầu về mặt tổ chức, nghiên cứu và số nghệ nhân tài năng. Dấu tích của nghệ thuật ca trù tại Thăng Long hiện diện ở nhiều di tích như đình Đông Ngạc (phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm); đền Đông Hương (số nhà 82 phố Hàng Trống) là nơi thờ đào nương Nguyễn Thị Huệ thời Lê Trịnh; Lỗ Khê, nơi gần 600 năm trước đã là một trong những cái nôi của nghệ thuật ca trù…
Không chỉ riêng Thủ đô Hà Nội, mà ở khắp các tỉnh thành, những nơi xưa kia ca trù từng bén rễ thì nay phong trào đều phát triển trở lại. Trong số đó có Hải Phòng, với một nhóm ca trù hoạt động thường xuyên ở đình cổ Hàng Kênh tạo được tiếng vang.
PGS.TS Đặng Hoành Loan - nguyên Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cho rằng, để bảo tồn, phát huy, tạo sức sống bền vững cho nghệ thuật ca trù, bên cạnh nỗ lực của cộng đồng nắm giữ di sản thì cũng cần sự hỗ trợ tích cực hơn nữa từ phía cơ quan chuyên ngành và chính quyền địa phương trong việc tạo nguồn kinh phí hoạt động, chế độ đãi ngộ nghệ nhân, tổ chức truyền dạy, phát triển không gian trình diễn.
Đồng quan điểm, NSND Việt Hương cho rằng, muốn bảo tồn văn hóa thì không thể chỉ có cá nhân mà cần có sự chung tay của toàn xã hội và phải có chiến lược. Trồng một cái cây còn mất nhiều năm mới lớn, huống hồ một hình thức văn hóa truyền thống đã bị ngủ vùi, nay muốn phát triển trở lại cần phải có thời gian.
“Nhà nước cần đưa chính sách phát huy bảo tồn một cách hệ thống, để các thế hệ học sinh được tiếp cận với nghệ thuật truyền thống bằng nhiều hình thức. Các em có thể được đào tạo được học hay hình thức sinh hoạt trong các câu lạc bộ trong trường học. Bên cạnh đó, nhà nước cần có chiến lược đầu tư kinh phí nhiều hơn nữa. Các cơ quan truyền thông quảng bá của nhà nước cần quảng bá nhiều thêm nữa. Các nghệ nhân cần cởi mở hơn không nên giấu nghề, vì giấu nghề nay mai sẽ có nguy cơ mất đi khi đó mất hẳn thì còn đáng tiếc hơn” - bà Hương nói.
Để giữ cho ca trù đứng vững trước thách thức của thời gian, không còn cách nào khác ngoài nỗ lực bồi đắp và lan tỏa các giá trị văn hóa cho thế hệ trẻ. Chỉ có như vậy, ca trù sẽ không bị mai một và sống mãi trong đời sống tinh thần của nhân dân.